‘Em bé napalm’ lên tiếng về bức ảnh cậu bé Syria chết thảm

07/09/2015 16:15 GMT+7

(TNO) Bà Phan Thị Kim Phúc, nhân vật chính trong bức ảnh nổi tiếng “bé gái napalm”, ngày 6.9 đã trải lòng về tấm ảnh chụp thi thể bé trai Syria nằm úp mặt trên bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ đang gây chấn động thế giới.

(TNO) Bà Phan Thị Kim Phúc, nhân vật chính trong bức ảnh nổi tiếng Em bé napalm, ngày 6.9 đã trải lòng về tấm ảnh chụp xác cậu bé di cư người Syria nằm úp mặt trên bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ đang gây chấn động thế giới.

Bà Phan Thị Kim Phúc, "Em bé napalm" năm xưa - Ảnh: CNN

“Tôi đã khóc rất nhiều. Vì sao ngày càng có nhiều trẻ em vô tội phải chết như vậy? Tôi biết bức ảnh sẽ thức tỉnh toàn thế giới. Chúng ta phải giúp đỡ họ”, bà Phúc phát biểu trong một cuộc phỏng vấn của hãng tin CBC (Canada) nhân chuyến thăm thành phố Winipeg, miền trung Canada.

Bức ảnh thương tâm chụp thi thể của Aylan Kurdi, cậu bé Syria 3 tuổi, nằm úp mặt trên bãi biển vùng Bodrum, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, đã gây rúng động toàn thế giới và khiến tình trạng khủng hoảng người tị nạn tiếp tục gây chú ý đối với dư luận quốc tế.

Xác của anh trai và mẹ của Aylan Kurdi sau đó cũng được phát hiện, người cha là thành viên duy nhất trong gia đình sống sót, theo CBC. Gia đình cậu bé nằm trong số những người tị nạn Syria có mặt trên 2 chiếc tàu băng qua Địa Trung Hải để sang đảo Kos (Hy Lạp).

Một cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bế thi thể của Aylan Kurdi, cậu bé Syria 3 tuổi - Ảnh: Reuters

Bà Phúc đã có mặt tại nhà thờ trung tâm Winipeg vào hôm 6.9 để nói về trải nghiệm đau thương mà bà trải qua trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, cũng như để cùng góp tiếng nói kêu gọi lãnh đạo thế giới giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn Syria.

Bà cũng nói thêm rằng bức ảnh về cậu bé Syria đã cho thấy ảnh hưởng của chiến tranh đối với trẻ em và đối với tương lai mà chúng bị cướp đi. “Chúng hoàn toàn vô tội và chúng lẽ ra phải có được một cuộc sống tốt đẹp…  và có một tuổi thơ, chứ không phải chịu đựng và chết như thế”, bà Phúc cho hay.

Bà Phúc còn nói rằng bà hy vọng Canada và các quốc gia khác trên thế giới sẽ tiếp tục mở rộng cửa biên giới để cưu mang người nhập cư từ Syria.

Bức ảnh “Em bé napalm” của phóng viên ảnh Nick Út

Ngày 8.6.1972, phóng viên Nick Út đã kịp ghi lại bức ảnh Em bé napalm làm nhức nhối lịch sử chiến tranh. Bức ảnh nhanh chóng lan ra toàn thế giới ngay sau khi vừa được đăng tải, sau đó tạo nên làn sóng phản đối trên toàn thế giới về cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra ở Việt Nam. Bức ảnh đưa ông đến giải thưởng Pulitzer năm 1973 và nhiều giải thưởng danh giá khác. Nạn nhân của bom napalm trong ảnh là cô bé Phan Thị Kim Phúc ngày ấy giờ trở thành một nhân chứng sống, đanh thép nhất về cuộc chiến tranh tàn khốc ở Việt Nam do Mỹ gây ra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.