Chứng khoán thế giới tăng giảm đan xen

15/04/2011 08:38 GMT+7

(TNO) Kết thúc phiên giao dịch 14.4 (vào rạng sáng nay 15.4, giờ VN), thị trường chứng khoán thế giới ghi nhận sự tăng giảm đan xen của các chỉ số tại châu Á, châu u và Mỹ. Biên độ dao động của các sàn chứng khoán trong phiên này không lớn.

Tại Phố Wall (Mỹ), Hạ viện Mỹ thông qua dự luật ngân sách chi tiêu tránh việc chính phủ phải “tạm thời đóng cửa”, cùng với tâm lý lạc quan của giới đầu tư về lợi nhuận sắp công bố của các công ty là những yếu tố chính giúp thị trường tiếp tục tăng nhẹ.

Theo biểu quyết tại Hạ viện hôm 8.4, ngân sách chi tiêu cho chính phủ năm 2012 sẽ bị cắt giảm 38,5 tỉ USD. Con số cắt giảm này sẽ gây khó khăn cho các hoạt động nhưng dù sao cũng tránh được nguy cơ đổ vỡ.

Chỉ số thị trường S&P 500 tăng dưới 0,1%, chốt phiên 14.4 ở mức 1.314,52 điểm, trước đó, chỉ số này đã có lúc giảm tới 0,9%. Dow Jones Industrial tăng nhẹ 14,16 điểm, tương đương tăng 0,1%, lên thành 12.285,15 điểm.

Theo số liệu thống kê của Bloomberg, chỉ số S&P 500 tới nay đã tăng 99% so với mức đáy của thời kỳ khủng hoảng (phiên 9.3.2009), một tín hiệu đáng mừng về sự phục hồi của thị trường chứng khoán Mỹ nói riêng, kinh tế Mỹ nói chung. Một vài chuyên gia dự đoán, chỉ số này có thể tăng tới 1.525 điểm trong vòng 12 tháng tới đây.

Dự kiến lợi nhuận của các công ty có mã cổ phiếu niêm yết thuộc chỉ số S&P 500 sẽ tăng 12% trong quý 1/2011 và tăng tới 17% trong năm nay, theo ước tính của các chuyên gia tham gia khảo sát của Bloomberg.

Hồi đầu phiên giao dịch, Phố Wall đã giảm nhẹ khi Bộ Lao động Mỹ công bố số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp việc làm trong tuần trước (tính tới 9.4) đã tăng thêm 27.000 trường hợp, lên thành 412.000 hồ sơ. Trước đó các chuyên gia dự đoán con số sẽ dao động nhẹ ở mức 380.000 hồ sơ.

Tại châu u, dư âm của khủng hoảng nợ công tại Bồ Đào Nha và Hy Lạp lại bùng lên khiến thị trường chứng khoán quay đầu giảm điểm. Chỉ số STXE 600 chung cho toàn khu vực giảm 0,5%. Toàn bộ 18 thị trường cấp quốc gia tây u đều chuyển đỏ.

Cụ thể, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,78%, chốt phiên ở mức 5.963,8 điểm; CAC 40 của Pháp giảm 0,89%, xuống còn 3.970,39 điểm; DAX của Đức giảm 0,44%, xuống còn 7.146,56 điểm.

Chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha giảm 1,51%; PSI General của Bồ Đào Nha giảm 1,55%; Athex Composite của Hy Lạp giảm 2,83%.

Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng nhẹ 0,2% trong phiên 14.4 (kết thúc chiều cùng ngày, giờ VN), tuy nhiên vẫn có sắc đỏ le lói trên các sàn giao dịch thành viên.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng nhẹ 0,13%, chốt phiên ở mức 9.653,92 điểm; trong khi đó, HSI của Hồng Kông lại giảm 0,5%, xuống còn 254.014 điểm.

 
18 thị trường chứng khoán khu vực tây u đều giảm điểm trong phiên này - Ảnh: Bloomberg

Chỉ số Shanghai Composite và CSI 300 của Trung Quốc 0,25% và 0,55%; KOSPI của Hàn Quốc lại tăng 0,9%;

* Trên thị trường dầu thô, giá dầu WTI tại New York (Mỹ) tiếp tục tăng trong khi giá dầu Brent quay đầu giảm nhẹ.

Thông tin Ả Rập Xê Út sẽ cắt giảm 300.000 thùng trong sản lượng xuất khẩu dầu thô là nguyên nhân chính khiến giá dầu tại New York tăng nhẹ. Trong tháng 3 vừa qua, để bù lại phần thiếu hụt do bất ổn tại Libya, Ả Rập Xê Út đã nâng sản lượng xuất khẩu lên tới 9 triệu thùng/ngày, mức xuất khẩu cao nhất kể từ tháng 10.2008 tới nay. Hiện Ả Rập Xê Út là quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Giá dầu thô WTI giao kỳ hạn tháng 5 tại Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) chốt phiên 14.4 ở mức  108,11 USD/thùng, tăng 1 USD/thùng, tương đương tăng 0,9% so với phiên trước đó.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 5 tại London (Anh) lại quay đầu giảm nhẹ 52 cent, tương đương giảm 0,4%, xuống còn 122,36 USD/thùng. Các hợp đồng giao hàng tháng 6 tại thị trường này đã bắt đầu sôi động, chốt phiên 14.4 ở mức 122 USD/thùng.

Xung đột, bất ổn tại Libya trong thời gian qua đã liên tiếp đẩy giá dầu thô leo thang, đặc biệt là loại dầu tỉ trọng thấp, ít lưu huỳnh. Theo ghi nhận của Bloomberg, giá dầu Bonny Light của Nigeria, một loại dầu thô có tính chất tương tự dầu của Libya đã có lúc tăng lên tới 130,13 USD/thùng (phiên 8.4), cao nhất kể từ 22.7.2008.

Duy Trần
(Theo Bloomberg, Reuters)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.