G7 phản đối bồi đắp phi pháp trên Biển Đông

09/06/2015 07:27 GMT+7

Các lãnh đạo G7 phản đối mạnh mẽ đối với các hoạt động bồi đắp phi pháp quy mô lớn với ý đồ thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.

Các lãnh đạo G7 phản đối mạnh mẽ đối với các hoạt động bồi đắp phi pháp quy mô lớn với ý đồ thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.

G7 phản đối bồi đắp  phi pháp trên Biển ĐôngLãnh đạo của các nước G7 và các đối tác dự phiên làm việc ngày 8.6 tại Đức - Ảnh: AFP
Đó là một phần trong tuyên bố chung được đưa ra ngày 8.6 sau khi lãnh đạo các nước G7 (gồm Anh, Canada, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Ý) kết thúc hội nghị thượng đỉnh 2 ngày tại Đức, theo Kyodo News.
Trước đó, tại phiên làm việc tối 7.6 (giờ địa phương), Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nêu ra những hành động gây căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông, đồng thời kêu gọi G7 đừng phớt lờ những hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng trên biển.
Cũng tại hội nghị, các lãnh đạo G7 khẳng định Bắc Kinh cần làm rõ cơ sở cho tuyên bố chủ quyền của mình dựa trên luật pháp quốc tế, không đe dọa hay dùng vũ lực và cưỡng ép, Kyodo News dẫn lời Phó chánh văn phòng nội các Nhật Hiroshige Seko cho hay.
Nga phản ứng các tuyên bố của G7
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm qua 8.6 tuyên bố những phát biểu của các lãnh đạo G7 về việc trừng phạt Nga liên quan đến vấn đề Ukraine “chẳng có gì mới” và “cho thấy có bất đồng” giữa các thành viên nhóm này, theo Reuters.
Sau đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố G7 lên án Nga sáp nhập vùng Crimea và nhất trí tăng cường trừng phạt Moscow nếu cần thiết. Ngoài ra, G7 cũng nhất trí sẽ cùng làm việc và chia sẻ thông tin với Trung Quốc lẫn Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do nước này khởi xướng, theo Đài NHK.
Ngoài việc tận dụng các diễn đàn quốc tế để cảnh báo tình trạng Trung Quốc muốn phá vỡ hiện trạng trên các vùng biển khu vực, Nhật còn tăng cường hợp tác với các nước để duy trì hòa bình và ổn định.
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore cuối tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani tuyên bố: “Điều quan trọng là cải thiện khả năng giám sát và do thám cho các quốc gia ASEAN”. “Đây là chỉ dấu cho thấy Nhật sẽ gia tăng hỗ trợ cho các tổ chức an ninh biển và quân sự của các nước trong khu vực”, tờ Yomiuri Shimbun nhận định trong một bài xã luận mới và cho rằng điều này là cần thiết để duy trì an ninh ở Biển Đông.
Dự kiến vào các ngày 23 - 24.6, Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật sẽ tập trận chung với hải quân Philippines ở Biển Đông. Đài NHK dẫn một số nguồn tin cho hay phía Nhật gửi máy bay giám sát biển chống tàu ngầm P-3C, còn Philippines triển khai tàu và máy bay tham gia diễn tập.
Cũng liên quan đến Biển Đông, phát ngôn viên Tổng thống Philippines Herminio Coloma Jr. lên tiếng bác bỏ lời “chào mời” của Trung Quốc là “chia sẻ” các cơ sở mà nước này đang xây dựng phi pháp ở Trường Sa, theo tờ The Manila Times. Đề nghị này cùng tuyên bố Bắc Kinh vẫn để ngỏ đàm phán song phương với Manila về vấn đề Biển Đông do Đại sứ Trung Quốc tại Philippines đưa ra ngày 5.6. Ngoài ra, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, Charles Jose cảnh báo: “Đề nghị của Trung Quốc nhằm đánh lạc hướng làn sóng chỉ trích của cộng đồng quốc tế về hoạt động bồi đắp. Lời nói và hành động của Trung Quốc không đi đôi với nhau”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.