Cuộc chiến quyền lực mềm

04/01/2015 08:29 GMT+7

Nước Mỹ rất giỏi trong việc vận dụng kỹ năng thuyết phục mà không cần dùng đến những “cơ bắp” như sức mạnh quân sự và kinh tế.

Nước Mỹ rất giỏi trong việc vận dụng kỹ năng thuyết phục mà không cần dùng đến những “cơ bắp” như sức mạnh quân sự và kinh tế.

 Một hình ảnh sinh động về quyền lực mềm - Ảnh: Foto DozotrosMột hình ảnh sinh động về quyền lực mềm - Ảnh: Foto Dozotros
Thuật ngữ “quyền lực mềm” đã xuất hiện vào thập niên 1990, được cha đẻ là GS Joseph S.Nye (Đại học Harvard, Mỹ) dùng để bẻ gãy luận điểm cho rằng “Mỹ đang trên đà sụp đổ”.
Thay vào đó, Giáo sư Nye khẳng định Mỹ là “quốc gia mạnh nhất thế giới không chỉ ở lĩnh vực quân sự, kinh tế mà còn ở chiều thứ ba, mà tôi gọi là quyền lực mềm”. Trong cuốn sách Quyền lực mềm: Công cụ đạt đến thành công trên vũ đài chính trị thế giới xuất bản năm 2004, tác giả Joseph S.Nye đã làm rõ hơn định nghĩa này.

Giải mã quyền lực mềm

Theo Giáo sư Nye, ai nấy đều quá quen thuộc với cái gọi là “quyền lực rắn”, tức dùng sức mạnh quân sự và kinh tế để buộc đối phương thay đổi quan điểm. Quyền lực rắn có thể dựa trên sự khích lệ (hình tượng hóa bằng củ cà rốt), hoặc đe dọa (cây gậy). Tuy nhiên, Giáo sư Nye cho rằng đôi khi chẳng cần phải đe dọa hay dụ dỗ mới đạt được mục tiêu, và phương pháp này đôi khi có thể gọi là “mặt thứ hai của quyền lực”.

Giáo sư Nye diễn giải rằng quyền lực mềm nằm ở khả năng tác động hoặc gây ảnh hưởng đến sự lựa chọn của đối phương, mà không cần phải có hành động ép buộc. Theo ông, sức mạnh mềm của một nước nằm chủ yếu ở 3 nguồn chính: văn hóa (có khả năng thu hút các nền văn hóa khác), giá trị chính trường và chính sách ngoại giao.
Đặc biệt, văn hóa được đánh giá là vũ khí lợi hại nhất của Mỹ, do nước này thừa hưởng một nền văn hóa có tính đại chúng, cộng gộp từ nhiều nguồn gốc khác nhau. Giáo sư Nye dẫn lời biên tập viên nổi tiếng Josef Joffe của tạp chí Die Eit từng cho rằng quyền lực mềm của Mỹ thậm chí còn lớn hơn cả thực lực về kinh tế và quân sự của nước này.
Mỹ là “quốc gia mạnh nhất thế giới không chỉ ở lĩnh vực quân sự, kinh tế mà còn ở chiều thứ ba, mà tôi gọi là quyền lực mềm”, GS Joseph S.Nye (Đại học Harvard, Mỹ) - Ảnh: Reuters
Theo Joffe, văn hóa Mỹ tỏa ra sức hấp dẫn mãnh liệt chỉ được chứng kiến từ thời đế quốc La Mã. “Thế lực văn hóa của La Mã và Liên Xô bị giới hạn bên trong biên giới quân sự. Nhưng quyền lực mềm của Mỹ thống trị một đế quốc mà mặt trời không bao giờ lặn”, theo Joffe.

Theo tạp chí Forbes, bằng cách thu hút sự chú ý của người khác thông qua văn hóa, lý tưởng và chính sách, Mỹ có thể tác động một cách mềm dẻo mà lại hiệu quả trước đối tượng.
Ví dụ, do quá mê mẩn loạt phim truyền hình House trên Đài AXN của Mỹ, một số trẻ con ở Trung Quốc hoặc Philippines có thể ôm mộng được học tại một trường y danh tiếng của Mỹ. Trên thực tế, làn sóng sinh viên nước ngoài đổ xô đến các trường đại học Mỹ là minh chứng tốt nhất cho sự vận dụng nhuần nhuyễn quyền lực mềm.
Tờ The Wall Street Journal dẫn báo cáo thường niên của Viện Giáo dục quốc tế Mỹ, tính đến tháng 5.2013, có đến 819.644 sinh viên nước ngoài theo học tại Mỹ, tăng 7,2% so với năm trước đó, trong đó có đến 235.597 sinh viên Trung Quốc.
Ngoài việc tận hưởng khoảng 24 tỉ USD doanh thu từ nguồn này, nước Mỹ đồng thời cũng “cài đặt” những giá trị Mỹ vào hệ tư tưởng của các sinh viên nước ngoài, và những luồng tư tưởng này dễ dàng vươn tới tầng lớp tinh hoa của xã hội đó. Đó cũng là một ví dụ cho thấy mức độ ảnh hưởng của quyền lực mềm Mỹ thông qua con đường giáo dục.

Vũ khí không sát thương

Từ phim ảnh đến tàu vũ trụ, Mỹ không thiếu những vũ khí lợi hại cho phép nước này vận dụng nhuần nhuyễn quyền lực mềm trên phạm vi toàn cầu. Theo một số nhà phân tích, cáo phó cho kỷ nguyên Mỹ đã được viết sẵn, nhưng vẫn tồn tại những lý do vô cùng thuyết phục để tin rằng người Mỹ vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong thế kỷ 21.Trong đó, phần lớn công lao thuộc về quyền lực mềm.
Hiện nay, những chương trình viện trợ khẩn cấp hoặc cứu trợ nhân đạo cũng có thể được tính là quyền lực mềm. Ví dụ mới nhất là việc Mỹ triển khai hơn 3.000 lính đến Tây Phi giúp những quốc gia này chống dịch Ebola. Tuy nhiên, nếu đề cập đến sức mạnh mềm số hàng đầu của Mỹ, không thể nào không nhắc đến Hollywood và Thung lũng Silicon.

Không thể nào phủ nhận mức độ ảnh hưởng sâu rộng của phim ảnh Hollywood đối với phần còn lại của thế giới. Trong vài thập niên trở lại đây, mỗi thế hệ trong chúng ta đều lớn lên cùng với những tác phẩm phim ảnh xuất xứ từ Hollywood, từ những bộ phim của Disney, Pixar và sau đó là đủ loại phim bom tấn.
Mỹ không thiếu những vũ khí lợi hại cho phép nước này vận dụng nhuần nhuyễn quyền lực mềm trên phạm vi toàn cầu - Ảnh: Reuters
Những bộ phim nối tiếp nhau cùng gây dựng lên một hình ảnh nước Mỹ sáng chói, hạnh phúc. Và tất nhiên, Lầu Năm Góc từ lâu đã công nhận quyền năng của phim ảnh và thậm chí thành lập trụ sở liên lạc tại Hollywood, cung cấp những trang thiết bị quân sự mà phía dân sự không có để đóng phim, như tàu sân bay USS Ranger tham gia trong phim Top Gun, và nếu cần thì đơn vị này cũng có thể “mượn” luôn binh sĩ “hàng thật giá đúng”.
Đổi lại, phía quân đội muốn đọc trước kịch bản để đảm bảo rằng mọi thứ dựng nên đều chính xác, theo BBC dẫn lời sĩ quan phụ trách liên lạc của Lầu Năm Góc tại Hollywood là trung tá Steven Cole. Ông cho hay mục tiêu chính là hỗ trợ giáo dục người Mỹ về hoạt động của quân đội, nhưng dựa trên thống kê cho thấy doanh thu phòng vé trên toàn cầu của Mỹ đã đạt gần 36 tỉ USD trong năm 2013, rõ ràng không đơn giản hoạt động này chỉ dừng lại ở chuyện phổ cập kiến thức cho dân Mỹ.

Bên cạnh đó, một nguồn lực mới của quyền lực mềm Mỹ đã đến từ những phát kiến mới đây trong mảng công nghệ, với nhiều phát minh ra lò từ Thung lũng Silicon ở California. Các thiết bị của Apple được chào đón khắp nơi, cụ thể iPhone 6 Plus kể từ khi trình làng đã liên tục dẫn đầu danh sách smartphone bán chạy nhất suốt 3 tháng liền, và các đời MacBook luôn trở thành chuẩn “vàng” trong mảng laptop, thu hút sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất khác. Không những thế, những sản phẩm này còn góp phần định hình phong cách sống, phong cách tiêu dùng cho hàng trăm triệu người trên khắp thế giới.

Trong khi đó, Microsoft thu lợi nhuận khổng lồ từ mảng phần mềm máy tính, và hầu như ai cũng có tài khoản Gmail và dùng Google khi lên web. Hai thế lực chính trong mạng xã hội là Facebook và Twitter cũng là công ty Mỹ. Thậm chí, nhà quản lý Luis Villa của trang Wikipedia cho rằng quyền lực mềm của Mỹ đã tích hợp thành công vào internet. “Đôi khi khó tách biệt các giá trị internet với giá trị của Mỹ”, nhà phân tích này nhận xét.
“Rắn” hóa “mềm”
Các chương trình cứu trợ thiên tai cũng là một mặt trận có thể vận dụng quyền lực mềm. Trong trường hợp này, một biểu tượng của quyền lực “rắn” là tàu sân bay USS George Washington đã tham gia chiến dịch cứu trợ bão Haiyan ở Philippines vào năm ngoái.
Theo Đài CNN, mặc dù là bệ phóng khổng lồ của các chiến đấu cơ trên biển, có thể chở theo 75 máy bay chiến đấu, nhưng tàu sân bay lớp Nimitz này cũng đồng thời được trang bị trạm xá gồm 51 giường và phòng phẫu thuật, hết sức phù hợp cho các chiến dịch hỗ trợ nhân đạo. Sự tham gia của USS George Washington mang lại cơ hội vàng cho Lầu Năm Góc, đúng vào thời điểm Mỹ đang bị xem là mất dần ảnh hưởng tại châu Á - Thái Bình Dương vào tay Trung Quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.