Kẻ phá bĩnh đáng gờm

10/03/2011 22:26 GMT+7

Với các kết quả thăm dò thuận lợi gần đây, thủ lĩnh cực hữu Marine Le Pen đã trở thành một đối thủ đáng ngại trên chính trường Pháp.

Kết quả khảo sát do Viện Nghiên cứu Harris Interactive thực hiện cho tờ Le Parisien công bố hôm 9.3 đã “gây sốc” cho nhiều người Pháp. Nếu vòng 1 của kỳ bầu cử tổng thống diễn ra ở thời điểm hiện tại thì Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận dân tộc (FN) Marine Le Pen không chỉ lọt vào top 3 mà còn “chễm chệ” ở vị trí dẫn đầu.

Với 23-24% số phiếu, bà giành chiến thắng trong cả 3 giả thiết với 3 ứng viên khác nhau của đảng Xã hội, còn đại diện đảng UMP cầm quyền là Tổng thống Nicolas Sarkozy. Đặc biệt trong trường hợp Tổng giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn ra tranh cử cho đảng Xã hội, ông Sarkozy thậm chí chỉ về thứ 3 với 21% số phiếu và bị loại. Những ai quan tâm đến chính trường Pháp ngay lập tức nhớ đến cơn “địa chấn” ngày 21.4.2002. Khi đó,  “trùm” cực hữu Jean-Marie Le Pen, cha bà Marine Le Pen, bất ngờ xếp thứ 2 tại vòng 1 kỳ bầu cử  tổng thống, loại ông Lionel Jospin của đảng Xã hội để vào “chung kết” với Tổng thống Jacques Chirac.

Tiên trách kỷ...

Bà Le Pen, 43 tuổi, ung dung từng bước thu phục lòng tin của cử tri một phần là nhờ cả 2 thế lực của chính trường Pháp đều đang trưng bày những hình ảnh hết sức nhạt nhòa. Hơn nửa năm qua, nhiều nhân vật cao cấp trong nội các của ông Sarkozy phải ra đi vì những vụ tai tiếng: Bộ trưởng Lao động Eric Woerth, Ngoại trưởng Michèle Alliot-Marie… Chỉ từ tháng 11.2010 đến tháng 2.2011, Tổng thống Pháp đã phải cải tổ nội các hai lần.

Nhưng quan trọng nhất là hiện ông Sarkozy đang dính đòn “hồi mã thương” từ chính chiến lược ông chọn từ năm 2007 nhằm thu hút cử tri của đảng FN. Ngay từ lúc ra tranh cử và suốt gần 4 năm qua, ông Sarkozy không ít lần sử dụng các luận điểm mang chiều hướng dân tộc chủ nghĩa: bảo vệ bản sắc dân tộc, siết chặt chính sách nhập cư… Nhưng càng ngày, những cử tri khuynh hữu ôn hòa càng tỏ ra chán ngán những quan điểm này, trong khi những người có quan điểm cực đoan lại thấy ông Sarkozy hành động chưa đủ dứt khoát nên bỏ UMP và chuyển sang ủng hộ FN.


Bà Marine Le Pen ngày càng lôi kéo được nhiều cử tri của đảng cầm quyền UMP - Ảnh: Reuters 
 

Cùng lúc đó, đảng Xã hội vẫn chưa giải quyết dứt điểm được những mâu thuẫn nội bộ nghiêm trọng từ kỳ đại hội toàn quốc năm 2008 và chưa đưa ra được một kế hoạch rõ ràng, cụ thể, có tính thuyết phục cho kỳ bầu cử năm sau. Chính vì vậy, khi Le Parisien đăng kết quả có lợi cho bà Le Pen, phản ứng được ghi nhận nhiều nhất từ 2 đảng UMP và Xã hội là… đổ lỗi qua lại. Thủ tướng François Fillon tỏ ra bất bình: “Từ 4 năm qua, đảng Xã hội luôn tìm cách gièm pha tổng thống một cách tệ mạt”; còn Tổng thư ký đảng Xã hội Martine Aubry thì tố cáo ông Sarkozy đã “nuôi dưỡng” sự trỗi dậy của đảng FN bằng những luận điểm cực hữu của mình.

“Ngựa ô” mới

Trong khi đó, từ khi kế vị cha và trở thành Chủ tịch đảng FN vào giữa tháng 1.2011, bà Marine Le Pen đã có những chiến lược khá hợp lý để xây dựng hình ảnh “dễ gần” hơn. Với cách ăn nói mềm mỏng, bà đã thành công trong việc khoác cho FN vỏ bọc “yêu nước” thay cho chiếc áo “dân tộc cực đoan” đã mặc từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, đằng sau vẻ ngoài nhu hòa hơn, bà Le Pen vẫn là một thủ lĩnh cực hữu toàn tòng với những tư tưởng đặc trưng như chống EU, chống người nhập cư, đẩy mạnh bài Hồi giáo… Điều này giúp bà vẫn giữ được lòng tin của những người ủng hộ chứ không bị cho là nửa vời như ông Sarkozy.

Nhờ được “mặc áo mới” mà những cử tri ủng hộ FN đã tự tin hơn trong việc lên tiếng công khai quan điểm của mình. Điều này giải thích một phần những kết quả thăm dò khả quan gần đây dành cho bà Marine Le Pen.

Ứng viên của một đảng cực hữu không thể trở thành Tổng thống Pháp, dù “gặp thời” đến mức nào đi nữa. Điều này đã được chứng minh vào năm 2002. Hàng loạt cuộc biểu tình nổ ra trên toàn quốc để phản đối khi ông Jean-Marie Le Pen vào vòng 2. Tất cả các đảng thua cuộc ở vòng 1 khi đó đều kêu gọi cử tri dồn phiếu cho Jacques Chirac, giúp ông tái đắc cử với 82,21% số phiếu, cao kỷ lục dưới thời nền Cộng hòa thứ 5. Bà Marine Le Pen vì vậy rất ít có cơ may bước vào Điện Élysée, nhưng bà hoàn toàn có thể trở thành “kẻ ngáng đường” của cả đảng UMP lẫn đảng Xã hội.

“Chinh phục” các cuộc thăm dò

Kết quả cao bất ngờ của phe cực hữu khiến một số người, đặc biệt là những cử tri ủng hộ đảng UMP và đảng Xã hội, nghi ngờ phương pháp thăm dò qua internet của Harris Interactive. Tranh cãi càng dâng cao khi trang tin

Mediapart tiết lộ Harris Interactive đã “trả tiền” cho những người tham gia khảo sát. Viện nghiên cứu này lập tức đáp trả rằng họ chỉ tổ chức rút thăm trúng thưởng để thu hút đông đảo đối tượng tham gia. Tuy nhiên, dù ủng hộ hay phản đối thì tất cả đều phải công nhận kết quả của Harris Interactive đã phản ảnh đúng thực tế: bà Marine Le Pen ngày càng thuyết phục được nhiều cử tri. Trước khi Le Parisien đăng tải kết quả “gây sốc” này, trong hầu hết những thăm dò, bà đều giành được tỷ lệ “thiện cảm” trung bình trên 20%. Trong khi vào tháng 12.2010, con số này chỉ ở mức 12-14%.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.