Cải cách chính trị ở Trung Quốc - Bài 4: Mâu thuẫn xã hội và lực cản chính trị

15/09/2010 22:51 GMT+7

Trung Quốc đang giải quyết những mâu thuẫn xã hội ngày càng sâu sắc trong khi cải cách chính trị vẫn còn nhiều trở ngại.

Mâu thuẫn xã hội trầm trọng

Theo Tân Hoa xã, hàng loạt vụ tham nhũng lớn với các quan chức cấp cao trong đủ các lĩnh vực như thể thao, pháp luật, môi trường, công an... liên tục bị phanh phui trong 2 năm qua. Có nhiều vụ khiến dư luận Trung Quốc bàng hoàng như: Văn Cường - cựu Giám đốc Sở Tư pháp của Trùng Khánh - bị kết án tử hình với các tội danh: nhận hối lộ 1,77 triệu USD, bảo kê 5 băng đảng xã hội đen, tham gia nhiều vụ hiếp dâm. Diệp Thụ Dưỡng - nguyên Trưởng công an thành phố Thiều Quan, tỉnh Quảng Đông - bị đưa ra xét xử vào tháng 1.2010 với tội danh nhận hối lộ hơn 34 triệu tệ, bảo kê các hoạt động mại dâm, đánh bạc, buôn bán ma túy, giúp đỡ một số tội phạm thoát lưới pháp luật, mua bán chức quyền trong ngành công an... trong suốt 19 năm đương chức. Ngoài ra, báo chí Trung Quốc cũng thống kê từ khi cải cách mở cửa tới nay, hơn 4.000 quan tham đã trốn sang nước khác, cuỗm theo 50 tỉ USD.

Ông Trì Cường - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Bắc Kinh - xác nhận riêng tại thủ đô Trung Quốc, các vụ dân kiện quan trong năm 2009 lên tới 7.321 vụ, tăng 32,6% so với năm 2008. Nội dung các vụ kiện trên toàn quốc đều liên quan tới quyền lợi của người dân, đặc biệt nổi cộm các vấn đề: đền bù đất đai, di dời nhà dân, oan sai trong xử án... Chẳng hạn ngày 19.4.2010, 361 người dân thôn Sinh Lợi, huyện Ninh Hải, thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang kiện chính quyền địa phương vì thu giữ của họ hơn 37 mẫu đất mà không hề đền bù sau khi làm giả những bằng chứng về việc nhất trí giao đất của người dân.


Những quan tham như Văn Cường khiến người dân Trung Quốc mất lòng tin - Ảnh: Sina.com

Đáng chú ý hơn cả là vụ nông dân Dương Hữu Đức - 56 tuổi, ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc - đã tự chế một hệ thống đạn pháo và xây chòi canh đất nhằm chống trả chính quyền địa phương thu giữ đất của gia đình ông mà theo ông là không bồi thường thỏa đáng. Từ tháng 2 đến tháng 5.2010, ông liên tục dùng vũ khí tự tạo để xua đuổi các đội cưỡng chế của chính quyền địa phương trong những cuộc bao vây có khi lên tới cả trăm người. Ông Dương ghi rõ quyết tâm lên vách tường nhà: “Không có lựa chọn. Chỉ có cách ứng chiến”. Tới cuối tháng 6, liên tục có người rình rập bên ngoài nhà ông Dương và anh trai ông là Dương Nghĩa Đức bị 4 người lạ mặt đột ngột chặn đánh, phải nhập viện. Theo tờ China Daily, chính quyền địa phương hồi tháng 7 năm nay đã phải nhượng bộ và ông Dương được nhận số tiền bồi thường kỷ lục 750.000 nhân dân tệ cho 1,75 ha đất.  Ngoài ra, còn có vụ hai cha con tự thiêu hồi tháng 3 tại Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô nhằm phản đối chính quyền địa phương phá chuồng heo của gia đình để giải tỏa mặt bằng. Theo China Daily, rốt cuộc chuồng heo vẫn bị giật sập, người con trai 68 tuổi thiệt mạng, còn người cha 92 tuổi bị phỏng nặng. 

“Bình hoa chính trị” và lực cản cải cách

Website Bầu cử Trung Quốc (Chinaelections.org) ngày 10.9 có bài phân tích những hạn chế trong quá trình cải cách chính trị, đặc biệt nổi bật vấn đề “hiệp thương dân chủ”. Theo đó, mặc dù tại Trung Quốc đã bắt đầu xuất hiện ý niệm “hiệp thương dân chủ” thay cho “hiệp thương chính trị” nhưng về căn bản, hiệp thương vẫn chỉ là một “bình hoa chính trị”. Các ủy viên hiệp thương chưa phải là đại biểu đúng ý dân, về cơ bản không có cơ sở quần chúng; không nằm trong thể chế pháp luật, còn tồn tại rất nhiều thứ mang tính tùy tiện, khó có thể thực sự đạt được dân chủ đầy đủ và hiệp thương đầy đủ. Quá trình thực thi hiệp thương còn mang tính chủ quan của các nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và chính quyền.

Việc cải cách thể chế, đặc biệt quá trình chuyển sang mô hình “thể chế lớn tập trung” (*) vẫn gặp nhiều lực cản lớn do bộ máy hành chính cồng kềnh, người nhiều hơn việc, chính phủ quản lý không sâu sát, hiệu quả tinh giản cơ cấu chưa cao. Cải cách thể chế còn đụng hàng loạt vấn đề như sự cọ xát quyền lực, phân chia nhân lực... Trong đó, chỉ cần một mắt xích nào bị đứt cũng khiến cả dây chuyền bị ảnh hưởng. Hiện Trung Quốc đang nghiên cứu một số mô hình cải cách thể chế như mô hình Thành Đô, mô hình Trấn Giang hay mô hình Tùy Châu.

Thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên đã giải tán Sở Nông canh và gia súc cùng Sở Nông cơ để thành lập Ủy ban Nông nghiệp, lấy điểm nổi bật của đơn vị để cải cách thể chế chức năng đan xen và chia quyền. Ở thành phố Tùy Châu, tỉnh Hồ Bắc, cách làm chủ yếu là sáp nhập những cơ cấu có chức năng tương đối giống nhau, nhưng hoạt động kém hiệu quả, thậm chí có nơi chỉ treo biển, không làm việc. Chẳng hạn hợp nhất Sở Văn hóa, Sở Di sản văn hóa, Sở Thể dục thể thao và Sở Xuất bản thông tin thành Sở Văn thể. Nếu thành công, mỗi mô hình sẽ thúc đẩy năng suất hành chính rất mạnh.

Có thể nhận thấy vấn đề của Trung Quốc hiện nay là cần giúp “hiệp thương dân chủ” không còn là “bình hoa chính trị” và phá bỏ những lực cản trong quá trình thực thi “thể chế lớn tập trung”.

Nguyễn Lệ Chi

(*): là dạng mô hình quản lý chính phủ được sử dụng phổ biến ở những nước có trình tự thị trường hóa tương đối cao. Đặc trưng rõ nét nhất của thể chế này là “chức năng rộng nhưng cơ cấu ít”, nhằm thúc đẩy việc quản lý tổng hợp và nhịp nhàng công việc của chính quyền.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.