Con đường đi đến siêu giàu của oligarchs Nga: Những bố già chính trị

16/06/2012 03:00 GMT+7

Trong những năm đầu thời hậu Liên Xô, các oligarch đình đám tại Nga đều có ảnh hưởng to lớn đến chính phủ nước này.

Không chỉ có mối quan hệ sâu sắc với giới lãnh đạo Nga, các oligarch của nước này còn từng đảm nhiệm nhiều chức vụ trọng yếu trong bộ máy nhà nước.

Kề vai sát cánh

Theo BBC, tỉ phú Mikhail Khodorkovsky đã xuất hiện tại tòa nhà quốc hội cùng Tổng thống Nga Boris Yeltsin, người đã qua đời vào tháng 4.2007, để đối đầu với cuộc đảo chính hụt hồi năm 1991. Kể từ đây, ông từng bước có được mối quan hệ vô cùng khắng khít với ông Yeltsin. Thời điểm trên, ông Khodorkovsky còn giữ chức cố vấn kinh tế cho chính phủ. Nhờ đó, Ngân hàng Menatep của tỉ phú này luôn dồi dào vốn để cung cấp cho các doanh nghiệp trong khi nền kinh tế đang rơi vào tình trạng thiếu vốn trầm trọng. Tất nhiên, chi phí để được Menatep cấp vốn không hề nhỏ nên tỉ phú Khodorkovsky thu về lợi nhuận khổng lồ.

Tỉ phú Mikhail Khodorkovsky (trái) từng thân cận với ông Boris Yeltsin - Ảnh: Eg.ru
Tỉ phú Mikhail Khodorkovsky (trái) từng thân cận với ông Boris Yeltsin - Ảnh: Eg.ru
 

Năm 1992, oligarch Khodorkovsky trở thành Chủ tịch Quỹ thúc đẩy đầu tư dầu mỏ và năng lượng. Tháng 3.1993, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Chất đốt và dầu mỏ Nga, theo BBC. Một tháng sau đó, Chính phủ Nga quyết định thành lập Công ty dầu khí Yukos bằng cách sáp nhập một số doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, chỉ hơn 2 năm sau thì Công ty Yukos đứng trước nguy cơ phá sản khi khoản nợ vượt quá 3,5 tỉ USD. Ngay lập tức, Tập đoàn Menatep của ông Khodorkovsky đứng ra thâu tóm Công ty dầu khí Yukos. Mặc dù công ty dầu khí này đang nợ nần chồng chất nhưng nó lại đang sở hữu quyền khai thác không ít nguồn nhiên liệu khổng lồ nên hứa hẹn tiềm năng vô cùng lớn. Vì thế, sau khi về với Menatep, Yukos liên tục lớn mạnh và ông Khodorkovsky ngày càng giàu có, tài sản tăng lên nhiều tỉ USD.

Thao túng

Chẳng hề thua kém tỉ phú Khodorkovsky, ông Boris Berezovsky trở thành Phó chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga vào năm 1996, theo The New York Times. Cùng khoảng thời gian này, ông Berezovsky sử dụng ảnh hưởng trong chính phủ để chuyển một vị tướng của không quân sang điều hành hãng hàng không Aeroflot. Vì vị tướng trên không hề có kinh nghiệm điều hành nên mọi hoạt động của hãng Aeroflot đều bị kiểm soát bởi các tay chân thân cận với ông Berezovsky. Vì thế, hầu hết những khoản lợi nhuận của Aeroflot đều chạy về Công ty Logovaz do Berezovsky sáng lập.

Ngoài ra, tỉ phú Berezovsky còn bị cáo buộc đã tác động đến chiến tranh giữa Nga với Chechnya để thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ. Thực tế, sự kiện Nga cùng Chechnya ký hòa ước và việc ông Berezovsky bị cách chức Phó chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga đều diễn ra trong năm 1997. Sau đó, tỉ phú Berezovsky công khai kế hoạch tái thiết nền kinh tế Chechnya, đặc biệt là đầu tư vào hệ thống đường ống dẫn dầu tại đây. Đến nay, nghi án về việc ông kiếm lợi từ xung đột Nga - Chechnya vẫn chưa được làm rõ. Bên cạnh đó, ông Berezovsky còn liên hệ khá mật thiết với nhiều người từng là sĩ quan cấp cao của Cơ quan tình báo Liên Xô (KGB). Một trong số đó là sĩ quan Andrei Lugovoi, người mà sau này trở thành thân tín của tỉ phú Berezovsky.

Tương tự, ông Vladimir Gusinsky, một trong các trùm truyền thông Nga, cũng từng có mối giao hảo rất tốt với ông Yury Luzhkov, người sau này trở thành Thị trưởng Moscow. Theo một nghiên cứu của TS Thayer Watkins thuộc Khoa Kinh tế ở ĐH San Jose (Mỹ), ông Gusinsky từng thuê nhiều cựu điệp viên của KGB để hình thành lực lượng bảo vệ lên đến 1.000 người nhằm đảm bảo các quyền lợi cho mình.

Lũng đoạn truyền thông

Vào năm 1993, oligarch Vladimir Gusinsky thành lập kênh truyền hình NTV bắt đầu phát sóng trên kênh 5 tại thành phố St.Petersburg và không ngừng lớn mạnh sau đó. Đến năm 1999, kênh truyền hình này có được 102 triệu người xem, phủ sóng trên 70% lãnh thổ Nga và các nước như Belarus, Ukraine, Azerbaijan, Kazakhstan. Trong khi đó, vào đầu thập niên 1990, tỉ phú Boris Berezovsky từng bước thâu tóm kênh truyền hình ORT, còn gọi là kênh 1, vốn là kênh đầu tiên phát sóng dưới thời Xô Viết.

Thời điểm cao trào, ông Berezovsky sở hữu đến 49% cổ phần tại kênh truyền hình này. Trong đợt bầu cử Tổng thống Nga vào năm 1996, 2 kênh truyền hình trên ra sức phát những chương trình ủng hộ chiến dịch tranh cử của Yeltsin. Khi đó, 2 oligarch đều muốn ông Yeltsin tiếp tục tại vị để đảm bảo quyền lợi cho họ. Rõ ràng, việc sử dụng các kênh truyền hình lớn ngày đêm ca ngợi ứng viên Yeltsin góp phần không nhỏ vào việc ông đắc cử năm đó.

Ngô Minh Trí

>> Con đường đi đến siêu giàu của oligarchs Nga
>> Chủ tịch Hạ viện Nga thảo luận triển vọng ký hòa ước với Nhật
>> “Nhóm thiểu số thao túng” của nền kinh tế Nga
>> Thú chơi của người giàu nhất nước Nga
>> Con tỉ phú Nga bớt giàu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.