Huyền thoại về Lữ đoàn của quỷ

08/02/2015 07:00 GMT+7

Sau hơn 70 năm, những “Jame Bond” đời thực đã được Mỹ vinh danh nhờ vào năng lực thần sầu quỷ khốc trong Thế chiến 2.

Sau hơn 70 năm, những “Jame Bond” đời thực đã được Mỹ vinh danh nhờ vào năng lực thần sầu quỷ khốc trong Thế chiến 2.
Đội biệt kích Canada - Mỹ giành được biệt danh “Lữ đoàn của quỷ” tại chiến trường Anzio (Ý) năm 1944 - Ảnh: ReutersĐội biệt kích Canada - Mỹ giành được biệt danh “Lữ đoàn của quỷ” tại chiến trường Anzio (Ý) năm 1944 - Ảnh: Reuters
Lực lượng đặc biệt số 1 của Mỹ và Canada từng là một trong những đơn vị biệt kích đáng sợ nhất trong Thế chiến 2, trở thành biểu tượng noi theo của các lực lượng đặc biệt thời hiện đại như hải quân SEAL. Giờ đây, hơn 70 năm sau khi rời chiến trường đẫm máu và khốc liệt của Thế chiến 2, các thành viên còn sống của đội quân được mệnh danh “Lữ đoàn của quỷ” đã nhận được hình thức vinh danh dân sự cao quý nhất của Mỹ, tức Huân chương Vàng quốc hội vào đầu tháng 2.
Hình thành và huấn luyện
Ý tưởng về một lực lượng quân đội tinh nhuệ, có khả năng hoạt động sâu trong lòng địch bất chấp điều kiện thời tiết được khoa học gia Geoffrey Pyke thuộc Bộ Tư lệnh tác chiến hỗn hợp Anh ấp ủ trong Thế chiến 2. Đội quân này có thể đổ bộ bằng đường không hay đường biển xuống lãnh thổ những nước đang nằm trong tay phát xít như Na Uy, Romania và Ý trong các sứ mệnh phá hoại, với mục tiêu là các nhà máy thủy điện và mỏ dầu. Tại Na Uy, mối đe dọa chính về mặt công nghiệp là bể chứa nước nặng trong quá trình Đức nghiên cứu vũ khí nguyên tử tại Rjukan. Bên cạnh đó, tấn công vào các nhà máy điện của Na Uy làm suy yếu nguồn năng lượng cung cấp cho phe phát xít, mở đường đến Nga cho phe Đồng minh. Còn tại Romania, nơi đây đặt các mỏ dầu có tầm quan trọng chiến lược, chiếm 1/4 sản lượng cung cấp cho Đức, trong khi các trạm thủy điện Ý cung cấp điện cho hầu hết ngành công nghiệp ở phía nam nước Đức. Pyke yêu cầu chế tạo một loại xe kéo được thiết kế đặc biệt cho đơn vị trên, đủ sức chở người và súng ống đi qua các địa hình phủ tuyết với tốc độ cao.
Đến tháng 3.1942, tiến sĩ Pyke chính thức đề xuất ý tưởng thành lập lực lượng đặc biệt lên huân tước Louis Mountbatten, Tổng tư lệnh các lực lượng tác chiến hỗn hợp (COHQ). Theo dự án Plough (tạm dịch: Máy xúc), các biệt kích của phe Đồng minh nhảy dù xuống vùng núi Na Uy để thiết lập một căn cứ trên cao nguyên băng rộng lớn Jostedalsbreen và thực hiện các nhiệm vụ du kích chống lại quân đội Đức đang chiếm đóng. Tuy nhiên, phía Anh rốt cuộc quyết định chuyển ý tưởng này cho Mỹ, và tướng George Marshall, Tổng tham mưu trưởng lục quân Mỹ, chấp nhận đề xuất về dự án trên. Tháng 4.1942, chính quyền Mỹ yêu cầu các nhà sản xuất trong nước phải tìm cách chế tạo chiếc xe di chuyển trong địa hình tuyết như đề xuất của tiến sĩ Pyke, và thành phẩm cuối cùng là chiếc M29 Weasel.
Sự ra đời của Lực lượng đặc biệt số 1 vào mùa hè năm 1942 đánh dấu lần đầu tiên Mỹ và Canada kết hợp các chiến binh hai nước thành một đơn vị duy nhất. Tại căn cứ William Henry Harrison gần Helena, bang Montana (Mỹ) và trên vùng núi gồ ghề của dãy Rocky, 900 lính Mỹ và 900 lính Canada trải qua những tháng huấn luyện kiểu “địa ngục”, dưới sự chỉ huy của thiếu tướng Robert T.Frederick. Trong thời gian không quá dài, họ được học cách sử dụng dù, leo vách đá, trượt tuyết, tham gia vào các trận đánh tay đôi ở vùng cao, và sử dụng những loại vũ khí như dao V-42 được thiết kế riêng. Ngay từ khi bắt đầu, Lực lượng đặc biệt số 1 đã được trang bị nhiều loại “đồ chơi” chuyên dụng như súng máy M1941 Johnson. Khẩu súng này được thiết kế đặc biệt để tăng hỏa lực nhưng vẫn đảm bảo có trọng lượng nhẹ.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner (trái) trao Huân chương Vàng quốc hội cho các thành viên còn sống của Lực lượng đặc biệt số 1 - Ảnh: ReutersChủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner (trái) trao Huân chương Vàng quốc hội cho các thành viên còn sống của Lực lượng đặc biệt số 1 - Ảnh: Reuters
251 ngày gieo rắc kinh hoàng
Tháng 7.1943, đội quân tập hợp những người từng là tiều phu, nông dân, thợ mỏ đã lột xác hoàn toàn để trở thành một trong những đơn vị đáng sợ nhất đối với phe phát xít. Một tháng sau, họ nhanh chóng đến quần đảo Aleut trên Thái Bình Dương và tháng 11 được chuyển đến chiến trường châu Âu, mang theo nhiệm vụ đánh bật quân Đức chốt tại những cứ điểm vững chắc trên các đỉnh núi Ý. Tại Monte La Difensa, còn gọi là đồi 960 trên đất Ý, trong cơn mưa lạnh cóng, biệt kích phe Đồng minh gần như đã đổ bộ theo đường thẳng xuống ngay điểm đóng quân của Đức Quốc xã và chiếm lĩnh thành công cứ điểm liên tục bị giằng co giữa hai phe trong thời gian dài. Cuộc tập kích thần kỳ đã tạo cảm hứng cho bộ phim The Devil's Brigade (Lữ đoàn của quỷ) vào năm 1968, do các diễn viên William Holden và Cliff Robertson thủ vai chính. Dù chịu thương vong nặng nề, Lực lượng đặc biệt số 1 vẫn tiếp tục chiến đấu trong điều kiện mùa đông khắc nghiệt để chinh phục những đỉnh dốc đứng và giành được những tiền đồn chủ chốt nằm trên các đỉnh núi của Ý.
Tháng 1.1944, biệt kích Canada - Mỹ rời các đỉnh núi Ý để đến thành phố biển Anzio nằm ở phía nam Rome. Đây cũng là chiến dịch tạo nên vị trí lẫy lừng của lực lượng này trong lịch sử. Trong đêm tối, lính biệt kích mặc đồ ngụy trang, dùng xi đánh giày bôi đen mặt và lẻn vào hàng ngũ quân địch. Những cuộc tập kích vào ban đêm của họ đã liên tục giáng đòn bất ngờ làm quân Đức không kịp trở tay. Trong quá trình triển khai chiến dịch đánh úp và phá hoại trong 99 ngày liên tục, các tay súng tinh nhuệ bắt đầu vứt lại những tấm thẻ lên thi thể của quân Đức, bên trên vẽ hình phù hiệu đầu mũi tên đỏ đặc trưng của đơn vị, kèm theo lời cảnh cáo rợn người: “Das dicke Ende kommt noch!“ (Điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến). Một quyển nhật ký của sĩ quan Đức được tìm thấy có đoạn: “Bọn quỷ đen bao vây chúng tôi khắp nơi mỗi khi chúng tôi lên tuyến đầu và chúng tôi không hề nghe thấy tiếng động nào chứng tỏ chúng xuất hiện”. Chính từ đây, biệt danh thần sầu của Lực lượng đặc biệt số 1 là “Lữ đoàn của quỷ” đã ra đời.
Ngày 4.6.1944, “Lữ đoàn của quỷ” đã chọc thủng những cánh cổng cổ xưa của thành Rome và trở thành một trong những lực lượng Đồng minh đầu tiên giải phóng thành phố. Hai tháng sau đó, đội biệt kích tinh nhuệ đổ bộ lên quần đảo gần Riviera của Pháp và tham gia chiến dịch tràn quân vào miền nam nước Pháp, đẩy lui phe phát xít trước khi bị giải tán vào tháng 12.1944.
Chiến tích vang dội
Theo thống kê, mỗi mạng sống của thành viên lữ đoàn này được đổi bằng 25 thi thể quân địch. Cứ mỗi một người rơi vào tay địch, họ đoạt lấy 235 tù binh từ đối phương. Chỉ trong 251 ngày tham chiến, họ đã tiêu diệt 2.314 kẻ địch, bắt sống 27.000 người. Các thành viên “Lữ đoàn của quỷ” cũng là những người tiên phong, trở thành hình mẫu cho các đơn vị đặc nhiệm sau này, như Mũ nồi xanh của Lục quân Mỹ, Lực lượng Delta và hải quân SEAL tại Mỹ và Lực lượng đặc nhiệm kết hợp 2 (JTF2) của Canada. Trong buổi lễ long trọng vào ngày 3.2, chỉ còn có 40 thành viên ở độ tuổi 90 của “Lữ đoàn của quỷ” thời trước nhận được vinh dự sánh ngang Tổng thống George Washington, mẹ Teresa và nhà cách mạng Nam Phi Nelson Mandela. Gần đây nhất, bộ phim Inglourious Basterds của đạo diễn Quentin Tarantino vào năm 2009 đã lấy cảm hứng từ đội quân đặc biệt này và mượn hình ảnh của trung úy Joseph Kostelec để xây dựng nhân vật trung úy Aldo Raine.
Trung úy J.Kostelec và phiên bản Hollywood do Brad Pitt thủ vai trong phim Inglourious Basterds - Ảnh: Reuters
Trung úy J.Kostelec và phiên bản Hollywood do Brad Pitt thủ vai trong phim Inglourious Basterds - Ảnh: Reuters
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.