Cựu Tổng thống Mubarak giàu nhất thế giới?

20/02/2011 09:36 GMT+7

(TNTS) Theo các chuyên gia về Trung Đông, gia đình tổng thống vừa bị lật đổ của Ai Cập Hosni Mubarak có tài sản trị giá 50-70 tỉ USD.

Ít ai có thể tưởng tượng ông Mubarak có thừa khả năng thanh toán khoản nợ quốc gia 32 tỉ USD bằng những tài sản mà gia đình ông tích tụ được sau 30 năm cầm quyền. 

Thiếu sót của tạp chí Forbes?

Vấn đề tài sản nhà Mubarak thực ra đã được đặt ra công khai không chỉ một lần. Ông Anwar Nour, ứng viên tổng thốngnăm 2005, từng đặt nghi vấn về nguồn gốc tài sản của tổng thống và nhất là của con trai ông - Gamal, người được “lập trình” sẽ kế vị ông Mubarak nếu như không xảy ra cuộc cách mạng vừa qua.

Báo Guardian dẫn phân tích của các chuyên gia về Trung Đông cho hay, phần lớn tài sản của gia đình ông Mubarak được cất giữ tại các ngân hàng của Anh và Thụy Sĩ hoặc được đầu tư vào bất động sản ở London, New York, Los Angeles và ở những khu vực đắt tiền dọc bờ biển Đỏ.

Sau 30 năm làm tổng thống và giữ các vị trí cấp cao trong quân đội, ông Mubarak được tiếp cận nhiều hợp đồng đầu tư mang lại cho gia đình ông hàng trăm triệu USD lợi nhuận. Hầu hết những lợi nhuận đó được thu ở nước ngoài và gửi trong các tài khoản ngân hàng bí mật hoặc đầu tư vào thị trường nhà ở cao cấp và khách sạn. Theo một bản tin hồi năm ngoái trên báo Al Khabar xuất bản tại Algeria, Tổng thống Mubarak có nhiều cơ ngơi ở Manhattan và những biệt thự tại khu phố sang trọng Rodeo Drive ở thành phố Beverly Hills, bang California, Mỹ, chưa kể khu nghỉ dưỡng ở thành phố biển Sham el-Sheikh.

Con trai ông Mubarak là Gamal và Alaa cũng là những tỉ phú. Trong cuộc cách mạng vừa qua, những người phản đối nhà Mubarak đã biểu tình trước ngôi nhà tráng lệ của Gamal ở số 28 Wilton Place tại Belgravia, trung tâm London, Anh.

Nếu tài sản của gia đình Mubarak thực sự lên tới 70 tỉ USD thì con số này vượt xa tài sản của tỉ phú giàu nhất thế giới người Mexico Carlos Slim Helu với 53,5 tỉ USD và nhà sáng lập Tập đoàn Microsoft Bill Gates (53 tỉ USD). Đáng chú ý là trong danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2010 của tạp chí Forbes, không hề có tên của bất cứ thành viên nào trong gia đình Mubarak. Tại Ai Cập, nếu có chăng là gia đình dòng họ Sawiri với tài sản ước tính khoảng 13 tỉ USD, theo website Allafrica.com.  


Người biểu tình tại Cairo - Ảnh: AFP

Tiền kiếm từ đâu?

Ông Christopher Davidson, giáo sư chính trị Trung Đông tại Đại học Durham (Anh), cho rằng vợ chồng Mubarak và 2 con trai giàu lên nhờ những quan hệ đối tác làm ăn với hàng loạt nhà đầu tư và công ty nước ngoài, bắt đầu từ khi ông Mubarak còn phục vụ trong quân đội.

Theo ông Davidson, hầu hết các nước Ả Rập đều yêu cầu người nước ngoài trao cho đối tác (là doanh nghiệp địa phương) 51% cổ phần khi thành lập liên doanh. Tại Ai Cập, con số này thường là 20% nhưng nó vẫn đủ để các chính trị gia và đồng minh thân cận của họ thu được lợi nhuận đáng kể. “Gần như mọi dự án đều cần người bảo trợ và ông Mubarak ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ bất cứ thỏa thuận nào”, ông Davidson cho biết. Tờ Al Khabar liệt kê một loạt công ty lớn ở phương Tây là đối tác của gia đình Mubarak, tạo ra khoảng 15 triệu USD lợi nhuận mỗi năm.

Aladdin Elaasar, tác giả cuốn sách có tựa đề Pharaoh cuối cùng: Mubarak và tương lai bất định của Ai Cập thời đại Obama cho biết: “Ông Mubarak có nhiều dinh thự ở Ai Cập, một số được thừa hưởng từ các đời tổng thống và nền quân chủ trước. Các khách sạn và bất động sản quanh khu nghỉ mát Sharm el-Sheikh cũng là nguồn thu lớn của gia đình nhà lãnh đạo 82 tuổi”.

Về nguồn gốc tài sản của 2 con trai tổng thống, Elaasar viết: “Gamal và Alaa là đối tác trong các công ty công nghiệp và thương mại lớn nhất Ai Cập nhưng thực chất không bỏ ra đồng vốn nào”. Cũng theo tác giả này, 2 “hoàng tử” có phần hùn trong chuỗi nhà hàng sang trọng Chilis, các đại lý xe hơi của Hyundai (Hàn Quốc) và Skoda (Czech), tập đoàn viễn thông Vodaphone (Anh), cùng nhiều cơ sở địa ốc và khách sạn cao cấp.

Sau khi ông Mubarak từ chức ngày 11.2, chính quyền Thụy Sĩ ra lệnh phong tỏa tài sản gia đình ông tại các ngân hàng nước này trong 3 năm. Thụy Sĩ tuyên bố động thái này nhằm tránh thất thoát tài sản quốc gia của Ai Cập. Ngoài ra một cuộc điều tra về tính hợp pháp của các tài khoản này cũng vừa được bắt đầu. “Chúng tôi muốn bảo đảm tiền đưa vào đất nước chúng tôi là hợp pháp và đã bị đánh thuế nhằm duy trì danh tiếng của ngành ngân hàng”, Bloomberg dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Eveline Widmer-Schlumpf tuyên bố. Tuy nhiên, phía Thụy Sĩ đến nay vẫn hoàn toàn kín tiếng về giá trị số tài sản này và cho đến khi có con số chính thực từ Cairo, gia sản của “Pharaoh cuối cùng của Ai Cập” vẫn là một ẩn số.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.