Girija Devi - Biểu tượng của sự tranh đấu

24/02/2006 23:49 GMT+7

Theo phân cấp địa vị truyền thống của người Hindu tại Ấn Độ, Girija Devi thuộc tầng lớp tiện dân. Thế nhưng, từ dưới đáy xã hội, người đàn bà mù chữ này đã trỗi dậy thành một biểu tượng của phụ nữ toàn cầu.

Cuối tháng 2 này, thế giới sẽ được chứng kiến một sự kiện xúc động. Lần đầu tiên, một phụ nữ mù chữ thuộc tộc người Musahar tại Ấn Độ sẽ phát biểu chính thức tại kỳ họp thứ 50 của Ủy ban phụ trách các vấn đề phụ nữ LHQ. Bà sẽ nói bằng ngôn ngữ của dân tộc mình, nhưng điều đó không hề cản trở thông điệp được truyền đến toàn thế giới bởi những hành động của bà, tự thân nó có sức mạnh hơn mọi lời nói.

Gầy gò và kín đáo, Devi là một mẫu phụ nữ bình thường của làng quê Ấn Độ. Tuy nhiên, ẩn dưới vẻ nhẫn nhục và yếu đuối là một tâm hồn mãnh liệt. Bang Bihar ở miền bắc Ấn Độ có khoảng 1,3 triệu người Musahar với chưa đầy 1% số người biết chữ. Họ sống trong làng mạc heo hút và 98% dân Musahar không có đất, phải đi làm thuê. Khi mùa vụ hết, họ trở về nhà với khoản tiền công còm cõi. Mỗi năm họ thất nghiệp đến 8 tháng và phải đi săn chuột để ăn qua ngày. Trong thời gian đó, cánh đàn ông Musahar thường lấy rượu giải sầu. Họ tiêu hết tiền kiếm được và khi không còn gì để uống, họ trút sự giận dữ lên đầu vợ con. Trong hoàn cảnh đó, phụ nữ Musahar thường cắn răng chịu đựng, nhưng Devi thì khác, bà không muốn dân làng tàn lụi vì thứ chất lỏng ma quỷ này. Thế là bà phát động đấu tranh từ chính ngôi nhà của mình, nơi bà có một người chồng nát rượu. Tiếp theo, bà lập "đội đặc nhiệm" đi dẹp các cơ sở sản xuất rượu trong làng Bhirkia - Chhapaulia của mình. Sợ quá, cánh đàn ông treo các bình rượu lên cây để giấu nhưng điều đó cũng không qua được mắt Devi. Đội đặc nhiệm của bà thường cạo đầu những gã say xỉn, đeo vào cổ họ "vòng hoa" kết bằng giày rồi bắt diễu hành quanh làng để bêu riếu. Chẳng bao lâu, bóng ma rượu chè đã bị quét sạch khỏi Bhirkia-Chhapaulia. "Thất nghiệp" tại làng mình, bà liền tấn công các khu vực lân cận. Chưa đầy 10 năm sau khi Devi mở chiến dịch, đến nay, 125 ngôi làng tại Bihar đã không còn rượu. "Hồi trước, cánh đàn ông luôn về nhà trong trạng thái vật vờ và thường hành hạ chúng tôi. Giờ thì mọi thứ đã thay đổi, các ông chồng đối xử tử tế hơn với vợ. Công đầu thuộc về Devi", một người dân Bihar nói. Bản thân Devi thì muốn nhân rộng mô hình này ra toàn thế giới: "Cần phải cấm rượu trên toàn cầu. Rượu là thủ phạm gây nên nạn bạo hành".

Tiếp theo chiến dịch chống rượu, người phụ nữ 4 con lại đấu tranh để mang về cuộc sống ấm no cho dân Musahar. Bà chỉ huy phong tỏa đường ô tô, buộc đóng cửa các văn phòng nhà nước và chặn xe lửa để đòi chính phủ chăm lo tới sự phát triển của khu vực. Nhờ đó, làng Bhirkia-Chhapaulia đã có một trường tiểu học, một con đường lát gạch và hệ thống cấp nước. Hơn 70% dân có nhà ở do chính phủ xây. Đó là điều kỳ diệu ở một nơi khỉ ho cò gáy. Tuy nhiên, Devi vẫn chưa hài lòng: "Chúng tôi cần một trường trung học, một bệnh xá, cần nước uống sạch hơn và việc làm". Sau chặng đường gian khó, Devi giờ đây đã trở thành một tượng đài tại quê nhà. Bà được bầu vào hội đồng địa phương và người dân đang khuyến khích bà tranh cử vào hội đồng bang.

Thế giới cũng đã biết tới Devi, người phụ nữ 59 tuổi nghèo khó nhưng rất giàu ý chí. LHQ đã mời bà phát biểu tại kỳ họp quan trọng sắp tới và bà sẽ cất tiếng nói đòi quyền lợi cho phụ nữ toàn cầu. Trước chuyến đi, Devi rất lo: "Tôi không biết mình sẽ đến đó (trụ sở LHQ tại New York, Mỹ) bằng cách nào". Tất nhiên là bà sẽ đi bằng máy bay chứ không phải cuốc bộ như ở quê nhà! (BBC, DNA)

Châu Minh Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.