Chứng khoán Âu, Mỹ quay đầu lao dốc

11/08/2011 08:39 GMT+7

(TNO) Kết thúc phiên giao dịch 10.8 (vào rạng sáng nay 11.8, giờ VN), thị trường chứng khoán thế giới lại chứng kiến sự lao dốc mạnh mẽ của các chỉ số chứng khoán thuộc khu vực châu u, Mỹ.

Đó là do những tác động xung quanh cuộc khủng hoảng nợ công châu u và những thông tin cho rằng kinh tế đang phục hồi chậm chạp.

Tại Phố Wall (Mỹ), chỉ số thị trường S&P 500 sau phiên tăng mạnh mẽ trong vòng 2 năm trở lại đây, đã quay đầu giảm mạnh 4,4%, xuống chốt phiên ở mức 1.120,76 điểm. Chỉ số Dow Jones Industrial để mất thêm 519,83 điểm nữa trong phiên 10.8 này, tương đương giảm 4,6%, xuống chỉ còn 10.719,9 điểm. Nasdaq Composite giảm 4,1%, xuống còn 2.381,05 điểm.

Toàn bộ 10 nhóm ngành chính đóng góp vào S&P 500 phiên này đều giảm tối thiểu 2%. Chỉ số KBW Bank với sự góp mặt của 24 cổ phiếu ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đã giảm mạnh 8,2% trong phiên này. Cổ phiếu của Bank of America giảm mạnh 11% trong phiên này, khiến tổng mức giảm của cổ phiếu này từ đầu năm tới nay lên tới con số 49%. Cổ phiếu Citigroup giảm 10%.

Thị trường chứng khoán Mỹ mất điểm trong phiên này là những quan ngại về nợ công châu u đang có xu hướng lan rộng sang nhiều nền kinh tế lớn trong khu vực. Những lo lắng này của giới đầu tư đã vượt qua cả những cam kết về công cụ kích thích kinh tế mới phù hợp mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tuyên bố sẽ áp dụng.

Pháp mặc dù vẫn đang duy trì được mức xếp hạng tín dụng khả quan nhưng nền kinh tế này cũng đã cho thấy những dấu hiệu của gia tăng nợ công. Từ đó, nghi vấn về khả năng Pháp - nền kinh tế lớn vẫn cùng Đức hỗ trợ cho các quốc gia khủng hoảng nợ trong khu vực trong năm qua - cũng có thể rơi vào nợ công là hoàn toàn có thể.

* Tại châu u, trước những lo lắng về khủng hoảng nợ công cùng với việc Fed cam kết giữ mức lãi suất thấp kỷ lục ít nhất tới giữa năm 2013, chỉ số STXE 600 chung cho toàn khu vực đã giảm mạnh 3,8%, mặc dù trước đó, chỉ số này đã phục hồi mạnh mẽ tới 2,2%.

Nhóm cổ phiếu của các ngân hàng châu u đóng góp vào STXE 600 giảm mạnh tới 6,7% trong phiên này. Cổ phiếu của BNP Paribas, nhà cho vay lớn nhất nước Pháp, đã giảm mạnh tới 9,5%, xuống còn 35,61 EUR/CP. Cổ phiếu của Credit Agricole (Pháp) giảm mạnh 12%, xuống còn 6,07 EUR/CP.

Cổ phiếu của Banco Santander (Tây Ban Nha) giảm 8,3%. Cổ phiếu của UniCredit (Ý) giảm 9,4%. Cổ phiếu của Intesa Sanpaolo (Ý) giảm 14%.

Một vài chuyên gia kinh tế châu u vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng vào việc Fed sẽ thực hiện trợ giúp phần nhiều cho nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ trong thời gian dài.

Tổng kết phiên 10.8, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 3,05%, xuống còn 5.007,16 điểm; CAC 40 của Pháp giảm mạnh 173,2 điểm, tương đương giảm 5,45% so với phiên trước, chốt phiên ở mức 3.002,99 điểm; DAX của Đức mất 303,66 điểm, giảm 5,13%, xuống còn 5.613,42 điểm.

Chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha giảm 5,49%; FTSE MIB của Ý giảm 6,65%; PSSI General của Bồ Đào Nha giảm 0,98%; ISEQ của Ireland giảm 2,29%.

* Tại châu Á, tác động muộn của việc Fed tuyên bố sẽ trợ giúp kinh tế Mỹ thông qua việc duy trì lãi suất thấp và một số công cụ thích hợp khác đã giúp chứng khoán châu Á có phiên khởi sắc. Chỉ số MSCI Asia Pacific tăng 2%.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng nhẹ 94,26 điểm, tương đương tăng 1,05%, lên thành 9.038,74 điểm. HSI của Hồng Kông giành 452,97 điểm cộng, tương đương tăng 2,34%, chốt phiên ở mức 19.783,7 điểm.

Chỉ số Shanghai Composite và CSI 300 của Trung Quốc lần lượt tăng 0,91% và 0,93%. KOSPI của Hàn Quốc tăng nhẹ 0,27%. S&P/ASX 200 của Úc tăng 2,64%. Straits Times của Singapore tiếp tục giảm 2,18% trong phiên 10.8.

Thu Hạnh
(Theo Bloomberg, Reuters)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.