Con đường đi đến siêu giàu của oligarchs Nga

15/06/2012 03:53 GMT+7

Tỉ phú Nga Boris Berezovsky nhận xét nước này trải qua 3 giai đoạn tư hữu hóa và hình thành nên một tầng lớp siêu giàu.

Cụm từ oligarch được dùng để đại diện cho nhóm thiểu số thao túng vốn là những tỉ phú đình đám tại Nga. Nhiều năm qua, cùng với Mikhail Khodorkovsky, Mikhail Prokhorov và Roman Abramovich, Boris Berezovsky được xem là một trong những oligarch nổi tiếng nhất. Đặc biệt ông còn là người có nhiều thăng trầm khi trải qua những ngày sóng gió đến mức đang phải tị nạn tại Anh. Vì thế, không hề quá lời khi xem vị tỉ phú này là người có nhiều chiêm nghiệm đối với quá trình hình thành tư nhân hóa ở nước Nga thời hậu Liên Xô.

Theo một nghiên cứu của TS Thayer Watkins thuộc khoa Kinh tế ở ĐH San Jose (Mỹ), tỉ phú Berezovsky hồi năm 1996 từng nói với nhà báo Paul Klebnikov rằng: “Quá trình tư hữu hóa tại Nga trải qua 3 giai đoạn. Đầu tiên là tư nhân hóa lợi nhuận. Tiếp đến là tư nhân hóa tài sản. Cuối cùng là tư nhân hóa các khoản nợ”.

Con đường đi đến siêu giàu của oligarchs Nga 
Boris Berezovsky (giữa) là một trong những oligarch đình đám nhất - Ảnh: Zimbio

Thâu tóm tập đoàn và nguy cơ có thể điều khiển nhà nước

Theo cuốn Godfather of the Kremlin: Boris Berezovsky and the looting of Russia (tạm dịch là: Bố già của điện Kremlin: Boris Berezovsky và sự thâu tóm của cải tại Nga) của nhà báo Klebnikov, tỉ phú Berezovsky là một điển hình cho thuyết “tam đoạn luận” tư hữu hóa nói trên. Hồi cuối thập niên 1980, ông Berezovsky đã chạy chọt để có được gói thầu trang bị hệ thống điều khiển máy tính tự động cho Công ty xe hơi Avtovaz, vốn thuộc sở hữu của nhà nước.

Sau vụ áp phe trên, ông kiếm được một khoản không nhỏ. Tiếp đến, ông được ưu tiên mở một đại lý bán xe của Avtovaz để kiếm thêm những khoản lợi nhuận kếch xù khác. Bằng cách tận dụng một số chính sách ưu đãi, đại lý của Berezovsky được mua những chiếc Lada do Avtovaz sản xuất với giá chỉ 3.500 USD (tính theo tỷ giá lúc bấy giờ), dù giá thành thực tế là 4.700 USD.

Sau đó, xe Lada được đại lý của Berezovsky bán lẻ với giá 7.000 USD. Như vậy, toàn bộ lợi nhuận của hãng xe nhà nước đã được “tư hữu hóa” giúp cho những người như ông Berezovsky nhanh chóng kiếm được nhiều triệu USD. Khi tạo dựng được gia tài, ông không quên tìm cách sở hữu cổ phần tại các công ty đang được tư nhân hóa từng bước. Từ đó, doanh nhân Berezovsky dần chiếm được không ít tài sản vốn thuộc quyền sở hữu của nhà nước.

Tất nhiên, khi lợi nhuận bị lọt vào tay giới tư nhân thiểu số thì các doanh nghiệp nhà nước dần rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất cũng là điều dễ hiểu. Chỉ cần có thế, nhóm thiểu số thao túng của nền kinh tế Nga nhanh chóng tiến hành bước tư hữu hóa thứ ba. Thông qua chương trình Loans for shares (vay nợ bằng cổ phần) được tiến hành vào năm 1995 - 1996, giới tài phiệt Nga bỏ tiền nhận cầm cố cổ phần trong khối doanh nghiệp nhà nước. Nhờ đó, các doanh nghiệp nhà nước có thể trang trải các khoản nợ.

Như thế, những oligarch đã trở thành chủ nợ của doanh nghiệp nhà nước và từng bước thâu tóm các đơn vị này. Tuy nhiên, giới tài phiệt Nga chủ yếu nhắm đến việc thâu tóm các tập đoàn chuyên về dầu khí, khoáng sản và luyện kim chứ không phải những công ty thông thường. Vốn dĩ, đây là các ngành đóng vai trò chủ chốt, chứa nhiều đặc quyền đặc lợi trong việc khai thác tài nguyên quốc gia. Vì thế, về lâu dài, những oligarch còn có thể khiến nhà nước phải lệ thuộc vào mình để tha hồ thao túng, tận thu nguồn lợi.

Ảnh hưởng to lớn

Cuối năm 2005, Tập đoàn năng lượng Gazprom thuộc chính phủ Nga thông báo kế hoạch mua lại cổ phần của tỉ phú Roman Abramovich trong Tập đoàn dầu khí Sibneft. Theo đài RFERL, đây là một trong những bước đi của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm thu hồi các tập đoàn dầu khí, khoáng sản, luyện kim trở lại thuộc quyền sở hữu chính phủ. Tuy nhiên, đến lúc ấy thì các oligarch đã “ăn sâu bám rễ” trong các tập đoàn này và có được ảnh hưởng to lớn đối với nền kinh tế Nga.

Theo báo cáo The Role of Oligarchs in Russian Capitalism (tạm dịch là: Vai trò của nhóm thiểu số thao túng đối với chủ nghĩa tư bản Nga), tính đến năm 2004 thì các oligarch chiếm vị thế dẫn đầu đối với nền kinh tế Nga. Cụ thể, các tập đoàn nằm trong tay nhóm thiểu số thao túng sử dụng đến 42% lao động và chiếm 39% giá trị sản lượng kinh tế hằng năm. Đồng thời, các khu vực kinh tế tư nhân còn lại sử dụng 22% lao động và chiếm 13% giá trị sản lượng hằng năm. Trong khi đó, khu vực kinh tế nhà nước sử dụng 21% lao động và chiếm 32% giá trị…

Ngô Minh Trí

>> Chân dung 10 tỷ phú giàu nhất nước Nga hiện nay
>> Truyện Nguyễn Nhật Ánh thành giáo trình tại Nga
>> Ông Putin mạnh tay dẹp “xe còi hụ”
>> Tổng thống Nga Vladimir Putin bổ nhiệm tân nội các
>> Bí ẩn gia đình ông Putin 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.