Kết thúc ngày bầu cử ở Myanmar, 80% cử tri đi bỏ phiếu

08/11/2015 20:19 GMT+7

(TNO) Cuộc bầu cử “lịch sử” của Myanmar hôm chủ nhật 8.11 đã kết thúc trong yên bình với số lượng cử tri lớn, theo AFP.

(TNO) Cuộc bầu cử “lịch sử” của Myanmar hôm chủ nhật 8.11 đã kết thúc trong yên bình với số lượng cử tri lớn, theo AFP.

Người dân Myanmar tại một điểm bỏ phiếu ở thành phố Mandalay hôm 8.11 - Ảnh: ReutersNgười dân Myanmar tại một điểm bỏ phiếu ở thành phố Mandalay hôm 8.11 - Ảnh: Reuters

Các điểm bầu cử đã chốt phiếu vào 16 giờ ngày 8.11 (giờ địa phương), Phó giám đốc Ủy ban bầu cử liên bang Myanmar, Thant Zin Aung cho biết. Ông cũng nói rằng cuộc bầu cử khá thành công với “khoảng 80% cử tri đã đi bầu hôm nay”.

Cuộc tổng tuyển cử lần này đánh dấu lần đầu tiên sau 25 năm người dân Myanmar được cơ hội đề cử người cầm quyền, sau giai đoạn chính phủ do quân đội hậu thuẫn nắm quyền.

Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD), đảng đối lập bên phía bà Aung San Suu Kyi được kỳ vọng sẽ chiến thắng để thúc đẩy dân chủ tại Myanmar.

Bà Suu Kyi là người đã chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1990 nhưng sau đó cuộc bỏ phiếu bị hủy bỏ, và bà bị quân đội bắt giam.

Báo Mỹ The New York Times hôm 8.11 mô tả người dân đã “trở về trong cảm giác hân hoan, đơn giản vì họ đã được bỏ phiếu”.

“Đây là cơ hội để chúng tôi có được sự tự do”, The New York Times dẫn lời U Saan Maw, một cử tri 63 tuổi tham gia bầu cử ngày 8.11.

Cuộc bầu cử đã diễn ra êm đẹp, không có bạo lực, đúng theo lời cam kết của đảng cầm quyền Myanmar do quân đội hậu thuẫn, theo Reuters.

Aung San Suu Kyi, từng được trao giải Nobel Hòa bình, là nhân vật thu hút sự chú ý nhất của cuộc tổng tuyển cử lần này, dù bà sẽ không được làm Tổng thống do hiến pháp của Myanmar quy định trước đó.

Bà cho rằng dù sao đi nữa, bà cũng sẽ là người đứng “trên tổng thống” nếu đảng NLD giành thắng lợi. Đây cũng là mong ước của ông Aung San, cha của bà Aung San Suu Kyi, được nhiều người coi là anh hùng dân tộc khi giành độc lập cho Miến Điện (Burma), tên cũ của Myanmar.

Bà Aung San Suu Kyi là nhân vật tâm điểm của cuộc tổng tuyển cử lần này - Ảnh: Reuters

“Cha của bà ấy chưa hoàn thành những gì cần làm, nên bà ấy luôn cảm thấy có trách nhiệm thực hiện trọn vẹn điều đó. Đây là cơ hội cuối cùng để bà hoàn thành sứ mệnh”, The New York Times dẫn lời Bertil Lintner, một trong những người viết tiểu sử cho bà Aung San Suu Kyi.

Cuộc tổng tuyển cử của Myanmar lần này đón 10.000 quan sát viên quốc tế bao gồm đại diện của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản. Kết quả cuộc bầu cử không được thông báo lập tức, và dự kiến chỉ có thể đưa ra vào tuần sau, theo Reuters.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.