Cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin qua đời

24/04/2007 00:56 GMT+7

Vào lúc 21 giờ hôm qua 23.4, các phương tiện truyền thông trên thế giới đều đăng tải tin tức về cái chết của vị Tổng thống đầu tiên của nước Nga - Boris Nicolayevich Yeltsin. Ông là nhân vật đầy phức tạp.

Kỹ sư trở thành chính trị gia

Các Hãng thông tấn Nga RIA NovostiInterfax dẫn nguồn thông tin từ Văn phòng báo chí Phủ Tổng thống Nga (Kremlin) cho biết ông B.Yeltsin bị trụy tim và mất tại Bệnh viện T.Ư Moscow lúc 15 giờ 45 (tức 18 giờ 45 giờ VN), hưởng thọ 76 tuổi.

Sinh ngày 1.2.1931 tại thôn Butka thuộc vùng Sverdlov trong một gia đình nông dân, sau khi học xong phổ thông B.Yeltsin nhập học Đại học Bách khoa Ural và đến năm 1955 thì tốt nghiệp. Sau đó, trong một khoảng thời gian dài B.Yeltsin làm kỹ sư xây dựng, giám đốc công trường, kỹ sư trưởng... và đến năm 1961 thì gia nhập Đảng Cộng sản Liên Xô. Năm 1963, ông là Giám đốc Liên hiệp xây dựng nhà ở Sverdlov. Con đường hoạn lộ của vị tổng thống tương lai của Nga từ đây bắt đầu thăng tiến nhanh chóng. Năm 1968, ông được bầu là Bí thư và đến năm 1976 là Bí thư thứ nhất BCH Đảng bộ vùng Sverdlov cho đến năm 1985.

Ông Yeltsin trong một phút thư giãn trên sân khấu

Năm 1985 khi Mikhail Gorbachev được bầu làm Tổng bí thư BCH Đảng Cộng sản Liên Xô thì B.Yeltsin được bầu là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư BCH Trung ương Đảng và vào tháng 12 năm đó ông được bầu làm Bí thư thứ nhất Thành ủy Moscow. Ông được coi là nhà lãnh đạo tài ba, cương quyết khi vừa nhận nhiệm vụ tại Moscow ngay lập tức đã sa thải hàng loạt quan chức Đảng thoái hóa tại đây.

Lúc đó người Nga yêu mến ông, vì ông là lãnh đạo cao cấp dùng phương tiện giao thông công cộng, luôn kiểm tra các cửa hiệu, kho hàng và nới rộng quyền tự do ngôn luận của báo chí tại Moscow. Đến năm 1987, B.Yeltsin bắt đầu phát biểu phê phán các lãnh đạo Đảng, đặc biệt trong dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng 10 (1987). Tại Hội nghị lần thứ 19 BCH Trung ương Đảng Liên Xô ngay sau đó, M.Gorbachev đã khẩu chiến kịch liệt với B.Yeltsin, buộc ông phải xin lỗi BCH Trung ương Đảng.

Sau sự kiện trên, B.Yeltsin "tự nguyện" rút lui khỏi chức Bí thư Thành ủy Moscow và vào bệnh viện nằm. Nhưng đến tháng 11.1987, ông được cử làm Phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban Xây dựng Liên Xô. Bắt đầu từ quãng thời gian này, giữa M.Gorbachev và B.Yeltsin đã có những mối "thâm thù" khó lòng hòa giải. Trong khi M.Gorbachev đang say sưa với chính sách cải tổ (perestroika) thì B.Yeltsin "lặng lẽ" củng cố vị thế của mình.

Ngày 26.3.1989, B.Yeltsin được bầu làm Đại biểu Xô viết tối cao với hơn 90% số phiếu bầu của cử tri Moscow và đến tháng 6.1989, ông là Ủy viên Đoàn chủ tịch Xô viết tối cao Nga. Đến ngày 29.5.1990 B.Yeltsin được bầu là Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô viết tối cao Nga và sau đó đúng 1 tháng - 6.1990, ông ra khỏi Đảng Cộng sản Liên Xô.

Ông Yeltsin năm 1989 - Ảnh: Reuters

Bắt đầu từ thời điểm này, B.Yeltsin công khai phê phán M.Gorbachev và Chính phủ Liên Xô, kêu gọi xóa bỏ chế độ phân phối theo kiểu bao cấp. Trong quãng thời gian này, về hành vi cá nhân, B.Yeltsin đã có những tai tiếng mà cả thế giới biết đến: Mùa hè năm 1989, trong chuyến thăm Mỹ, ông đã uống rượu say khi có bài phát biểu tại nước này, đến tháng 9.1989 bị ngã từ một chiếc cầu ở Moscow trong tình trạng không được tỉnh táo.

Tiến lên đỉnh cao

Khi Liên Xô bắt đầu suy yếu, vào tháng 6.1991 B.Yeltsin được bầu Tổng thống CHLB Nga (thuộc Liên Xô). Ông tiến hành đàm phán với M.Gorbachev để tiến tới ký một hiệp định Liên bang Xô viết mới. Sẽ không có gì thay đổi lớn nếu như không xảy ra vụ đảo chính lật đổ M.Gorbachev vào ngày 19.8.1991. Trong tình thế ngàn cân treo trên sợi tóc, B.Yeltsin đã đứng trên một chiếc xe tăng trước tòa nhà Quốc hội Liên Xô để hiệu triệu người dân ủng hộ M.Gorbachev.

* Cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev: “Tôi xin chân thành chia buồn sâu sắc đến Nayina (phu nhân của ông Yeltsin - TN). Cuộc sống xui khiến số phận của chúng tôi gặp nhau và chúng tôi buộc phải hành động trong thời khắc khi mà đất nước có những thay đổi quan trọng. Đã có nhiều điểm bất đồng giữa chúng tôi được thể hiện qua tiến trình chính trị. Nhưng vào giờ phút này, tôi xin bày tỏ lời chia buồn sâu sắc đến gia đình Boris Yeltsin”.

* Chủ tịch Duma Quốc gia Boris Gryzlov: “Tôi xin chia buồn về cái chết của vị Tổng thống đầu tiên của Nga Boris Yeltsin và đánh giá cao đóng góp của ông vào việc sáng lập ra nhà nước Nga hiện nay...”. 

* Cựu Tổng thống Georgia E.Shevardnadze: “Cái chết của B.Yeltsin là mất mát lớn với nước Nga. Ông đã làm rất nhiều để nước Nga lớn mạnh. Về cá nhân, tôi và B.Yeltsin có mối quan hệ từ lâu khi ông còn làm ở Sverdlov. Ông đã đến Georgia trước khi trở thành Tổng thống Nga và cả hai gia đình chúng tôi đã kết bạn với nhau. Tôi rất buồn khi ông đã qua đời”.

May mắn cho ông là trong một thoáng chần chừ của các lãnh đạo Xô viết lúc đó (không ra lệnh bắt B.Yeltsin) mà ông đã chuyển từ bại thành thắng khi được sự ủng hộ của người dân Moscow. Ngay lập tức sau đó, vào ngày 6.11.1991, B.Yelsin ký sắc lệnh cấm Đảng Cộng sản Liên Xô hoạt động. Làm động tác này, vị Tổng thống Nga hầu như đã tước bỏ quyền lực của M.Gorbachev.

Trở về Moscow trong vị thế người được giải cứu, M.Gorbachev không đạt được tiến bộ nào trong đàm phán tiến tới ký hiệp định thành lập Liên bang Xô viết mới. Hơn thế nữa, vào tháng 12.1991, thời hạn ký hiệp ước này, B.Yeltsin đã bay đến Minsk - thủ đô của Belarus - để cùng nước này và Ukraine ký hiệp định riêng rẽ thành lập Liên minh cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Động thái này buộc M.Gorbachev vào ngày 31.12.1991 phải chính thức từ chức tổng thống đầu tiên (và cũng là cuối cùng) của Liên Xô, chấm dứt sự tồn tại của một quốc gia hùng mạnh nhất nhì thế giới.

Trong thời gian làm Tổng thống Nga (hai nhiệm kỳ từ 1990 - 1999), B.Yeltsin đã tiến hành cải cách kinh tế, chuyển đổi từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường. Nhưng mọi nỗ lực của ông đều thất bại và ngày càng đẩy nước Nga vào con đường suy thoái. Người dân và báo chí Nga từng kể 7 tội có thể đem ông ra xử bắn như, tội làm tan vỡ Liên Xô; tội đã tiến hành chiến tranh tại CH Chechnya; tội đã đuổi nguyên Tổng bí thư Đảng Cộng sản Đức ra khỏi Nga; tội đã đem xe tăng bắn vào tòa nhà Quốc hội (10.1993); tội hay say rượu làm mất thể diện quốc gia... Thế nhưng, người Nga đánh giá rất cao hành động sau đó của ông là: Vào tháng 8.1999, ông lựa chọn Vladimir Putin làm thủ tướng và sau đó từ chức Tổng thống Nga và bổ nhiệm vị thủ tướng còn chưa ai biết đến tên tuổi này làm quyền Tổng thống Nga thay ông.

Cho đến nay người Nga vẫn chia làm hai phái khi luận tội và công của B.Yeltsin. Nhưng theo một số nhà sử học thì với vị tổng thống Nga đầu tiên, họ vẫn đưa ra quan điểm: không nên phán xét lịch sử, lịch sử là những gì đã có và không thay đổi được.

Hoàng Hoài Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.