Chay đua quân sự giành Bắc cực

04/10/2015 08:28 GMT+7

Vùng đất quanh năm lạnh giá ở cực bắc trái đất đang ngày càng “nóng” vì cuộc tranh chấp chủ quyền và nguồn tài nguyên ẩn dưới lớp băng.

Vùng đất quanh năm lạnh giá ở cực bắc trái đất đang ngày càng “nóng” vì cuộc tranh chấp chủ quyền và nguồn tài nguyên ẩn dưới lớp băng.

Một tàu phá băng cũ kỹ của tuần duyên Mỹ ở Bắc Băng Dương - Ảnh: NPRMột tàu phá băng cũ kỹ của tuần duyên Mỹ ở Bắc Băng Dương - Ảnh: NPR
Tình trạng băng tan nhanh do biến đổi khí hậu không chỉ gây ra thảm họa sinh thái đối với nhiều quốc gia ven biển mà còn khiến việc khai phá Bắc cực trở nên dễ dàng hơn.
Các nhà khoa học ước tính khu vực lạnh giá này chiếm 25% nguồn tài nguyên “chưa được phát hiện” toàn cầu. Còn báo cáo từ Viện Nghiên cứu địa chất Mỹ (USGS) cho thấy 13% trữ lượng dầu mỏ và 30% trữ lượng khí đốt chưa được thăm dò trên thế giới đang “ngủ yên” dưới các lớp băng.
Đó là chưa tính đến các mỏ uranium, đất hiếm, vàng, sắt, bạc... Băng tan nhanh cũng sẽ mở ra những tuyến giao thông hàng hải mới quanh Bắc cực vào mùa hè, có thể giúp rút ngắn được 6.000 - 8.000 km cho hải trình giữa châu Âu và châu Á.
Những cơ hội khổng lồ về tài nguyên và địa chiến lược đang dần “rã đông” tại Bắc cực khiến cuộc đua giành chủ quyền âm ỉ lâu nay ngày càng nóng bỏng. Hiện tại, các “tay chơi” chủ yếu bao gồm 8 nước Mỹ, Canada, Nga, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Iceland và Phần Lan.
Nếu trao cho 8 nước này một bản đồ, họ sẽ vẽ ra 8 đường biên giới chồng lấn khác nhau và liên tục tranh cãi về việc liệu Bắc Băng Dương có nên hoàn toàn là vùng biển quốc tế hay không, khu vực nào có thể cho phép tàu hàng có thể đi qua, nước nào được quyền sở hữu hòn đảo Hans không người ở tại Bắc Băng Dương... Và tình hình đã không còn dừng lại ở những tranh luận trong phòng họp của tổ chức Hội đồng Bắc cực mà đã bắt đầu phảng phất “mùi thuốc súng”.
Nga ở “cửa trên”
Nga hiện được đánh giá là có sự hiện diện mạnh mẽ nhất ở Bắc cực nhờ sớm đặt trọng tâm chiến lược ở đây kéo theo hàng loạt động thái cấp tập. Trong học thuyết hải quân mới được công bố vào tháng 7, Moscow nhấn mạnh phải phát triển Hạm đội Phương Bắc để tăng cường vai trò tại Bắc cực.
Mới đây nhất, Hãng thông tấn Sputnik hồi giữa tuần đưa tin Nga đang xây dựng 6 căn cứ quân sự mới ở Bắc cực, trong đó có một cơ sở phòng không trên đảo Sredniy. Một khi cơ sở này được hoàn thành, Hạm đội Phương Bắc có thể triển khai nhiều loại tên lửa phòng không lợi hại như S-400 và Pantsir-S đến khu vực. Ngoài ra, Tư lệnh hạm đội là Đô đốc Vladimir Korolev cho biết thêm trong năm 2015, tên lửa chống tàu Bastion cùng các đơn vị máy bay MiG-31, Tu-95 và Tu-142 cũng sẽ được triển khai tại Bắc cực.
Đó là ở trên không, còn dưới nước sẽ có sự hiện diện của tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Akula. Bên cạnh đó, theo trang tin Business Insider, hoạt động của Hạm đội Phương Bắc ở Bắc cực trong tương lai sẽ được hỗ trợ bởi một loạt cơ sở đang xúc tiến xây dựng, bao gồm 10 trạm tìm kiếm cứu nạn, 16 cảng nước sâu, 13 sân bay và 10 trạm radar phòng không. Cuối tháng trước, hơn 1.000 binh sĩ Nga cùng 14 chiến đấu cơ và 34 thiết bị quân sự tham gia tập trận chiến thuật nhằm bảo vệ một cơ sở công nghiệp ở Bắc cực.
Nhưng ưu thế giúp Nga vượt hẳn các đối thủ khác là năng lực phá băng. Ở Bắc cực, tàu phá băng có tầm quan trọng chiến lược không kém tàu sân bay ở những vùng biển “bình thường” với sứ mệnh đảm bảo cho các tàu buôn, tàu khảo sát và tàu quân sự có thể đi qua các dải băng dày một cách an toàn và đều đặn. Theo tờ The New York Times, Nga hiện có 41 tàu phá băng, trong đó có 6 chiếc vận hành bằng năng lượng hạt nhân, và sẽ bổ sung 3 tàu mới vào các năm 2017, 2019 và 2020.
Việc tăng cường quân sự ở Bắc cực nhằm theo đuổi các mục tiêu chiến lược dài hạn hơn là vì nhu cầu cấp bách nào”, Business Insider dẫn lời chuyên gia Anton Lavrov thuộc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ ở Moscow nhận định.
Nguy cơ xung đột
Trước sự vượt trội của Nga, các bên khác đã bắt đầu có chuyển động mạnh mẽ. Thời gian qua, Mỹ liên tục phát đi thông điệp cho thấy nước này sẽ không ngồi yên. Theo tờ The Los Angeles Times, gần như toàn bộ 16 cơ quan tình báo Mỹ đã điều động chuyên gia phân tích đến Bắc cực cũng như tăng cường thu thập dữ liệu từ vệ tinh do thám và tăng cường vẽ bản đồ mới về các tuyến hải hành, khu vực khoan dầu và lãnh thổ tại Bắc cực.
Hạm đội Phương Bắc của Nga trong một cuộc tập trận - Ảnh: Business InsiderHạm đội Phương Bắc của Nga trong một cuộc tập trận - Ảnh: Business Insider
Ngoài ra, từ tháng 3 đến tháng 8, tàu ngầm hạt nhân USS Seawolf của hải quân Mỹ đã được triển khai nhiều tuần dưới lớp băng Bắc cực. Trên danh nghĩa, nhiệm vụ của tàu này là từ căn cứ ở Bremerton, bang Washington băng qua eo biển Bering và lặn xuyên qua Bắc cực để đến tham gia huấn luyện với Hạm đội 6 ở Đại Tây Dương. Tuy nhiên, theo The Daily Beast, cuộc hành trình này còn nhằm tuyên bố với thế giới là tuy đang tụt lại phía sau về năng lực phá băng nhưng hải quân Mỹ vẫn có thể đi bất cứ đâu.
Về phần Canada, nước này hồi đầu tháng 8 đã phản đối việc Nga trình lên LHQ bản tuyên bố chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ rộng 1,2 triệu km2 ở thềm lục địa Bắc cực. Trong chuyến thị sát một số cơ sở của Canada ở Bắc cực năm ngoái, Thủ tướng Stephen Harper nhấn mạnh các lực lượng nước này không được lơi lỏng phòng vệ và cần phải sẵn sàng trả đũa trước bất kỳ hành động xâm phạm chủ quyền nào.
Tương tự, trong bài trả lời phỏng vấn tờ Berlingske, Ngoại trưởng Canada John Baird tuyên bố: “Đối với chúng tôi, đây là ưu tiên chiến lược. Chúng tôi muốn giảm nguy cơ xung đột, nhưng rõ ràng là chúng tôi sẽ buộc phải bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình”. Hồi tháng 3, Canada đã tiến hành cuộc tập trận mang tên NOREX 2015 tại khu vực Nunavut ở phía bắc nhằm tăng cường năng lực hoạt động ở Bắc cực.
Mới đây nhất, đến lượt Na Uy ngày 1.10 tuyên bố sẽ hiện đại hóa lực lượng quốc phòng để “ứng phó các chuyển biến tình hình mới ở Bắc cực”, theo Reuters.
Chưa hết, ngoài 8 nước trực tiếp tham gia tranh chấp, nhiều quốc gia khác dù ở xa Bắc cực cũng đang cố gắng mở rộng tầm với ở khu vực này. Hiện Hội đồng Bắc cực đã có thêm nhiều “quan sát viên thường trực” như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Ý và Ấn Độ. Cuối tháng 8, Trung Quốc đã lần đầu tiên đưa 5 tàu chiến vào vùng biển Bering ngoài khơi bờ biển Alaska, còn Hàn Quốc và Singapore đẩy mạnh chiến lược khảo sát triển vọng có thể thiết lập tuyến hàng hải vận chuyển hàng hóa đến các thị trường châu Âu thông qua Bắc Băng Dương.
Trận chiến chai rượu
Hans, hòn đảo có diện tích 1,3 km2 tại eo biển Kennedy ở Bắc Băng Dương, là tâm điểm tranh cãi chủ quyền giữa Canada và Đan Mạch. Tranh chấp tồn tại từ rất lâu nhưng bắt đầu được cụ thể hóa từ thập niên 1980, thời điểm khơi mào cái gọi là “Trận chiến chai rượu”.
Theo Business Insider, mỗi khi hải quân 2 nước ghé đảo đều để lại một chai whisky Canadian (Canada) hoặc rượu Akvavit (Đan Mạch) để đánh dấu chủ quyền. Căng thẳng gia tăng vào đầu thập niên 2000, khi một hạm đội Đan Mạch cắm cờ trên đảo khiến Canada “nổi đóa”.
Đến tháng 7.2005, Canada tổ chức tập trận lớn và dựng một cột cờ cao hơn 3,5 m trên đảo. Sau một thời gian thương thuyết, hai bên ra tuyên bố chung nêu rõ “mọi tiếp cận với đảo Hans sẽ được tiến hành âm thầm và kiềm chế” và vẫn đang cố gắng tìm giải pháp cho tranh chấp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.