Điểm nóng buôn người ở Thái Lan

07/05/2015 09:20 GMT+7

Hàng chục thi thể của người nhập cư lậu liên tục được tìm thấy như “giọt nước tràn ly” trong cuộc chiến của Thái Lan với nạn buôn người.

Hàng chục thi thể của người nhập cư lậu liên tục được tìm thấy như “giọt nước tràn ly” trong cuộc chiến của Thái Lan với nạn buôn người.

Kiểm soát xuất nhập cảnh Thái - Malaysia tại cửa khẩu Sadao, tỉnh Songkhla - Ảnh: T.Tiên
Kiểm soát xuất nhập cảnh Thái - Malaysia tại cửa khẩu Sadao, tỉnh Songkhla - Ảnh: T.Tiên
Ngày 6.5, cảnh sát Thái Lan tiếp tục phát hiện thêm 6 thi thể tại phường Ban Taloh Moo 8 thuộc tỉnh Songkhla, miền nam nước này. Thông tin mới nhất tiếp tục gây xôn xao dư luận, vốn chưa hết bàng hoàng sau vụ tìm ra một mộ tập thể lớn cũng tại Songkhla.
Nằm sâu trong một khu rừng thuộc quận Sadao, dưới mộ chôn 26 thi thể, được cho là người nhập cư lậu từ Myanmar và Bangladesh. Cũng trong khu rừng, nhà chức trách Thái Lan tìm thấy dấu hiệu của một khu lán trại lớn của bọn buôn người dùng để giam giữ các nạn nhân. Bằng chứng tại hiện trường cho thấy những người này có thể bị chết do bị bỏ đói, bệnh tật, điều kiện sống khắc nghiệt và thậm chí bị sát hại.
“Đó chính xác là một trại tù, nơi những người nhập cư lậu bị nhốt trong những cái chuồng bằng tre”, chỉ huy cảnh sát địa phương Somyot Pumpunmuang cho biết.
Kuramia, một người nhập cư lậu từng trải qua những ngày tháng kinh hoàng trong tay bọn buôn người, kể anh và cháu mình trả tiền để được đưa lậu vào Thái Lan với lời hứa sẽ được chuyển đến Malaysia cùng một công việc tốt. Thế nhưng, giấc mơ đổi đời mau chóng hóa thành ác mộng khủng khiếp khi cả hai bị nhốt cùng 700 - 800 người nhập cư lậu khác để đòi thêm tiền.
Gia đình ai không thể trả nổi tiền chuộc, người đó sẽ bị bắn hoặc bị đánh chết. “Mẹ của tôi đã phải bán hết đất đai để trả tiền. Nhờ vậy mà tôi vẫn còn được sống”, anh kể với tờ The Nation. Người cháu xấu số của anh thì chết trong tay những kẻ buôn người hung bạo, Kuramia đau đớn cho biết và nói thêm: Trong khoảng thời gian sống trong trại, tôi biết có 17 - 20 người bị giết”.
Theo anh, ở những trại người dọc biên giới Thái Lan - Malaysia có hàng ngàn người Rohingya (người Hồi giáo thiểu số ở Myanmar) nhập cư lậu đang chờ đợi những công việc hứa hão từ những bọn buôn người, và hơn 500 người đã thiệt mạng.
Trong chuyến thực địa tại tỉnh Songkhla mới đây, phóng viên Thanh Niên được đại tá Pramote Prom-in, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh an ninh nội địa vùng 4 Thái Lan, cho biết tình hình an ninh tại các tỉnh miền nam vẫn bất ổn với đủ loại tội phạm và “nạn buôn người, nhập cảnh bất hợp pháp là một trong những loại tội phạm làm đau đầu chúng tôi nhất”.
Nhiều quan chức dính líu
Ngay sau vụ phát hiện 26 thi thể, đích thân Thủ tướng Prayut Chan-o-cha khẳng định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, cần xử lý quyết liệt vì ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của Thái Lan. “Phải diệt trừ tận gốc bọn buôn bán người. Không để Thái Lan trở thành điểm trung chuyển của chúng nữa”, đại diện chính phủ Thái tuyên bố.
Trước mắt, tướng Somyot Pumpunmuang - người trực tiếp chỉ huy cuộc điều tra - cho biết đã thuyên chuyển nhiều sĩ quan cảnh sát cấp cao tại một số tỉnh miền nam vì thiếu trách nhiệm hoặc bị nghi dính dáng đến tội phạm. “Những trại giam giữ và xác chết được tìm thấy tại quận Sadao rõ ràng đã hoạt động ít nhất 3 - 4 năm, và có liên quan đến mạng lưới buôn người xuyên quốc gia gồm Thái, Myanmar, và Malaysia”, ông nói. Ngày 6.5, giới chức Thái khẳng định sẽ hợp tác xử lý vấn đề này với Malaysia và Myanmar.
Theo truyền thông Thái Lan, đến nay, cảnh sát đã bắt 5 người gồm chính trị gia, nghị viên và quan chức ở xã Padang Besar, quận Sadao vì tình nghi liên quan đến buôn người. Ngoài ra, một người Myanmar tên Soe Naing Anwar, 40 tuổi, cũng bị bắt vì cáo buộc bắt cóc tống tiền một người Rohingya. Anwar được xem là tay buôn người khét tiếng ở miền nam Thái Lan. “Còn 3 - 4 kẻ tình nghi nữa sẽ đối diện lệnh truy nã. Trong số đó có một sĩ quan và một chính trị gia bị tình nghi là đầu sỏ trong mạng lưới buôn bán người Rohingya”, tướng Somyot cho biết.
Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp đánh bắt thủy hải sản của Thái Lan cần đến 2 triệu lao động nhưng việc nặng, nguy hiểm nên phần lớn người Thái không muốn làm. Vì thế, đây là một trong những ngành hút lượng lao động nhập cư bất hợp pháp từ Myanmar, Campuchia nhiều nhất.
Mặt khác, miền nam Thái Lan bị xem là một trong những “trạm trung chuyển” lớn nhất thế giới của bọn buôn người với hàng chục ngàn người Rohingya và người Bangladesh tìm đường đến đất nước Hồi giáo Malaysia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.