Biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc lan rộng trên thế giới

07/06/2020 08:16 GMT+7

Quỳ gối, hô hào khẩu hiệu, phớt lờ biện pháp giãn cách xã hội phòng dịch Covid-19 , hàng chục ngàn người tham gia các cuộc biểu tình trên toàn cầu nhằm phản đối phân biệt chủng tộc và sự tàn bạo của cảnh sát.

Trong ngày 6.6, các cuộc biểu tình lan rộng sang nhiều quốc gia từ châu Á cho đến châu Âu sau vụ người đàn ông da màu George Floyd (46 tuổi) chết ngạt vì bị một cảnh sát da trắng đè đầu gối lên cổ hôm 25.5 tại thành phố Minneapolis (bang Minnesota, Mỹ).
"Đã đến lúc phải thiêu hủy chủ nghĩa phân biệt chủng tộc", một người biểu tình hô to qua loa trong lúc đám đông hàng ngàn người tập trung bên ngoài tòa nhà quốc hội ở thủ đô London, Anh. "Im lặng là bạo lực", đám đông hô to dưới mưa. Bên cạnh đó, hàng ngàn người tham gia cuộc biểu tình ở thành phố Manchester, phía bắc nước Anh, theo AFP.
Chính phủ các nước khắp thế giới nỗ lực cân bằng giữa việc cấp phép biểu tình cùng lúc cảnh báo nguy cơ đại dịch Covid-19 tiếp tục lây lan vì tụ tập đông người. Đến nay, thế giới ghi nhận hơn 6,8 triệu ca nhiễm và gần 400.000 người chết vì Covid-19.

Người biểu tình cầm biểu ngữ tại thủ đô London, Anh

AFP

Hàng chục ngàn người Úc đã xuống đường biểu tình, bất chấp lời kêu gọi "tìm cách tốt hơn" của Thủ tướng Scott Morrison. Bên cạnh đó, hàng chục ngàn người tuần hành ở Pháp và hàng ngàn người khác ở Anh phớt lờ cảnh báo của bộ y tế về phòng dịch Covid-19.
Tại thành phố Sydney (Úc), nhiều người cầm biểu ngữ và đeo khẩu trang có dòng chữ "Tôi không thể thở được" và "8 phút 46 giây".
8 phút 46 giây là khoảng thời gian sĩ quan cảnh sát da trắng Derek Chauvin (44 tuổi) dùng đầu gối đè lên cổ ông Floyd, một người Mỹ gốc Phi, dẫn đến tử vong. Trước khi chết, ông Floyd cầu xin "Tôi không thể thở được" và người đi đường van xin viên cảnh sát hãy dừng lại. Làn sóng biểu tình tiếp diễn kể cả khi ông Chauvin và ba cảnh sát khác đã bị truy tố vì cái chết của ông Floyd.

Đẩy ngã cụ ông, 2 cảnh sát Mỹ bị truy tố tội tấn công gây thương tích

Ở một số quốc gia trên thế giới, người biểu tình tập trung trước đại sứ quán Mỹ. Tại thủ đô Paris (Pháp), cảnh sát chống bạo động cố gắng kiềm chế đám đông hàng ngàn người tụ tập bên ngoài đại sứ quán Mỹ trong một cuộc biểu tình không được cấp phép.
"Tôi bị phân biệt đối xử suốt đời. Là một phụ nữ Pháp da màu ở Pháp không hề dễ dàng”, một người biểu tình tên Nadine (46 tuổi) nói với AFP. Theo số liệu của Bộ Nội vụ Pháp, 23.000 người tham gia biểu tình ở các thành phố khắp nước Pháp, trong đó có 5.500 người tại thủ đô Paris. Các cuộc biểu tình nhỏ hơn được tổ chức bên ngoài đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Warsaw (Ba Lan) và Sofia (Bulgaria).

Người biểu tình đối mặt với cảnh sát tại thủ đô London, Anh

Reuters

Ở Đức, các cầu thủ bóng đá mặc áo với dòng chữ "Thẻ đỏ cho phân biệt chủng tộc #BlackLivesMatter (Người da đen đáng được sống)" và quỳ xuống để hưởng ứng phong trào biểu tình trước khi trận đấu Giải bóng đá vô địch quốc gia Đức (Bundesliga) bắt đầu.

Người biểu tình đối mặt với cảnh sát tại thủ đô Paris, Pháp

AFP

Trong khi đó, các cuộc biểu tình rầm rộ tiếp diễn ở Mỹ nhưng không xảy ra bạo động, hôi của như những ngày trước. Tại thủ đô Washington D.C, hàng trăm người biểu tình quỳ xuống và vỗ tay trên đường phố. Nữ Thị trưởng Washington D.C Muriel Bowse, một người da màu, tuyên bố đổi tên khu vực có nhiều người biểu tình tập trung bên ngoài Nhà Trắng là "Black Lives Matter Plaza".
Các cuộc biểu tình thậm chí diễn ra ở những quốc gia có xung đột như Iraq. "Cuộc nổi dậy ở Mỹ" và cụm từ tiếng Ả Rập "Chúng tôi cũng muốn thở" trở thành xu hướng lan truyền trên mạng xã hội tại Iraq.

Người biểu tình tập trung trước tháp Eiffel tại thủ đô Paris, Pháp

AFP

"Tôi nghĩ rằng những gì người Mỹ đang làm là dũng cảm nhưng bạo loạn không phải là giải pháp", theo Yassin Alaa, một thanh niên 20 tuổi tham gia biểu tình tại quảng trường Tahrir ở thủ đô Baghdad, nơi chứng kiến cuộc biểu tình chống chính phủ Iraq kéo dài nhiều tháng qua. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.