Chiến dịch gián điệp tuyệt mật tại Alaska

07/09/2014 09:00 GMT+7

Tài liệu vừa được giải mật của không quân Mỹ và FBI tiết lộ chiến dịch biến công dân Alaska thành điệp viên trong trường hợp Liên Xô tấn công.


Các ngư dân bình thường ở Alaska vào thập niên 1950 cũng có thể là điệp viên ngầm - Ảnh: Thư viện ĐH Washington 

Luôn phập phồng lo sợ trước viễn cảnh Liên Xô đánh chiếm Alaska, chính phủ Mỹ vào thời kỳ đầu của Chiến tranh lạnh đã tuyển mộ và huấn luyện cả trăm công dân bình thường trở thành điệp viên. Mục tiêu là tạo dựng một mạng lưới tình báo ngầm phục vụ cho quân đội trong thời chiến, cụ thể là nếu Alaska rơi vào tay Liên Xô.

Chiến dịch Washtub

Alaska bị tấn công? Có vẻ như đây là viễn cảnh rất thực vào năm 1950, ít nhất là đối với các quan chức ở Washington và Lầu Năm Góc. “Quân đội cho rằng sẽ có một cuộc tấn công trên không bao gồm đánh bom và thả lính biệt kích nhằm vào Nome, Fairbanks, Anchorage và Seward”, AP dẫn bản ghi nhớ của Cục Điều tra liên bang (FBI) vừa được giải mật. Vì thế, Giám đốc đầu tiên của FBI là J.Edgar Hoover đã đề xuất một dự án tối mật mang tên Washtub, hợp tác tiến hành với Phòng Điều tra đặc biệt của không quân (OSI). Sau đó, FBI giao toàn quyền dẫn dắt kế hoạch cho OSI và Washtub trở thành một trong những chương trình quy mô lớn nhất của cơ quan này.

Theo hồ sơ của FBI và OSI, trọng tâm của kế hoạch là cắm gián điệp dân sự tại những khu vực chủ chốt ở Alaska, luôn trong trạng thái sẵn sàng hoạt động một khi lãnh thổ này rơi vào tay địch thủ. Những gián điệp dân sự được huấn luyện để lẩn trốn ngay khi có biến, tìm đến những điểm chôn các bộ dự phòng khẩn cấp, gồm thực phẩm, đồ chống lạnh, tài liệu mã hóa và thiết bị vô tuyến. Từ nơi ẩn nấp, họ thu thập thông tin về bất cứ hành động nào của quân địch và gửi thông điệp mã hóa cho các trạm liên lạc đã định trước. Ngoài ra, các điệp viên này còn có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng dân binh địa phương giải cứu khẩn cấp các phi công Mỹ ngay khi máy bay của họ bị bắn rơi, nhằm tránh nguy cơ bị Liên Xô bắt làm tù binh.

Theo AP, giới chức FBI và OSI, với sự hỗ trợ thêm của CIA, đã liên lạc với chính quyền Alaska để bắt đầu chương trình tuyển mộ quy mô lớn. Đối tượng của họ là những công dân bình thường nhất để tránh gây nghi ngờ như ngư dân, công nhân, người đưa thư, quản lý khách sạn… Sau khi được chọn bước đầu, những người này phải trải qua một đợt đánh giá lý lịch và tâm lý kỹ lưỡng nhằm loại bỏ các “cảm tình viên cộng sản”. Ít nhất đã có một người bị loại vì đăng ký dài hạn một tạp chí mang tên Soviet Russia Today (tạm dịch: Nước Nga Xô viết ngày nay). Đặc biệt, các hồ sơ vừa giải mật nhấn mạnh là không nên tuyển mộ thổ dân bản xứ. “Chúng ta nên tránh tuyển người Eskimo, da đỏ, và Aleut. Họ có thói quen nốc rượu quá độ và không để tâm mấy đến những giá trị về nhà nước, pháp quyền hay lý tưởng. Thực tế chứng minh rằng quan tâm chủ yếu của họ là tồn tại và sống sót nên dễ ngả theo phe chiếm đóng”, Fox News dẫn một biên bản viết.

Cuối cùng, còn khoảng 100 người được đưa đến thủ đô Washington DC để huấn luyện riêng biệt với danh tính được giữ kín và họ không được quyền biết lẫn nhau. Trong các hồ sơ mới công bố, đa số tên tuổi các điệp viên này đều được bôi đen hoặc xóa hẳn. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng tìm được thông tin về một người tên Dyton Abb Gilliland, sống tại Cooper Landing - một cộng đồng ở phía nam thành phố Anchorage. Là một phi công tự do, Gilliland thiệt mạng trong một vụ rơi máy bay vào tháng 5.1955, ở tuổi 45. Tư liệu của FBI ghi lại ông đã trải qua cuộc huấn luyện đặc biệt suốt một thời gian dài trong khuôn khổ chương trình Washtub để rèn luyện các kỹ năng sống sót và hoạt động trong môi trường thù địch. Tuy nhiên, các điệp viên không được huấn luyện nhiều về chiến đấu mà chủ yếu là lẩn trốn, thu thập, mã hóa và gửi thông tin. Ngoài ra, họ còn thường xuyên phải dự các lớp học chính trị để bồi dưỡng lòng yêu nước và được nhồi nhét về “hiểm họa cộng sản”, theo AP.

 Giám đốc FBI Edgar Hoover điều trần trước quốc hội Mỹ về “mối đe dọa cộng sản” đầu thập niên 1950 - Ảnh: New York Post

Hoang tưởng ?

Đối với người thời nay, Washtub có thể bị xem là sản phẩm của bệnh hoang tưởng xuất phát từ nỗi ám ảnh đối với chủ nghĩa xã hội của giới chức an ninh - quốc phòng Mỹ thời đó. Tuy nhiên, AP dẫn lời các sử gia nhận định sự bất an bao trùm Washington lúc đó không phải là không có cơ sở. Alaska vào thời điểm đầu thập niên 1950 vẫn còn rất hoang sơ, đất rộng người thưa, lại gần sát Liên Xô và rất dễ trở thành mục tiêu nếu Moscow quyết định lấy lại phần lãnh thổ cũ. Khi kế hoạch Washtub bắt đầu tượng hình năm 1950, chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên và nhiều quan chức Mỹ e rằng đây là đòn nghi binh của Liên Xô nhằm chuẩn bị cho một hành động lớn hơn. Một năm trước đó, Liên Xô khiến cả thế giới sững sờ khi lần đầu tiên thử thành công bom nguyên tử, phá vỡ thế độc quyền của Mỹ về vũ khí hạt nhân. Cùng năm 1949, CHND Trung Hoa và CHDC Đức ra đời. Tất cả các diễn biến trên càng khiến người Mỹ lo sợ trước đà tiến mạnh mẽ của chủ nghĩa xã hội khắp các châu lục.

Tất nhiên là chẳng có bóng dáng máy bay hay binh sĩ Liên Xô nào xuất hiện ở Alaska. Vì thế, các nhóm điệp viên sau khi được đưa trở về cứ thế lãnh 3.000 USD/năm (gần 30.000 USD theo giá trị hiện nay) để ngồi chơi xơi nước trong gần một thập niên và đến năm 1959 mới kết thúc. Các tài liệu không nói rõ Mỹ tốn tổng cộng bao nhiêu tiền cho toàn bộ chương trình. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng Washtub không hoàn toàn là một sự hoang phí. “Trong khi đã không xảy ra chiến tranh với Liên Xô tại Alaska, những điệp viên thuộc chương trình Washtub và các kho ẩn náu khẩn cấp đã đóng nhiều vai trò quan trọng trong thời bình tại địa phương trong suốt nhiều năm”, Fox News dẫn lời sử gia Deborah Kidwell nhận định.

Thông điệp bí ẩn

Vào tháng 10.1954, FBI bất ngờ nhận một bức thư chứa đầy mật mã được gõ bằng máy đánh chữ gửi từ Alaska. Bức thư này do một phụ nữ ở Anchorage chuyển cho FBI và cho biết người gửi nặc danh ghi địa chỉ không rõ nên thư bị gửi nhầm đến nhà bà. Nghi ngờ có gián điệp hai mang trong đội ngũ các điệp viên dân sự nên FBI nháo nhào tiến hành điều tra nội bộ trong khi Giám đốc Hoover liên tục đốc thúc các chuyên gia gấp rút giải mã bức thư, theo AP. Tuy nhiên, họ không thể bẻ được mật mã và cuối cùng FBI kết luận đây không phải thư mật của phe đối địch và trong thư cũng chẳng chứa thông tin gì. Theo đó, bức thư là “bài tập về nhà” của một điệp viên Washtub muốn luyện tập mã hóa và gửi thông tin nhưng ghi nhầm địa chỉ mà thôi.

Thương vụ Alaska

Vào ngày 30.3.1867, Mỹ đã đạt được thỏa thuận mua lại Alaska từ tay đế quốc Nga với giá 7,2 triệu USD (hơn 100 triệu USD theo giá trị hiện nay). Theo tài liệu được lưu lại trong Thư viện Quốc hội Mỹ, Hiệp ước chuyển nhượng 1867 được đàm phán và ký kết giữa Ngoại trưởng Mỹ William Seward và đại diện ngoại giao của đế quốc Nga Eduard de Stoeckl. Lúc đó, không ít người Mỹ phản đối thương vụ này và gọi đây là “trò điên rồ của Seward” hay “tủ ướp lạnh của Seward”. Tuy nhiên, chính quyền hai bên đều cho rằng mình được lợi lớn, với Mỹ tiếp tục mở rộng lãnh thổ một cách hòa bình còn Nga kiếm được món tiền lớn và không còn phải nơm nớp lo sợ vùng đất rất khó phòng thủ này bị các địch thủ, đặc biệt là đế quốc Anh đánh chiếm.

Thụy Miên

>> Không quân Mỹ sẽ phóng các vệ tinh do thám mới
>> Thế trận không quân Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương
>> Không quân Mỹ dùng căn cứ Ấn Độ do thám Trung Quốc
>> Thế trận bao vây Trung Quốc của không quân Mỹ
>> Không quân Mỹ bị “lão hóa”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.