Chuyện lạ ở Triều Tiên: Đàn ông đến sở, phụ nữ kiếm tiền

26/05/2015 18:18 GMT+7

(TNO) Ngày ngày, quý ông ở CHDCND Triều Tiên bận rộn xách cặp táp đến các cơ quan nhà nước, được trả lương từ 2.000-6.000 won/tháng, khoản tiền gần đủ để mua... 1 kg gạo (giá chừng 8.500 won). Gánh nặng gia đình đổ lên đôi vai các bà các cô.

(TNO) Ngày ngày, quý ông ở CHDCND Triều Tiên bận rộn xách cặp táp đến các cơ quan nhà nước, được trả lương từ 2.000-6.000 won/tháng, khoản tiền gần đủ để mua... 1kg gạo (giá chừng 8.500 won).

Trong khi đàn ông Triều Tiên bận rộn trong quân đội hoặc cơ quan nhà nước, phụ nữ phải kiếm tiền nuôi sống gia đình - Ảnh: AFP
Phụ nữ đổ ra chợ "chui"
Cũng giống như ở nhiều nước châu Á khác, Triều Tiên theo truyền thống là một xã hội nam quyền, đàn ông sở hữu tiếng nói quyết định. Nhìn ở lực lượng công nhân viên chức, đàn ông Triều Tiên chiếm số lượng áp đảo. Nhìn trong bộ máy lãnh đạo cũng chỉ thấy vài gương mặt nữ rất lèo tèo, đều là có họ hàng với nhà lãnh đạo Kim Jong Un như người chị Kim Yo Jong hoặc bà cô Kim Kyong Hui.
Phụ nữ được trông chờ ở nhà làm công việc nội trợ, chờ chồng mang tiền về nhà. Nhưng mọi chuyện thay đổi dần khi kinh tế Triều Tiên bắt đầu dịch chuyển theo hướng kinh tế thị trường, dù là kinh tế thị trường "chui".
Thống kê của Viện Thống nhất quốc gia Triều Tiên, cơ quan trực thuộc chính quyền Hàn Quốc, cho thấy thu nhập của phụ nữ Triều Tiên chiếm hơn 70% trong các hộ gia đình ở đất nước này, chủ yếu là nhờ buôn bán ở các chợ "chui". Những khu chợ này không được chính thức công nhận nhưng thật ra đã nở rộ trong những năm gần đây.
Đàn ông mắc kẹt trong cơ quan, quân đội
Trong khi đó, hầu hết đàn ông trong độ tuổi lao động ở Triều Tiên bị "mắc kẹt" trong các cơ quan nhà nước, vốn được trả lương cực thấp. Một phần lớn khác thì phải phục vụ trong quân ngũ.
Gánh nặng kinh tế vì thế đè hết lên vai các bà.
Trong một cửa hàng bán đồ lưu niệm ở Bình Nhưỡng - Ảnh: Reuters
"Cha tôi phải làm một công việc không được trả xu nào, cũng chẳng có khoản trợ cấp nào. Ông ấy phải làm vì nghĩa vụ" - Jung, một sinh viên đã trốn khỏi Triều Tiên từ năm 2012 và đang học ở Seoul, nói với hãng tin Reuters. Cô không cung cấp tên đầy đủ vì sợ liên lụy đến gia đình vẫn còn ở Triều Tiên.
Dù còn là sinh viên nhưng Jung vẫn xoay sở đi làm và sống tiết kiệm để có thể gởi tiền về cho gia đình, bởi cô biết mẹ cô rất khó khăn để kiếm đủ cái ăn cho cả nhà chỉ bằng việc nuôi heo và bán rượu bắp.
Kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ, không còn viện trợ kinh tế và quân sự cho Triều Tiên, kinh tế nước này rơi vào tình trạng suy sụp kéo dài, đỉnh điểm là nạn đói vào thập niên 90 của thế kỷ trước khiến từ khoảng 800.000 đến 1,5 triệu người thiệt mạng. Tình trạng kinh tế kiệt quệ không cải thiện trong bối cảnh chính quyền tập trung nguồn lực cho quân sự, lại theo chủ trương cô lập hoàn toàn với thế giới về mọi mặt.
Khi chế độ tem phiếu bị hủy bỏ, người dân lao ra các khu chợ "chui" để kiếm sống.
Các sạp hàng bắt đầu mọc lên như nấm ở khoảng 400 khu chợ được dựng lên trên khắp đất nước. Những người đã trốn khỏi Triều Tiên cho biết vì không được công nhận chính thức, các tiểu thương cũng không trả thuế một cách chính thức mà là thuế "chui", tức các khoản tiền hối lộ định kỳ cho quan chức.
Số tiền kiếm được cũng chẳng nhiều nhặn gì. Một cuộc thăm dò nhỏ dựa trên 60 phụ nữ đã rời khỏi Triều Tiên cho biết thu nhập của họ nằm trong mức 50.000 đến 150.000 won Triều Tiên/tháng, nếu đem ra chợ đen thì đổi được từ 6-18 USD, theo trang web Daily NK của Hàn Quốc.
Nhưng dù sao thì đó cũng là số tiền lớn nếu đem so sánh với mức lương nhà nước mà cánh đàn ông trụ cột gia đình thường lãnh, vốn thường ở mức từ 2.000-6.000 won/tháng, chưa đủ để mua một kg gạo, có giá chừng 8.500 won, theo Daily NK.
Trai khôn tìm vợ ở... chợ
Theo các phụ nữ kể trên, lựa chọn để có một cuộc sống đỡ cơ cực hơn ở Triều Tiên không nhiều. Hãng tin Reuters dẫn lời một phụ nữ tên Kim Min Jung: "Nếu bạn muốn sống sung túc hơn ở đó, bạn hãy ra chợ mà buôn bán hoặc cưới một người đàn ông thu thuế hay nhận hối lộ ở chợ, hoặc bạn làm việc trong các doanh nghiệp của giới lãnh đạo".
Binh lính Triều Tiên trong một cuộc tập trận - Ảnh: AFP
Theo lời bà Kim thì phụ nữ Triều Tiên ngày nay thấy đàn ông cũng giống như "những bóng đèn bị tắt suốt ngày" xét ở phương diện kiếm tiền cho gia đình.
Và đó cũng là một trong những lý do then chốt khiến các bà ngày càng ly dị chồng nhiều hơn, theo như kết quả một cuộc thăm dò khác trên 103 phụ nữ Triều Tiên rời đất nước sang Hàn Quốc sinh sống.
"Điều kiện sống ở Triều Tiên lệ thuộc vào khả năng và kỹ năng buôn bán của phụ nữ chứ không lệ thuộc vào nhà nước. Phụ nữ đang thay thế vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường", Kim Eun Ju, lãnh đạo Trung tâm Phụ nữ Triều Tiên và chính trị ở Seoul (Hàn Quốc) nhận định.
Chính vì thế, chợ trở thành điểm đến tiềm năng nhất, hứa hẹn một tương lai bớt rủi ro nhất cho những anh chàng độc thân Triều Tiên đang muốn tìm vợ!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.