Hawaii trong cuộc so kè Trung - Mỹ

01/03/2015 09:00 GMT+7

Chuyên gia và quan chức Mỹ tin rằng Hawaii, lãnh thổ hải ngoại của Washington, có thể trở thành quân bài quan trọng trong sách lược đối phó Mỹ của Bắc Kinh.

Chuyên gia và quan chức Mỹ tin rằng Hawaii, lãnh thổ hải ngoại của Washington, có thể trở thành quân bài quan trọng trong sách lược đối phó Mỹ của Bắc Kinh.

Hawaii trong cuộc so kè Trung - Mỹ
Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ neo tại Trân Châu cảng ở Hawaii sau cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương năm 2014  - Ảnh: US Navy
Quần đảo Hawaii nằm dưới chế độ quân chủ lập hiến vào cuối những năm 1800. Sau một cuộc đảo chính nhờ Mỹ ủng hộ vào năm 1893, một chính quyền lâm thời và sau đó là nước Cộng hòa Hawaii được thành lập trước khi quần đảo này chính thức được sáp nhập vào lãnh thổ Mỹ năm 1898 và trở thành bang thứ 50 của Mỹ năm 1959. Khoảng 1,4 triệu người hiện sinh sống trên quần đảo này.
Cơ sở quân sự chiến lược
Cuộc đua marathon 100 năm
Trong cuốn sách có tựa đề 100 Year Marathon (tạm dịch Cuộc đua marathon 100 năm) được xuất bản gần đây, Michael Pillsbury tiết lộ rằng giới chức có quan điểm diều hâu trong quân đội Trung Quốc là một phần then chốt trong chiến lược kéo dài 100 năm, tính từ năm 1949, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền, nhằm đánh bại và cuối cùng qua mặt Mỹ để trở thành cường quốc dẫn đầu thế giới trong những thập niên tới. Cuốn sách cũng lần đầu tiên tiết lộ rằng Cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger của Tổng thống Richard Nixon không phải là người khởi xướng quá trình xích lại gần nhau giữa Mỹ và Trung Quốc vào năm 1969 và 1970. Thay vào đó, chính các tướng lĩnh Trung Quốc là người chơi lá bài Mỹ để chống lại Liên Xô lúc bấy giờ.
Theo trang tin Washington Free Beacon, Hawaii được xếp vào nhóm những tiền đồn quân sự chiến lược quan trọng nhất của Lầu Năm Góc. Nằm giữa Thái Bình Dương, cách bang California hơn 4.000 km và cách thủ đô Tokyo của Nhật Bản hơn 6.400 km, quần đảo này là tâm điểm của chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ nhằm đương đầu với sự hung hăng của Trung Quốc trong khu vực.
Căn cứ hải quân Trân Châu cảng của hải quân Mỹ tại Hawaii là nơi đặt đại bản doanh của Hạm đội Thái Bình Dương, quản lý khoảng 200 tàu, 1.100 máy bay và hơn 140.000 thủy thủ, nhân viên dân sự đóng trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Không quân Mỹ vận hành căn cứ Hickam gần đó, cũng là đại bản doanh của Lực lượng Không quân Thái Bình Dương. Doanh trại Schofield của lục quân Mỹ là đại bản doanh của 80.000 binh sĩ được triển khai trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đang vận hành một trạm nghe lén điện tử quan trọng ở Hawaii mang tên Kunia. Hawaii cũng là nơi diễn ra các cuộc tập trận quốc tế lớn do Mỹ dẫn đầu.
Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết cách đây vài năm, các cơ quan phản gián Mỹ tiến hành những cuộc thẩm định thường lệ về phong trào đòi độc lập cho Hawaii, nhằm xác định liệu nó có trở thành mối đe dọa cho Mỹ hay không nếu các nhà hoạt động đòi khôi phục chế độ quân chủ lập hiến nơi đây chuyển sang dùng bạo lực và đe dọa binh lính Mỹ đóng trên quần đảo này. Theo các nhà hoạt động vì độc lập cho Hawaii, giới chức Mỹ từng soạn thảo các kế hoạch khẩn cấp nhằm triệt thoái quân đội khỏi Hawaii một khi quần đảo này tuyên bố độc lập.
Nghị quyết Xin lỗi
Phong trào “nổi dậy” ở Hawaii bao gồm ít nhất 10 nhóm tìm kiếm một dạng độc lập nhất định khỏi Mỹ và phục hồi chế độ quân chủ đã bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 1893. Vào năm 1993, phong trào này được thổi sinh khí mới khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton ký Nghị quyết Xin lỗi, trong đó “nhân danh người dân Mỹ xin lỗi những người Hawaii bản địa về việc lật đổ Vương quốc Hawaii vào ngày 17.1.1893, với sự tham gia của các điệp viên và công dân Mỹ, cũng như việc tước bỏ quyền tự quyết của người Hawaii bản địa”.
Ông Leon Siu, một nhạc sĩ sinh tại Hawaii hiện giữ chức “ngoại trưởng” của “Vương quốc Hawaii” - một trong những nhóm tìm kiếm độc lập cho quần đảo này, khẳng định điều người Hawaii cần là một quốc gia độc lập với nước Mỹ. “Chúng tôi không phải là người Hawaii bản địa. Chúng tôi là công dân Hawaii và chúng tôi xem nơi mình đang ở là một quốc gia độc lập hợp pháp. Chúng tôi đang nỗ lực để khôi phục điều đó”, ông nói. Theo nhà hoạt động này, bất chấp việc Mỹ tạo lập bang Hawaii vào năm 1959, “vương quốc” của ông vẫn là một “thực thể hợp pháp” bao gồm toàn thể chuỗi đảo Hawaii và những gì mà người dân bản địa để lại. Suốt 10 năm qua, ông Siu đã làm việc thông qua các tổ chức quốc tế và thể chế luật pháp nhằm tìm kiếm sự công nhận Hawaii như một nhà nước độc lập. Nhà hoạt động này cho biết ông từng tiếp xúc các đại diện của Trung Quốc nhưng thừa nhận không thể xác định rõ động cơ hoặc mức độ hậu thuẫn của Bắc Kinh đối với sự độc lập của Hawaii.
“Ngoại trưởng” Siu nói với Washington Free Beacon rằng sự hiện diện của các cơ sở quân sự Mỹ tại đây đi ngược lại tính chất trung lập của chế độ quân chủ ban đầu. Theo ông, một chính phủ mới của Vương quốc Hawaii sau độc lập sẽ quyết định số phận các cơ sở quân sự Mỹ. “Tôi thích một mối quan hệ mà ở đó Mỹ sẽ giúp bảo vệ chúng tôi vì hiệp ước hữu nghị của chúng ta, cũng như với Anh, Pháp và tất cả các nước mà chúng tôi có hiệp ước, chẳng hạn như Trung Quốc, Nhật. Cụ thể hơn, tôi sẽ không ủng hộ Mỹ duy trì các cơ sở quân sự ở đây, nhưng quyết định đó không nằm ở tôi”, ông Siu nói.
Lời đe dọa của Bắc Kinh
Ông Michael Pillsbury, chuyên gia tư vấn của Lầu Năm Góc chuyên về chính sách đối với Trung Quốc và các vấn đề tình báo, từng phục vụ cho các chính phủ Mỹ kể từ thời Tổng thống Richard Nixon, nói rằng giới chức quân sự có quan điểm “diều hâu” của Trung Quốc, gọi là “ưng phái”, đã nói với ông rằng họ sẵn sàng cung cấp vũ khí cho các nhà hoạt động vì độc lập của Hawaii nhằm trả đũa việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. “Sự nhạy cảm bất thường của Bắc Kinh đối với việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, dù chỉ là một viên đạn hay một bánh dự phòng cho xe Jeep, thường kích động những lời lẽ giận dữ”, ông Pillsbury, người biết tiếng Quan thoại và đã nói chuyện với 35 tướng lĩnh Trung Quốc trong những năm gần đây, cho biết.
Ông nói tiếp: “Một sự so sánh được ưa chuộng mà các “ưng phái” đưa ra cho tôi là “Lầu Năm Góc sẽ thích thú như thế nào nếu chúng tôi cung cấp vũ khí cho bạn bè của mình trong phong trào độc lập của Hawaii?”. Tôi nghi ngờ vì tôi chưa hề nghe nói về một phong trào như thế, nhưng sau khi kiểm tra, tôi đã gặp một số người trong số họ”. Ông Pillsbury nhận định sự hậu thuẫn của Trung Quốc cho phong trào độc lập của Hawaii sẽ là một mối lo ngại cho Mỹ.
Một dấu hiệu khác về sự hứng thú của Trung Quốc đối với việc kích động bất ổn ở Hawaii đã xuất hiện vào năm 2012, khi Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Hillary Clinton tiết lộ Bắc Kinh đe dọa đưa ra những yêu sách đối với Hawaii. Bà Clinton nói vấn đề chủ quyền đối với Hawaii của Mỹ đã được đưa ra trong các cuộc thảo luận với Trung Quốc, sau khi bà có những phát biểu chống lại hoạt động gây bất ổn của Bắc Kinh tại biển Đông. “Có lúc tại một trong những cuộc thảo luận dài của tôi về vấn đề này, một trong những người Trung Quốc đã nói: “Rồi, chúng tôi có thể tuyên bố chủ quyền đối với Hawaii’. Tôi đã trả lời: “Được, xin mời, và chúng tôi sẽ ra tòa và chứng minh chúng tôi sở hữu quần đảo đó. Đó là điều chúng tôi muốn các ngài làm”, bà Clinton kể lại.
Phản ứng với thông tin trên, một phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết ông chưa hề nghe bất kỳ quan chức Trung Quốc nào “sử dụng lời lẽ như các bạn đề cập”. “Đó hoặc là một sự hiểu lầm nghiêm trọng hoặc là một sự đồn đoán với những ý định không được tiết lộ”, phát ngôn viên họ Chu nói. Tuy nhiên, những cáo buộc về ý định gây bất ổn tại Hawaii của Trung Quốc khiến người ta nhớ đến vụ Bắc Kinh điều một tàu do thám đến vùng biển quốc tế ngoài khơi Hawaii, nơi diễn ra cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) mà Trung Quốc lần đầu tiên được mời tham gia hồi giữa năm ngoái, cùng báo cáo của Viện Hải quân Mỹ về việc Trung Quốc chuẩn bị triển khai tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân có thể đặt Hawaii và cả bang Alaska của Mỹ vào tầm ngắm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.