Châu Âu chia rẽ vì nợ công của Hy Lạp

13/07/2015 07:40 GMT+7

Các quốc gia trong khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) vẫn đang rất bất đồng về vấn đề nợ công của Hy Lạp.

Các quốc gia trong khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) vẫn đang rất bất đồng về vấn đề nợ công của Hy Lạp.
Kế hoạch cắt giảm ngân sách mới của Hy Lạp gồm tăng thuế giá trị gia tăng, giảm quỹ hưu trí
 và một số khoản phúc lợi... - Ảnh: AFP
Theo tờ Le Monde, sau 9 giờ thảo luận căng thẳng, cuộc họp giữa các bộ trưởng kinh tế - tài chính của eurozone đã phải tạm ngưng vào rạng sáng qua 12.7 vì không ai chịu ai. Nội dung cuộc họp là xem xét có tiếp tục cho Athens vay gói hỗ trợ tài chính tiếp theo trị giá 74 tỉ euro hay không.
Đây cũng chính là trọng tâm các cuộc đàm phán vốn liên tục rơi vào bế tắc từ nửa năm qua giữa Hy Lạp với các chủ nợ quốc tế gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Nếu không được vay, nước này sẽ chìm sâu vào vỡ nợ khi nhiều khoản nợ sắp đáo hạn trong những tháng tới. Cuối tháng 6, Athens đã không thể trả được 1,6 tỉ euro cho IMF.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras vừa công bố kế hoạch cắt giảm ngân sách mới sau khi các yêu cầu “thắt lưng buộc bụng” của chủ nợ quốc tế đã bị cử tri nước này bác bỏ trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 5.7. Kế hoạch mới được nhiều chuyên gia đánh giá tích cực với nhiều biện pháp nhằm tiết kiệm 13 tỉ euro cho ngân sách như tăng thuế giá trị gia tăng, giảm quỹ hưu trí và một số khoản phúc lợi...
Tuy nhiên, eurozone đang chia thành 3 nhóm với quan điểm rất khác biệt. Áo, Bỉ, Đức, Slovakia… cho rằng Hy Lạp cần phải thắt lưng buộc bụng hơn nữa nếu muốn được tiếp tục hỗ trợ. Ngược lại, Pháp và một số nước khác khẳng định Hy Lạp cần ở lại eurozone và xem các nỗ lực của Athens là tín hiệu tích cực. Trong khi đó, nhóm thứ ba bao gồm Tây Ban Nha và Ý ít đưa ra ý kiến vì đang tập trung phòng tránh khủng hoảng lan đến nước mình. Bất đồng lớn đến mức một hội nghị thượng đỉnh của EU đã bị hủy giờ chót vào ngày 12.7 để các bộ trưởng eurozone tiếp tục thảo luận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.