Báo Nhật viết về cuộc sống bần cùng của nghi phạm trộm dê người Việt

21/02/2015 16:24 GMT+7

(TNO) Tờ báo uy tín Nhật Asahi Shimbun hôm 20.2 thuật lại hoàn cảnh lầm than của một trong hai người Việt Nam đang chờ tòa án Nhật tuyên án vì phạm tội trộm cắp và ăn thịt dê nuôi làm thí nghiệm.

(TNO) Tờ báo uy tín Nhật Asahi Shimbun hôm 20.2 thuật lại hoàn cảnh cơ cực của một trong hai người Việt Nam đang chờ tòa án Nhật tuyên án vì phạm tội trộm cắp và ăn thịt dê nuôi làm thí nghiệm.

Nhân công làm việc tại một siêu thị ở Tokyo - Ảnh: Reuters

Le The Loc, 30 tuổi, và Bui Van Vy, 22 tuổi, đã bị đưa ra xét xử tại một tòa án ở quận Gifu, miền nam Nhật Bản, vì tội danh ăn cắp 2 con dê được nuôi trong một công viên địa phương để nghiên cứu cách diệt cỏ bằng động vật.

Loc đến Nhật cách đây 2 năm theo Chương trình Đào tạo Thực tập sinh kỹ thuật (TITP), còn Vy là một sinh viên đã bỏ học.

Công tố viên tại Nhật đề xuất bản án 2 năm tù vì tội trộm dê đối với 2 nghi phạm. Asahi Shimbun cho biết bản án dự kiến sẽ được tuyên vào ngày 27.2.

Tại phiên xét xử, Loc khai mình từng là tài xế taxi ở Việt Nam trước khi sang Nhật. Anh này sống cùng cha mẹ, vợ, con gái và có thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng.

Loc kể rằng một ngày nọ, một công ty làm trung gian cho chương trình TITP tiếp xúc với anh và cho biết nếu sang làm việc ở Nhật, anh có thể kiếm được “khoảng từ 200.000 yen (gần 36 triệu đồng) đến 300.000 yen/tháng và làm 8 tiếng/ngày, 5 ngày/tuần, kèm theo bao luôn chỗ ở”.

Phấn khích trước cơ hội đổi đời, Loc nộp đơn xin tham gia ngay lập tức.

Loc thế chấp nhà và đất đai để vay ngân hàng khoảng 1,5 triệu yen, tức gần 269 triệu đồng để trả phí theo yêu cầu của công ty môi giới. Sau khi hồ sơ được duyệt, Loc đến Nhật vào tháng 3.2013 để làm thực tập sinh nghề nông.

Ban đầu Loc được thuê trồng cà chua cho một công ty nông sản ở tỉnh Nagano. Tuy nhiên, điều kiện làm việc ở đây không hề giống với miêu tả của công ty môi giới. Loc phải làm việc suốt 20 tiếng, từ 6 giờ sáng đến 2 giờ sáng hôm sau, và không có ngày nghỉ.

“Chỗ ở” theo hứa hẹn của công ty môi giới chỉ là một kho chứa nông cụ; trong đó, có 1 vòi sen, nhưng lại không có toilet, và Loc buộc phải ngủ trong một khu vực rộng vỏn vẹn 2 m2 dưới gầm một thùng chứa cầu dao điện.

Được trả 80.000 yen/tháng, nhưng mỗi tháng Loc phải trích 20.000 yen cho phí “thuê” chỗ ở, nên lương thực lãnh chỉ còn khoảng 60.000 yen/tháng. Trong phần tiền ít ỏi còn lại, Loc gửi khoảng từ 30.000 yen đến 40.000 yen cho gia đình ở quê nhà.

Sống vất vưởng ở Nhật và kế hoạch trôm dê

Asahi Shimbun cho biết cuộc sống thường nhật của Loc chỉ quanh quẩn ở chỗ làm và chỗ ở trong suốt 7 tháng liền. Cuối cùng, Loc quyết định bỏ việc.

“Dù đã cố gắng hết mức, tôi vẫn thấy kiệt sức. Nên cuối cùng tôi đã nghỉ việc”, Loc khai tại tòa.

Dò trên mạng internet, Loc tìm được một công việc khác tại một công ty cơ khí ở tỉnh Aichi. Tuy nhiên, Loc bị cho nghỉ sau khi thời gian được phép lưu trú ở Nhật của anh hết hạn vào tháng 3.2014 và anh trở thành người thất nghiệp.

Nhớ lại thời điểm đó, Loc cho biết: “Nếu tôi quay trở lại Nhật mà không trả được nợ ngân hàng, tôi sẽ mất hết nhà cửa đất đai”.

Sợ gia đình ở Việt Nam biết được hoàn cảnh của mình, Loc đã nán lại Nhật và đã ăn trộm thực phẩm tại các siêu thị để sống qua ngày.

Vào khoảng tháng 7.2014, Loc ở chung với Vy, cũng là một người thất nghiệp, tại một căn hộ ở tỉnh Aichi. Cũng giống như Loc, Vy vay 2 triệu yen để sang Nhật du học. Tuy nhiên, anh này bỏ học sau khi không còn trả nổi học phí, theo Asahi Shimbun.

Đến đầu tháng 8, một trong hai người được khoảng 20 đồng hương Việt Nam tổ chức sinh nhật. Kế hoạch trộm dê để ăn nảy sinh tại đây.

Loc sau đó đã lái xe chở 6 trong số 20 người nói trên đến công viên Minokamo ở tỉnh Gifu và Vy đã chạy vào trộm 2 con dê dùng để thí nghiệm.

Ban đầu, Vy tháo vòng cổ 2 con vật, rồi sau đó bịt mõm và trói chân chúng bằng băng keo. Vy được cho là đã giết 2 con dê ngay sau khi thực hiện vụ trộm trót lọt và cùng ăn với những người khác.

Ngoài tội danh trộm cắp, Vy và Loc còn bị truy tố với tội danh vi phạm Luật Kiểm soát Nhập cư và Công nhận người tị nạn của Nhật, theo Asahi Shimbun.

Tờ báo Nhật cũng cho biết chương trình TITP được Chính phủ Nhật phát động hồi năm 2013 với mục đích cho thực tập sinh nước ngoài cơ hội phát triển kỹ năng của mình tại Nhật để đem về áp dụng cho nước nhà. Thời hạn tham gia chương trình là 3 năm.

Hiện tại, có hơn 150.000 thực tập sinh của TITP làm việc trong 69 ngành nghề khác nhau, bao gồm may mặc, chế biến thực phẩm, nông và ngư nghiệp.

Tuy nhiên, đã có phát sinh tệ nạn từ chương trình này, Asahi Shimbun cho biết. Chẳng hạn giống như trường hợp của Loc, nhiều thực tập sinh bị yêu cầu phải trả một khoản tiền “đảm bảo” rất lớn cho các công ty trung gian ở quê nhà để được giới thiệu tham gia chương trình.

Ngoài ra, một số công ty Nhật thuê mướn các thực tập sinh này đã không trả tiền làm thêm ngoài giờ và nhiều người bị ép làm việc hơn 8 tiếng/ngày, theo Asahi Shimbun.

Chính phủ Nhật đang cân nhắc mở rộng loại hình ngành nghề cho thực tập sinh nước ngoài, cụ thể là bổ sung nghề y tá do thiếu hụt lao động trong ngành này tại Nhật. Ngoài ra, Tokyo cũng đang xem xét gia tăng thời gian tham gia chương trình lên 5 năm, theo Asahi Shimbun.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.