Giải pháp thay thế tàu sân bay của Mỹ

25/03/2013 03:05 GMT+7

Tình hình cắt giảm ngân sách và sự xuất hiện của các “sát thủ tàu sân bay” khiến tương lai hàng không mẫu hạm Mỹ đang bị đặt dấu hỏi.

Mỗi lần Lầu Năm Góc bị đẩy vào thế thắt lưng buộc bụng, những chiếc tàu sân bay khổng lồ, chạy năng lượng hạt nhân lại bị săm soi. Nguyên nhân là tàu sân bay bị đánh giá là đang trở nên lỗi thời, trong khi chi phí luôn cao ngất ngưởng cũng như nguy cơ từ các loại vũ khí chống tàu mới như tên lửa DF-21D, được truyền thông Trung Quốc xưng tụng là “sát thủ tàu sân bay”. Trang tin Wired dẫn phân tích của chuyên gia Jerry Hendrix thuộc Viện Hải quân Mỹ, mỗi chiếc thuộc lớp Nimitz hiện nay làm tốn 14 tỉ USD đóng mới và chi phí cho mỗi ngày hoạt động là 7 triệu USD. Hải quân Mỹ đang duy trì 10 chiếc Nimitz. Do đó, ông Hendrix kêu gọi giới chức tìm giải pháp thay thế cho tàu sân bay trong tương lai.

 Giải pháp thay thế tàu sân bay của Mỹ
Chiếc USS America đang được đóng tại Mississippi - Ảnh: US Navy

Wired dẫn lời chuyên gia Hendrix đề cập “những dòng tàu đổ bộ” là lựa chọn khả dĩ thay thế những tàu sân bay hiện nay. Chiếc USS America, đang gần hoàn tất trong một xưởng tàu ở Mississippi, có kích thước bằng phân nửa các tàu lớp Nimitz và chi phí chưa đến 1/3. Dù về mặt kỹ thuật, đây là phương tiện vận chuyển cho lính thủy đánh bộ và trực thăng, chiếc America cũng có thể chở theo máy bay phản lực lên thẳng Harrier và máy bay chiến đấu tối tân có khả năng cất cánh thẳng đứng cũng như máy bay không người lái tấn công tầm xa đang được phát triển.

Trên lý thuyết, Hải quân Mỹ đủ sức sắm sửa và vận hành hàng chục tàu lớp America với chi phí nhỏ hơn nhiều so với tàu sân bay. Các hạm đội tàu nhỏ hơn cũng giúp giảm thiểu nguy cơ đến từ các tên lửa như DF-21D. Tuy nhiên, tàu lớp America có nhược điểm là tốc độ và tầm hoạt động bị giới hạn so với tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân cũng như không chở được chiến đấu cơ F/A-18 Hornet do không có ống phóng cất cánh.

Thực tế là các tàu chiến mới của Mỹ, từ tàu tác chiến cận bờ (LCS) đến các tàu hậu cần hiện đại đều được bổ sung boong phóng máy bay khá lớn. Vì thế, theo xu hướng mới trong tương lai, có thể nói mọi con tàu này đều là tàu sân bay. Theo báo cáo của Vụ Khảo cứu quốc hội Mỹ, các LCS của Mỹ đủ sức chở đến 2 trực thăng tác chiến đa năng Sikorsky SH-60 Seahawk.

Các chuyên gia quân sự Mỹ cũng trấn an rằng từ bỏ tàu sân bay không có nghĩa là nước này từ bỏ khả năng tấn công tầm xa khi Lầu Năm Góc đang ra sức phát triển Chương trình tấn công toàn cầu tức thời (PGS). Theo chương trình này, Mỹ phát triển các loại tên lửa hành trình cho phép bắn đến bất cứ điểm nào trên thế giới trong vòng 60 phút. Bên cạnh đó, Lầu Năm Góc còn đẩy mạnh tốc độ triển khai không quân để có thể tham chiến bất cứ địa điểm nào trên thế giới trong vòng 48 giờ. Sau đó, thêm 48 giờ nữa thì lực lượng hỗn hợp gồm tàu chiến và lục quân sẽ phối hợp triển khai tấn công toàn diện. Tóm lại với PGS, Mỹ tận dụng tốc độ và tính linh hoạt nên không còn cần nhiều chiến hạm cỡ lớn như trước.

Từ những phân tích nói trên cộng với chiến lược quân sự mới của Mỹ chú trọng tính linh hoạt, cơ động trong bối cảnh cắt giảm ngân sách quốc phòng, Wired dẫn lời chuyên gia Hendrix kết luận rằng nếu “xếp xó” tàu sân bay, hải quân sẽ đủ tiềm lực để đẩy mạnh hơn nữa các dòng tàu mới cũng như những phương thức chiến đấu phù hợp cho tương lai.

Thụy Miên

>> Tàu sân bay Trung Quốc cập cảng quân sự
>> Trung Quốc phát triển tàu sân bay hạt nhân
>> Trung Quốc muốn chế tạo tàu sân bay hạt nhân
>> Mỹ cắt giảm tàu sân bay ở vùng Vịnh
>> Nga khắc phục xong vụ "linh kiện dỏm” trên tàu sân bay Ấn Độ
>> Tàu sân bay Mỹ “áp sát” Syria

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.