Hy Lạp, EU đưa nhau vào chân tường

22/06/2015 06:15 GMT+7

Cả châu Âu đang “nín thở” chờ đợi kết quả hội nghị đặc biệt về Hy Lạp vào ngày 22.6 (giờ địa phương) tại thủ đô Brussels của Bỉ.

Cả châu Âu đang “nín thở” chờ đợi kết quả hội nghị đặc biệt về Hy Lạp vào ngày 22.6 (giờ địa phương) tại thủ đô Brussels của Bỉ.

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis đến dinh Thủ tướng họp với Thủ tướng Alexis Tsipras về nguy cơ vỡ nợ ngày 21.6 - Ảnh: AFPBộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis đến dinh Thủ tướng họp với
Thủ tướng Alexis Tsipras về nguy cơ vỡ nợ ngày 21.6 - Ảnh: AFP
Tại hội nghị, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras và Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis sẽ đàm phán với các lãnh đạo Khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) với hy vọng đạt được thỏa thuận giúp nước này tránh nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng 6.
Từ 5 tháng qua, hàng loạt cuộc họp đã kết thúc thất bại vì giữa Athens với các thành viên lớn của EU và các chủ nợ quốc tế không tìm được tiếng nói chung. Liên minh cầm quyền cánh tả SYRIZA của ông Tsipras chiến thắng trong kỳ tổng tuyển cử hồi cuối tháng 1 tại Hy Lạp với cam kết không lạm dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng hà khắc để đối phó khủng hoảng kinh tế.
Trong khi đó, một trong những yêu cầu chính yếu mà các chủ nợ, đặc biệt là Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), đưa ra là Athens phải chứng minh khả năng thanh toán các khoản vay khẩn cấp qua việc tăng cường cắt giảm chi tiêu.
Trả lời tờ Ethnos hôm qua 21.6, phát ngôn viên chính phủ Hy Lạp Nikos Pappas tuyên bố mong muốn Athens và EU sẽ có thể “cùng tìm ra giải pháp không dính dáng đến IMF”. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Tsipras lại “đổ dầu vào lửa” khi ký kết với Tổng thống Nga Vladimir Putin hợp đồng xây dựng đường ống dẫn khí đốt tại Hy Lạp với kinh phí dự trù lên đến 2 tỉ euro.
Giới quan sát nhận định dù tỏ ra rất cứng rắn nhưng bị dồn vào chân tường, Hy Lạp chắc chắn sẽ phải nhượng bộ qua đề xuất những giải pháp khác để tiết giảm chi tiêu ngân sách. Hệ thống ngân hàng nước này đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng thanh khoản khi người dân ồ ạt rút tiền trong những ngày gần đây.
Tình hình sẽ càng tồi tệ hơn cho cả Athens lẫn EU nếu từ đây đến cuối tháng không có thỏa thuận nào được ký kết làm Hy Lạp bị vỡ nợ và phải ra khỏi eurozone. Đây là kịch bản mà các nhà lãnh đạo EU muốn tránh bằng mọi giá. Việc Hy Lạp quay về với đồng drachma sẽ là đòn giáng mạnh vào sự tồn tại của đồng euro lẫn nền kinh tế, uy tín và thống nhất nội bộ EU. Cuối tuần qua, hàng ngàn người tại nhiều nước châu Âu như Anh, Đức, Pháp, Ý... đã biểu tình phản đối thắt lưng buộc bụng và bày tỏ ủng hộ Hy Lạp.
Le Monde dẫn lời giới chuyên gia nhận định cả Hy Lạp lẫn EU sẽ cùng nhượng bộ để ít nhất đạt được một thỏa thuận tạm thời là Athens được giải ngân một phần của gói hỗ trợ tài chính trị giá 7,2 tỉ euro, đổi lại là một số cam kết cắt giảm ngân sách.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.