Không đội khăn trùm đầu, bà Michelle Obama muốn nói gì với Ả Rập Xê Út?

29/01/2015 14:57 GMT+7

(TNO) Giống như những đệ nhất phu nhân khác, trang phục của bà Michelle Obama cũng được chú ý rất kỹ để giải mã những thông điệp ẩn chứa bên trong.

(TNO) Giống như những đệ nhất phu nhân khác, trang phục của bà Michelle Obama cũng được chú ý rất kỹ để giải mã những thông điệp ẩn chứa bên trong.

Bà Michelle Obama đứng cạnh tân Quốc vương Ả Rập Xê Út Salman (phải) ngày 27.1 - Ảnh: Reuters
Bà Michelle nhận được sự đánh giá cao nhờ “tài ngoại giao thời trang” của mình, trong những lần bà tham gia các sự kiện ngoại giao, theo Washington Post ngày 28.1.
Trong chuyến đi đến Ả Rập Xê Út ngày 27.1 viếng Quốc vương Abdullah, đệ nhất phu nhân Mỹ đã chọn cho mình một chiếc áo màu xanh dài xuống, quần đen và không khăn trùm đầu. Ả Rập Xê Út có một bộ luật quy định về chuyện ăn mặc rất nghiêm ngặt đối với phụ nữ. Phụ nữ Ả Rập Xê Út luôn phải tuân thủ nghiêm ngặt bộ luật trên ở nơi công cộng (khuôn mặt và mái tóc phải được che kín, áo và quần đều phải dài...).
Tuy nhiên, bà Michelle ăn mặc như vậy không phải là không có tiền lệ. Vào năm 2006, Laura Bush, vợ của cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, cũng làm điều tương tự trong chuyến thăm Quốc vương Abdullah.
Còn đối với Condoleezza Rice, cựu Ngoại trưởng Mỹ, bà từng viết trong cuốn sách của mình năm 2011 về việc Quốc vương Abdullah tặng cho bà 1 món quà gồm một áo choàng đen và một khăn che mặt, nhưng bà đã từ chối sử dụng chúng.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice cũng không đội khăn trùm đầu trong sự kiện ngày 27.1 - Ảnh: AFP
So với những đệ nhất phu nhân Mỹ trước đây, bà Michelle Obama là người gắn liền với thời trang nhiều hơn. Bà Michelle đã đặt ra những xu hướng mới và nâng tầm các thương hiệu. Và trong thời đại của truyền thông xã hội, Michelle Obama có một lượng "khán giả toàn cầu" chưa từng có, theo Washington Post.
Nhưng đi kèm với sự hâm mộ còn có những ý kiến phản đối, cách ăn mặc của bà Michelle Obama trong buổi lễ ngày 27.1 cũng vấp phải nhiều sự chỉ trích trên mạng xã hội Twitter. Hơn 1.500 đoạn tweet trên mạng xã hội này sử dụng cụm từ được dịch sang tiếng Anh là #Michelle_Obama_unveiled (#Michelle_Obama_đã bỏ khăn che mặt). Một số người khác lại hỏi rằng trong chuyến đi đến Indonesia gần đây, bà Michelle đã đội khăn trùm đầu, vậy tại sao lại không đội ở Ả Rập Xê Út?
Theo Washington Post, bà Michelle Obama không xem nhẹ cung cách ăn mặc, đặc biệt là trong các sự kiện quan trọng. Việc bà chọn trang phục như vậy trong chuyến thăm Ả Rập Xê Út ngày 27.1 có thể ngầm chứa những thông điệp chính trị. Đặc biệt, đây lại là thời điểm mà những chính sách về phụ nữ của Quốc vương quá cố Abdullah đang được chú ý sau khi Thái tử Salman lên ngôi.
Thực chất, hành động của bà Michelle cũng chỉ là một phiên bản mang nhiều tính truyền thông xã hội hơn so với cách mà những đệ nhất phu nhân Mỹ trước kia từng làm, Washington Post bình luận.
Cựu Đệ nhất phu nhân Laura Bush cùng Quốc vương Abdullah năm 2007 - Ảnh: Reuters
Năm 1995, bà Hillary Clinton, phát biểu trong Hội nghị Phụ nữ của Liên Hiệp Quốc tại Bắc Kinh (Trung Quốc) rằng: “Quyền phụ nữ là nhân quyền, và nhân quyền cũng là quyền phụ nữ”.
Mười năm sau, bà Laura Bush cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền phụ nữ trước một nhóm các nhà lãnh đạo Ả Rập. Bà Laura Bush nói tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Jordan năm 2005: “Tự do, đặc biệt là tự do cho phụ nữ, còn lớn hơn cả việc không có áp bức...”. Khi ấy, phái đoàn Ả Rập Xê Út đã bỏ đi trước khi bà Laura đề cập đến điều này.
Mười năm sau nữa, bà Michelle Obama cùng trang phục của mình đã ngầm đưa ra một tuyên bố tương tự.
Theo Washington Post,  việc phu nhân Tổng thống Obama không đeo khăn trùm đầu tại Ả Rập Xê Út ngày 27.1 khiến thông điệp của bà trở nên dễ hiểu hơn nhiều.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.