Kết nối vì biển Đông

02/01/2013 03:00 GMT+7

Tại Viện Biển Đông, các chuyên gia nỗ lực nối kết những lực lượng nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước để bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Vài năm gần đây, những hội thảo liên quan đến biển Đông liên tục diễn ra ở Việt Nam và nhiều nước như Mỹ, Singapore, Nhật Bản, Malaysia, Philippines... Tại đó, các chuyên gia Việt Nam luôn đưa ra nhiều kết quả nghiên cứu khoa học có giá trị để chứng minh chủ quyền nước nhà đối với Hoàng Sa và Trường Sa, kiến nghị nhiều biện pháp kiểm soát xung đột, giữ gìn hòa bình và ổn định ở biển Đông. Trong số này, không ít chuyên gia là thành viên của Viện Biển Đông, thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam. Thanh Niên đã có dịp trao đổi với ông Nguyễn Hùng Sơn, Phó viện trưởng Viện Biển Đông.

Trước tiên, xin ông chia sẻ ý kiến về việc nghiên cứu khoa học phục vụ việc khẳng định chủ quyền biển đảo quốc gia?

Trong nghiên cứu khoa học, ai có lập luận xác đáng, bằng chứng rõ ràng thì người đó sẽ thuyết phục được các học giả khác cũng như dư luận thế giới. Thời gian qua, ở đâu người ta bàn về biển Đông thì chúng tôi cố gắng có mặt để thông tin và thuyết phục bạn bè quốc tế về lý lẽ của Việt Nam. Tại những diễn đàn như thế, chúng tôi không chỉ thông tin, tuyên truyền cho quan điểm, lập trường của Việt Nam mà còn phân tích, giải thích chính sách của chúng ta, tham gia trao đổi, tranh luận từ góc độ học thuật để minh chứng cho lập luận, lý lẽ của mình. Việc cộng đồng quốc tế biết và hiểu chính sách của chúng ta vẫn chưa đủ. Chỉ khi nào họ cảm thấy thuyết phục thì chính sách của chúng ta mới thành công.

Khu nghề cá ở đảo Đá Tây - Trường Sa
Khu nghề cá ở đảo Đá Tây - Trường Sa - Ảnh: La Thành Trung

Cũng cần nói thêm là vấn đề biển Đông không chỉ liên quan đến đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Chúng ta còn nhiều lợi ích gắn với biển Đông lắm, ví dụ như làm thế nào tăng cường hợp tác khu vực duy trì hòa bình, ổn định và phát triển. Các học giả ngoài việc gặp nhau để đấu tranh còn cần thái độ thiện chí và xây dựng vì các lợi ích chung, cùng thảo luận để tìm ra biện pháp thúc đẩy hợp tác, xây dựng lòng tin, ngăn ngừa xung đột và kiểm soát khủng hoảng. Với tinh thần trách nhiệm và xây dựng, các học giả Việt Nam đã tham gia ngày càng tích cực vào hướng thảo luận này.

Nghiên cứu biển Đông có vị trí như thế nào trong ngành ngoại giao?

Nghiên cứu biển Đông luôn nhận được sự quan tâm hàng đầu của Chính phủ, bởi Việt Nam là một quốc gia biển với đường bờ biển dài hơn 3.000 km. Thời gian gần đây, vấn đề tranh chấp biển Đông còn thu hút sự quan tâm lớn của dư luận trong nước và thế giới. Biển Đông có tầm quan trọng thiết yếu đối với an ninh và phát triển của đất nước chúng ta. Vấn đề biển Đông không chỉ liên quan đến lợi ích của Việt Nam mà còn liên quan đến an ninh biển, hòa bình, ổn định trong khu vực, do đó việc giữ gìn hòa bình, ổn định ở biển Đông là lợi ích chung của cộng đồng thế giới.

Trong những hội thảo và diễn đàn cũng như quá trình nghiên cứu về biển Đông, ông có thể chia sẻ đâu là những khó khăn, thách thức khi thuyết phục giới học giả và dư luận thế giới bằng các luận chứng khoa học?

Có khó khăn là khó khăn chung của các học giả Việt Nam, và có khó khăn là khó khăn riêng của lĩnh vực nghiên cứu về biển Đông. Thứ nhất, vấn đề biển Đông rất rộng và phức tạp khiến đôi khi chúng tôi cảm thấy mình rất nhỏ bé. Muốn hiểu rõ vấn đề biển Đông phải có kiến thức tổng hợp, cả quan hệ quốc tế, lịch sử, luật pháp quốc tế, đôi khi còn phải biết cả khoa học tự nhiên nữa. Thứ hai, lực lượng nghiên cứu biển Đông không nhỏ nhưng còn phân tán, rải rác. Có nhiều người nghiên cứu, có nhiều viện nghiên cứu, nhiều cơ quan nhà nước nghiên cứu về các khía cạnh khác nhau nhưng phối hợp chưa thật hiệu quả. Chính vì thế, một trong những mục tiêu của Hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông mà Học viện Ngoại giao tổ chức là kết nối các nhà khoa học trong nước lẫn quốc tế. Viện Biển Đông thành lập cũng là để kết nối và xây dựng mạng lưới nghiên cứu về biển Đông. Thứ ba, vấn đề biển Đông có liên quan đến lịch sử phức tạp của khu vực và càng phức tạp hơn trong bối cảnh khu vực đang diễn ra những thay đổi kịch tính đầy bất trắc, khó lường. Vì vậy, công tác tập hợp thông tin, dữ liệu và bằng chứng có ý nghĩa quan trọng. Một trong những mục tiêu và nhiệm vụ của Viện Biển Đông là thành lập một trung tâm của cả nước để hệ thống hóa tư liệu về biển Đông. Chúng tôi có mong muốn kết nối lực lượng nghiên cứu của người Việt trong và ngoài nước lẫn các học giả quốc tế. Chúng tôi hy vọng tập hợp được nguồn lực để tạo nên một lực lượng nghiên cứu mạnh về biển Đông của cả nước. 

Vậy theo ông, sắp tới hoạt động của Viện Biển Đông có thể gặp những rào cản nào?

Rào cản thì không nhưng thách thức thì luôn luôn nhiều. Trước hết, đó là việc xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu bài bản cả về kiến thức, nhiệt huyết và bản lĩnh. Kiến thức của đội ngũ này phải đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế để đủ sức thuyết phục thế giới. Điều đó có nghĩa là họ sẽ phải vừa rất hàn lâm, vừa rất thực tiễn. Tiếp đến là vấn đề về cơ chế và chính sách. Ví dụ như cơ chế để kết nối các nhà nghiên cứu trên cả nước, để thu hút chất xám từ khắp nơi cùng đóng góp cho sự nghiệp nghiên cứu biển Đông. Trước khi có Viện Biển Đông, thách thức của chúng tôi là chưa có một cơ chế, một nơi để tập hợp lại với nhau. Giờ đây, có viện rồi thì có thể hy vọng rằng sẽ từng bước vượt qua thách thức này.

Ngô Minh Trí
(thực hiện)

>> Trung Quốc tăng tàu chiến ở biển Đông
>> Trung Quốc gây ô nhiễm biển Đông
>> Kiểm soát chặt chẽ hoạt động dầu khí trên biển Đông
>> Philippines phản đối Trung Quốc triển khai tàu Hải tuần 21 xuống biển Đông
>> Trung Quốc ngang nhiên đầu tư 1,6 tỉ USD vào biển Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.