Chuyện riêng với hệ lụy chung

09/03/2014 03:25 GMT+7

Việc Ai Cập cấm tổ chức Hamas của Palestine hoạt động trong lãnh thổ nước này được lập luận với mục đích bảo vệ an ninh và ổn định chính trị. Nếu chỉ thế thì đó là chuyện riêng của Ai Cập. Nhưng thực chất, việc này tác động tới cả cục diện chung ở khu vực lẫn thế giới Hồi giáo.

Quyết định trên không gây bất ngờ bởi chỉ là chuyện sớm hay muộn từ khi tổ chức Huynh đệ Hồi giáo thất thế ở Ai Cập. Hamas xuất xứ từ tổ chức này mà khi tổ chức ấy bị cấm và truy sát thì số phận của Hamas ở Ai Cập cũng đã được định đoạt. Động thái của Ai Cập hòa nhịp vào chủ ý của một số vương triều ở vùng Vịnh tăng cường đầu tư chính trị, kinh tế và tài chính vào đồng minh, đối tác để ngăn chặn sự trỗi dậy mạnh mẽ của các lực lượng Hồi giáo sau làn sóng chính biến. Hamas là một trong những đối tượng bị họ đưa vào tầm ngắm. Tổ chức Hội đồng hợp tác vùng Vịnh lần đầu tiên sau hơn 30 năm tồn tại bị phân rẽ nội bộ sâu sắc cũng chính vì chuyện này.

Ai Cập đã đẩy Hamas vào tình thế ngày càng thêm khó khăn và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình đàm phán giữa Israel và Palestine. Giữa Hamas và Israel tồn tại dai dẳng mối thù không đội trời chung và Hamas vẫn còn cản trở chính quyền tự trị Palestine hòa đàm với Israel. Động tác của Ai Cập giúp Israel hài lòng đến mức nào thì cũng sẽ kích động Hamas bất hòa hơn như thế với cả Israel lẫn chính quyền tự trị Palestine. Chuyện riêng của Ai Cập nhưng lại gây hệ lụy phức tạp cho cả khu vực.

Thảo Nguyên

>> Ai Cập tuyên bố Anh em Hồi giáo là khủng bố
>> Ai Cập bắt cựu thủ tướng Hisham Kandil

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.