Giáo hoàng Francis, người mở toang cửa Vatican

22/12/2014 07:02 GMT+7

Giản dị, gần gũi nhưng quyết đoán khi phải thực hiện những cải cách mang tính bước ngoặt, Giáo hoàng Francis đã mang lại làn gió mới cho Vatican.

Giản dị, gần gũi nhưng quyết đoán khi phải thực hiện những cải cách mang tính bước ngoặt, Giáo hoàng Francis đã mang lại làn gió mới cho Vatican.
Cậu bé Didier thoải mái ngồi chơi trên ghế giáo hoàngCậu bé Didier thoải mái ngồi chơi trên ghế giáo hoàng - Ảnh: New York Daily News
Báo mạng The Huffington Post dẫn thăm dò mới nhất của Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) tại 43 quốc gia cho thấy tỷ lệ ủng hộ Giáo hoàng Francis lên đến 60%. Đáng chú ý là nhiều nước trong số đối tượng thăm dò thuộc khu vực người Công giáo chỉ chiếm thiểu số như Trung Đông, Đông Á.
Riêng tại châu Âu, số người mến mộ Giáo hoàng Francis chiếm tỷ lệ 84%. Những con số vừa kể không có gì đáng ngạc nhiên vì ngay từ ngày đầu tiên trở thành người đứng đầu Giáo hội Công giáo La Mã vào tháng 3.2013, Giáo hoàng Francis đã gây được nhiều thiện cảm.
Những động thái cải cách mạnh mẽ về chính trị, tư tưởng, kinh tế kết hợp cùng phong thái cá nhân vô cùng giản dị của ông mang lại bầu không khí cởi mở và gần gũi cho Vatican trong mùa Giáng sinh 2014 sau nhiều năm bị đánh giá là khô cứng và nhiều bê bối.
Thiên đàng là của trẻ em
Giáo hoàng Francis luôn tỏ ra đặc biệt ưu ái với trẻ em. Ông trả lời giản dị khi được hỏi về việc thỉnh thoảng có vài em bé làm ồn trong nhà thờ lúc theo ba mẹ dự lễ: “Bản hợp xướng thánh ca tuyệt vời nhất chính là tiếng ồn của trẻ con. Các cháu khóc vì thấy không khỏe hay vì đói là điều bình thường. Các bà mẹ đừng ngại ngần cho con bú trong thánh lễ. Ở đây, các cháu là quan trọng nhất”.
Giáo hoàng rửa chân cho tù nhân... Giáo hoàng rửa chân cho tù nhân... - Ảnh: Le Figaro
Hồi cuối tháng 10.2013, hình ảnh cậu bé người Ý gốc Colombia Didier, 7 tuổi, ngồi chễm chệ trên ghế của giáo hoàng ngay giữa buổi lễ ở Quảng trường thánh Peter tại Vatican đã được truyền thông khắp thế giới đăng tải. Trước lễ, cậu bé cùng một nhóm thiếu nhi được mời lên cung thánh để giao lưu với Giáo hoàng Francis.
Không như những bạn khác, Didier không chịu về chỗ mà nhất quyết ở lại với giáo hoàng. Cậu bé săm soi thánh giá, ôm chân ông, nghịch micro và leo tót lên ghế của ông để ngồi. Giáo hoàng Francis chỉ vui vẻ xoa đầu Didier và tiếp tục bài giảng mà không hề tỏ ra khó chịu. 
Rửa chân cho tù nhân và selfie
Trong một thánh lễ vào năm 2013 được cử hành ở một trại giam dành cho trẻ vị thành niên ở ngoại ô thủ đô Rome, Ý, Giáo hoàng Francis đã thực hiện nghi thức rửa chân cho 12 trại viên, trong đó có cả một số người theo Hồi giáo, Chính thống giáo, theo tờ La Croix. Ông nhận định: “Chúa Jesus đã đến để phục vụ và giúp đỡ chúng ta. Hãy thử xét lại: chúng ta đã sẵn sàng phục vụ kẻ khác chưa?”.
... và chụp ảnh selfie cùng thanh niên... và chụp ảnh selfie cùng thanh niên - Ảnh: AFP
Giáo hoàng Francis cũng nhiều lần chứng tỏ không ngại kết nối với giới trẻ hiện đại bằng chính thói quen không thể thiếu của họ: selfie, hay còn được gọi là “chụp ảnh tự sướng” bằng điện thoại di động.
Sau lần cùng selfie với một nhóm hướng đạo sinh đi hành hương ở Vatican vào tháng 8.2013, phương thức “ghi nhận từng khoảnh khắc” hiện đại và trẻ trung này đã trở nên rất quen thuộc với ông. Trong chuyến công du Hàn Quốc hồi tháng 8 vừa qua, Giáo hoàng Francis đã rất vui vẻ ghé mặt cùng chụp ảnh với các bạn trẻ địa phương.
Kết nối Cuba - Mỹ
Trong tuyên bố lịch sử vào ngày 17.12 về tiến tới bình thường hóa quan hệ song phương sau nửa thế kỷ đối địch, cả Chủ tịch Cuba Raul Castro lẫn Tổng thống Mỹ Barack Obama đều ngỏ lời cảm ơn Giáo hoàng Francis về vai trò là cầu nối giữa 2 nước.
Theo Đài phát thanh France Info, từ nhiều thập niên qua, Vatican vẫn giữ mối giao hảo với Havana. Cả 2 vị tiền nhiệm của Giáo hoàng Francis đều từng công du tại Cuba và khi Giáo hoàng John-Paul II qua đời vào tháng 4.2005, lãnh tụ Fidel Castro, khi đó còn giữ vị trí Chủ tịch Cuba, đã tuyên bố quốc tang 3 ngày.
Vì vậy, ngay từ tháng 3.2012, một nhóm nghị sĩ Mỹ đã liên hệ với Sứ thần tòa thánh để đề nghị Vatican làm trung gian cho Washington và Havana thương thuyết việc trao đổi tù nhân. Giáo hoàng Francis, vốn là người Mỹ La tinh, lại càng ủng hộ việc này.
Mỹ và Cuba chính thức bí mật đàm phán về kế hoạch bình thường hóa quan hệ vào tháng 6.2013 tại Canada với tác động trung gian rất lớn của Vatican. Hồi tháng 3, theo France Info, nội dung trao đổi chính của cuộc gặp giữa ông Obama với Giáo hoàng Francis trong chuyến công du tại Vatican là Cuba. Khoảng 3 tháng sau, giáo hoàng gửi thư riêng cho 2 vị nguyên thủ Cuba và Mỹ để tiếp tục tác động. Kết quả là cuộc gặp mang tính quyết định giữa đại diện 2 nước ở Vatican vào tháng 10.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.