Giáo hoàng Francis: Tự do báo chí cũng có những giới hạn

16/01/2015 05:00 GMT+7

(TNO) Đức Giáo hoàng Francis ngày 15.1 lên án vụ các tay súng mượn danh đấng tiên tri Hồi giáo Mohammed để tiến hành vụ thảm sát tại tòa soạn báo Charlie Hebdo (Pháp), đồng thời cảnh báo tôn giáo không thể bị lăng mạ và tự do báo chí cũng có 'những giới hạn' của nó.

(TNO) Đức Giáo hoàng Francis ngày 15.1 lên án vụ các tay súng mượn danh đấng tiên tri Hồi giáo Mohammed để tiến hành vụ thảm sát tại tòa soạn báo Charlie Hebdo (Pháp) - tờ báo đăng tranh biếm họa nhạy cảm về Hồi giáo, đồng thời cảnh báo tôn giáo không thể bị lăng mạ và tự do báo chí cũng có "những giới hạn" của nó.

Giáo hoàng Francis - Ảnh: Reuters
Giáo hoàng Francis đưa ra bình luận trên với các phóng viên trước khi ông rời khỏi Sri Lanka để đến Philippines trong ngày 15.1, bắt đầu chuyến thăm 5 ngày tại quốc gia này, theo AFP.
“Mượn danh Chúa giết người là một điều vô lý”, Giáo hoàng Francis trả lời phóng viên khi được hỏi về vụ các tay súng Hồi giáo tiến hành cuộc thảm sát tại tòa soạn Charlie Hebdo hôm 7.1, khiến 12 người chết.
Vị Giáo hoàng 78 tuổi này cho hay “mỗi tôn giáo đều có đức tin riêng”, nhưng cũng có “những giới hạn”.
“Nếu một người bạn tốt nói xấu về mẹ của bạn, anh ta có thể bị đánh, và điều này là bình thường. Nhưng bạn không thể khiêu khích, bạn không thể lăng mạ, nhạo báng đức tin của người khác”, Giáo hoàng Francis cho biết.
Giáo hoàng Francis vẫy tay chào đám đông đứng hai bên đường khi đến Philippines vào ngày 15.1 - Ảnh: Reuters
“Tự do báo chí là điều phải và là một nhiệm vụ phải được thể hiện mà không gây xúc phạm. Tự do báo chí nên được làm ôn hòa bằng sự tôn trọng tín ngưỡng”, Giáo hoàng Francis nói.
Cũng trong ngày 15.1, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu tuyên bố: “Tự do báo chí không có nghĩa là lăng mạ” và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không cho phép lăng mạ đấng tiên tri Hồi giáo Mohammed, sau khi nhật báo Cumhuriyet và các trang mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ đăng tải những bức tranh biếm họa đấng tiên tri Hồi giáo Mohammed từ ấn bản mới của Charlie Hebdo, theo AFP.
Nước Pháp đã trải qua 3 ngày bạo lực đẫm máu khiến 17 người chết, bao gồm các nhà báo và cảnh sát, bắt đầu từ vụ các tay súng thảm sát tòa soạn báo Charlie Hebdo vào ngày 7.1 (nhằm trả đũa các tranh biếm họa Mohammed) và kết thúc với hai vụ khống chế con tin ngày 9.1, 3 nghi phạm Hồi giáo cực đoan đã bị tiêu diệt, theo Reuters.
Nhưng ấn bản “Những người sống sót” ngày 14.1 của Charlie Hebdo vẫn tiếp tục đăng tải trên trang nhất tranh biếm họa Đấng tiên tri Hồi giáo Mohammed chảy nước mắt đứng dưới dòng chữ “Tất cả được tha thứ” và cầm tấm biển với dòng chữ “Tôi là Charlie”.
Cộng đồng Hồi giáo ở một số nước trên thế giới đã bày tỏ sự giận dữ trước ấn bản mới của Charlie Hebdo, gọi những tranh biếm họa của tuần báo này là báng bổ đấng tiên tri Mohammed, theo AFP.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino (phải) tiếp đón Giáo hoàng Francis - Ảnh: Reuters
Hàng trăm ngàn người Philippines đã đổ xô ra đường đón tiếp Giáo hoàng Francis đến thăm Philippines vào ngày 15.1. Theo AFP, 80% trong số 100 triệu dân Philippines theo đạo Thiên chúa.
Giáo hoàng Francis dự kiến sẽ tham dự một buổi diễu hành ngoài trời vào ngày 18.1 tại một công viên ở thủ đô Manila, Philippines. Các nhà tổ chức chuẩn bị cho sự kiện này ước tính sẽ có đến 6 triệu người tham gia, dự báo thời tiết có mưa và quan ngại về vấn đề an ninh.
Vào ngày 17.1, Giáo hoàng Francis dự kiến sẽ đến thăm Tacloban, một trong số những thành phố ở miền trung Philippines bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi siêu bão Hải Yến.
Gần 40.000 binh sĩ và cảnh sát được điều động để đảm bảo an ninh và bảo vệ Giáo hoàng Francis. Quân đội và chính quyền Philippines quan ngại nguy cơ xảy ra những vụ giẫm đạp do đám đông người chào đón Giáo hoàng Francis quá lớn, cũng như mối đe dọa tấn công từ những tay súng hoặc những phần tử “sói đơn độc” Hồi giáo, theo AFP.
Trong bài phát biểu trên truyền hình tuần này, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cũng bày tỏ quan ngại về mối đe dọa an ninh cho Giáo hoàng Francis và kêu gọi toàn dân bảo vệ ông.
Mặc cho những mối quan ngại về an ninh, Giáo hoàng Aquino khẳng định ông sẽ không ngồi trong những chiếc xe chống đạn ở những sự kiện diễu hành để ông có thể được gần gũi với các tín đồ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.