'Không thể phát hiện phi công có ý định tự sát'

28/03/2015 09:22 GMT+7

(TNO) Trong khi các nhà điều tra đang cố tìm hiểu nguyên nhân vì sao cơ phó trẻ tuổi người Đức của hãng hàng không Germanwings lại cố tình lái chiếc máy bay lao vào núi, nhiều phi công và các chuyên gia tâm lý cảnh báo không có cách nào để ngăn sự cố tương tự xảy ra trong tương lai.

(TNO) Trong khi các nhà điều tra đang cố tìm hiểu nguyên nhân vì sao cơ phó trẻ tuổi người Đức của hãng hàng không Germanwings lại cố tình lái chiếc máy bay lao vào núi, nhiều phi công và các chuyên gia tâm lý cảnh báo không có cách nào để ngăn sự cố tương tự xảy ra trong tương lai.

Các chuyên gia tâm lý và cả các phi công thừa nhận khó có thể đoán được hành vi của các phi công - Ảnh: Reuters

Reuters cho biết Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) quy định, ai bị trầm cảm thì không nên lái máy bay. Tuy nhiên, Cẩm nang Y tế Hàng không Dân dụng của tổ chức này cũng nói rõ các bài kiểm tra tâm lý phi hành đoàn “hiếm khi có giá trị” và khó tiên đoán được các chứng rối loạn hành vi tâm thần.

Các hãng hàng không châu Á, chẳng hạn như Cathay Pacific, Japan Airlines, Qantas Airways và Singapore Airlines cho biết các phi công tập sự phải trải qua một đợt khám sức khỏe nghiêm ngặt, gồm cả kiểm tra tâm lý. Các phi công chính thức phải vượt qua một đợt kiểm tra sức khỏe tổng quát, bao gồm cả kiểm tra tâm lý, ít nhất mỗi năm một lần. Nhiều hãng còn cung cấp cho phi công chế độ tư vấn tâm lý riêng tư.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích và cả phi công nhận định không có phương pháp nào có thể phát hiện ra toàn bộ các phi công có tâm bệnh.

“Nếu bạn che giấu trạng thái chán sống, tập trung kém, có ý nghĩ tự sát hay suy nhược, thì trừ phi người thân hay đồng nghiệp của bạn tiết lộ cho ban quản lý hay cho cơ trưởng, còn không thì các vụ này cũng sẽ không bị phát giác”, Randy Knipping, một chuyên gia y tế hàng không, nói với Reuters.

Phi công ngại kể bệnh

Chính các phi công xác nhận họ được khuyến khích nói ra các vấn đề về tâm lý, bất kể là của họ hay của đồng nghiệp. Tuy nhiên, nhiều người thường tránh nói ra vấn đề này.

“Bạn có muốn làm việc ở một nơi mà đồng nghiệp rình rập bạn không? Đó là lý do vì sao chuyện khai báo hiếm khi xảy ra”, một cơ trưởng giấu tên chuyên lái Airbus A320 cho một hãng hàng không châu Á tiết lộ.

“Ai cũng có vấn đề và một vài người giải quyết chúng tốt hơn những người khác. Không phải ai cũng giải quyết vấn đề của mình bằng cách cho máy bay rơi. Đó là một phản ứng quá khích và không có ai có thể đoán trước được”, ông này nói.

Một phi công dày dạn kinh nghiệm khác nói thêm: “Họ hỏi về tình trạng tâm lý của bạn, về những chuyện có thể tác động đến tâm lý của bạn. Nhưng ai sẵn sàng thừa nhận những điều có thể khiến mình bị đình chỉ giấy phép lái? Tôi sẽ không làm vậy đâu. Tôi cần việc làm”.

Chuyên gia y tế hàng không David Powell tại New Zealand cho biết, một nghiên cứu của ICAO về các vụ tai nạn trên toàn cầu trong 20 năm cho thấy, chỉ có 10 vụ rơi máy bay liên quan đến các vấn đề sức khỏe.

“Các phi công được giám sát và theo dõi nghiêm ngặt, nhưng ai có thể đoán trước được hành vi của con người?”, ông Powell đặt vấn đề.

Toàn bộ 150 người trên chuyến bay 4U9525 của Germanwings đã thiệt mạng ngay tức khắc sau khi cơ phó Andreas Lubitz tự khóa mình trong buồng lái, chiếm quyền kiểm soát máy bay và lái nó đâm vào dãy núi Alps ở miền nam nước Pháp.

Nhật báo Bild (Đức) hôm 27.3 đưa tin Lubitz phải điều trị tâm lý vì bị “trầm cảm nặng” cách đây 6 năm, theo Reuters.

Cũng trong ngày 27.3, phòng công tố Dusseldorf (Đức) thông báo đã phát hiện tại nhà của Lubitz giấy khám bệnh bị xé cho thấy anh này bị bệnh nhưng giấu hãng Germanwings.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.