CIA và gia đình họ Ngô - Bài 6: Phe đảo chính “lỡ hẹn”

01/11/2009 22:56 GMT+7

Đến đầu năm 1963, kế hoạch đảo chính đã được xúc tiến, nhưng các tướng lĩnh Sài Gòn vẫn chưa sẵn sàng lắm cho cuộc lật đổ chính quyền của ông Diệm. Mời nghe đọc bài

Khoảng đầu năm 1963, nhân viên CIA hầu như hiện diện ở khắp nơi, trong khi chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm từ sau vụ binh biến 11.11.1960 đã tỏ ra mất tin tưởng vào Washington, thậm chí ông Nhu còn tỏ vẻ chống đối ra mặt. Các phe nhóm chống chế độ ngày càng nhiều, cùng với việc chính quyền đàn áp Phật giáo. Các tin đồn về đảo chính lại râm ran và CIA không bỏ lỡ cơ hội tiếp cận với tướng tá quân đội.

Từ sau vụ 11.11, đại tá Trần Thiện Khiêm được tín nhiệm và thăng cấp thiếu tướng. Nhưng đến năm 1963, khi phong trào chống đối ông Diệm lên cao, ông Khiêm lại là một trong những vị tướng tham gia. Nhân ngày Quốc khánh 4.7.1963, Tòa đại sứ Mỹ tổ chức chiêu đãi và mời các sĩ quan chỉ huy Sài Gòn. Ông Diệm cho phép các tướng tá tham dự. Đây là cơ hội để trung tá CIA Lucien Conein trổ tài làm cầu nối liên lạc giữa Chi nhánh CIA Sài Gòn với các tướng lĩnh.

Washington bỏ phương án chọn ông Nhu

Trước tình hình căng thẳng với việc Phật giáo đấu tranh nhiều nơi, các tướng lĩnh đề nghị ông Diệm ban hành thiết quân luật. Nhưng ngay tức khắc, mọi nỗ lực thương thuyết với Phật giáo sụp đổ khi các chùa chiền lớn ở Sài Gòn và những thành phố lớn khác bị tấn công đêm 21.8. Hàng trăm nhà sư bị bắt và nhiều người bị thương. Tác giả của vụ bố ráp chùa chiền vẫn không rõ là ai, mà sau đó, 2 nhân viên CIA thuộc Chi nhánh Sài Gòn chứng kiến cảnh bố ráp ở chùa Xá Lợi thì nói là cảnh sát tiến hành, nhưng lại mặc trang phục của Thanh niên Cộng hòa.

Đài VOA loan tin ngay là quân đội đã bố ráp chùa chiền, điều mà tướng Trần Văn Đôn (lúc đó là Tổng tham mưu trưởng) kịch liệt phản đối với phía Mỹ. Sau này, CIA mới biết là ông Nhu đã sử dụng lực lượng đặc biệt của đại tá Tung và quân của tướng Tôn Thất Đính trong các vụ bố ráp nói trên.

Vào thời điểm đó, Henri Cabot Lodge chuẩn bị qua thay Frederick Nolting làm đại sứ tại Sài Gòn. Trước tình hình có nhiều tin tức đảo chính lật đổ ông Diệm, Washington muốn các quan chức của họ ở Sài Gòn tìm người có khả năng thay thế ông Diệm. Cả Nolting lẫn Trưởng nhánh CIA John Richardson đều đồng ý với nhau là không có nhân vật dân sự nào có thể thay ông Diệm. Cố vấn Ngô Đình Nhu cũng có tham vọng thay thế bào huynh, nhưng dưới mắt CIA, ông bị nhiều trở lực, nhất là hình ảnh bị công chúng chống đối dữ dội của bà Nhu. Và tuy ông Nhu là nhân vật quyền lực số 2 ở miền Nam Việt Nam lúc đó, nhưng CIA nhận xét rằng, ông không thể "trị" được các tướng tá một khi không có ông Diệm. Do đó, Washington bác bỏ phương án chọn ông Nhu, và CIA Sài Gòn đã đề nghị Phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ là người kế nhiệm.

Chưa sẵn sàng

Ông Cabot Lodge vừa chân ướt chân ráo đến Sài Gòn thì nhận ngay một công điện tối mật do Roger Hilsman gửi tới qua kênh của CIA. Đó là chỉ thị ngày 24.8 đã được Tổng thống J.F.Kennedy chuẩn thuận. Nội dung là gửi đi một thông điệp tối hậu cho ông Diệm là phải loại bỏ ông Nhu. Tân đại sứ cũng được lệnh thông báo cho các tướng lĩnh chủ chốt của Sài Gòn về yêu sách này của Mỹ, và họ cũng được cho biết là trong trường hợp ông Diệm không đồng tình, Washington sẽ không ủng hộ ông ta nữa.

Ông Colby lúc đó là Giám đốc Viễn Đông vụ tại Tổng hành dinh CIA đã gửi công điện cho Trưởng nhánh CIA Sài Gòn, chỉ đạo Richardson tìm cách thuyết phục ông Diệm chuyển giao quyền hành cho quân đội, rồi cùng ông Nhu lên Đà Lạt "nghỉ hưu". Ông Lodge nghĩ rằng, nếu đưa yêu sách trực tiếp cho ông Diệm thì chỉ giúp ông ta tìm kế trì hoãn, trong khi ông Nhu sẽ phản ứng vì có lực lượng trong tay. Thế nên, đại sứ Lodge muốn Chi nhánh CIA liên hệ với các tướng lĩnh để họ gây áp lực với ông Diệm. Chỉ thị mới của Washington được họ đúc kết thành 9 điểm để thi hành, trong đó có 2 điểm then chốt là cách chức ông Nhu, và tuyên bố Mỹ không dính líu đến đảo chính.

Ngày 26.8.1963, Conein và Al Spera được giao nhiệm vụ đi gặp để truyền đạt đến 2 tướng Khánh và Khiêm. Spera đi Pleiku gặp tướng Nguyễn Khánh, lúc đó là Tư lệnh Vùng 2 đầy quyền lực. Tướng Khánh nói rằng nếu ông Diệm đồng ý loại bỏ ông Nhu, thì sẽ không cần làm đảo chính nữa. Ông cũng chống lại việc lực lượng đảo chính tiếp cận với tướng Tôn Thất Đính, người mà ông cho là "khó lường". Tướng Khánh cũng lưu ý là cuộc đảo chính có thể thất bại, và yêu cầu phía Mỹ phải bảo đảm việc tị nạn cho các tướng lĩnh chỉ huy đảo chính cùng gia đình họ.

Chiều 29.8, đại sứ Lodge gửi một điện văn về Washington quyết định thúc đẩy một cuộc đảo chính quân sự lật đổ Ngô Đình Diệm, và đòi hỏi mọi nỗ lực để các tướng lĩnh nhanh chóng tiến hành, không còn trì hoãn nữa. Chiều hôm sau, cố vấn Ngô Đình Nhu triệu tập các tướng lĩnh tại Bộ tổng tham mưu gần phi trường Tân Sơn Nhất. Tại cuộc gặp này, ông Nhu điểm lại về sự đối đầu với Mỹ, cũng như phớt lờ sự ủng hộ lâu nay của Richardson. Ông Nhu nhấn mạnh CIA đã làm nhiều việc khiến cho dân chúng xa lánh chính quyền, cáo buộc các viên chức Mỹ đã cung cấp cho báo chí những tin tức bất lợi cho chính quyền Sài Gòn.

Sáng 31.8, khi tướng Paul Harkins có cuộc hẹn với tướng Trần Thiện Khiêm, thì tướng Khiêm lại nói rằng các tướng lĩnh chưa tập trung đủ lực lượng trong nội thành và quanh Sài Gòn, đồng thời trả lời đơn giản rằng, họ chưa sẵn sàng hành động. Ngoài ra, các tướng tá thất vọng trước việc không hạ bệ được ông Nhu, nay có người còn nghĩ đến việc có thể tham gia vào một ghế bộ trưởng trong chính phủ do ông Nhu làm Thủ tướng.

Trong hoàn cảnh như vậy, tướng Harkins quyết định không xác nhận sự hậu thuẫn của Mỹ cho một cuộc đảo chính nữa. Kế hoạch đó chỉ được "tái xét" mấy tuần sau. Ngày 2.9.1963, Times of Vietnam, tờ báo tiếng Anh xuất bản ở Sài Gòn của ông Nhu, chạy tít: "CIA CUNG CẤP TIỀN BẠC CHO MỘT CUỘC ĐẢO CHÁNH". (Còn tiếp)

Lê Đình Bì

* Tổng hợp từ hồ sơ CIA and The House of Ngo (CIA và Triều đại nhà Ngô) của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.