Viết ca dao bằng gỗ

07/12/2008 22:44 GMT+7

Lần đầu tiên mang những “khúc ca dao bằng gỗ” ra Hà Nội nhưng các chàng trai Gò Nổi (Điện Bàn, Quảng Nam) của Trung tâm Gỗ nghệ thuật u Lạc rất tự tin.

Điều chưa nói...

Gian hàng chủ đề “Điều chưa nói...” của họ tại Hội chợ thương mại quốc tế châu Á - Thái Bình Dương, Giảng Võ - Hà Nội khá đông khách thưởng lãm. Ngày khai mạc, họ đã thu vào 50 triệu đồng tiền hàng. Với họ đây là niềm khích lệ lớn lao. “Chúng tôi mang theo 150 sản phẩm tượng, phù điêu và hàng mỹ nghệ làm bằng gỗ. Giỏ gỗ, tranh gỗ cũng nhiều. Hầu hết được làm từ gỗ me, gỗ xà cừ... được trồng trên nền đất bồi Gò Nổi. Trong số đó, gần 100 sản phẩm được chúng tôi sáng tác trên nền cảm hứng ca dao”, anh Trần Thu, chủ cơ sở nói với tôi. Không chỉ vậy, sắp tới đây, từ ngày 10 đến 14.12.2008, những sản phẩm tương tự của u Lạc sẽ có mặt tại Hội chợ thương mại quốc tế TP.HCM, trong đó có những tác phẩm độc đáo như cây đàn ghi-ta với chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hoặc những chiếc độc bình gỗ với chân dung nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ Bùi Giáng...

Bề nổi là vậy, còn những mặt khác của u Lạc không phải ai cũng biết. Trụ sở tại xã Điện Phong - địa đầu miền đất Gò Nổi, Trung tâm Gỗ nghệ thuật u Lạc ra đời từ ước nguyện “ly nông bất ly hương” của nhiều thanh niên. Nói đúng hơn là ước nguyện của Trần Thu và tiếp đó là Nguyễn Viết Linh, chàng cử nhân văn chương... thất nghiệp. Cả hai kết hợp đã 4 năm nay và những sản phẩm mới lạ theo nhau ra đời. Bộ đôi này đã mang về 8 giải thưởng cấp quốc gia, với nhiều đề tài đầy tư duy và sáng tạo như bộ phù điêu tứ bình mang tên Trầm Giao gồm ớt - khổ qua - bí đỏ - đậu quyên. Trần Thu giải thích: “Đây là bốn loại quả có vị cay đắng ngọt bùi mà đời người ai cũng từng nếm trải”.

 

Một tác phẩm với chân dung nhà thơ Bùi Giáng

“Họ giỏi lắm!”

Vượt qua những khó khăn ban đầu, đến nay u Lạc đã khẳng định vị trí của mình trên bản đồ các cơ sở sản xuất gỗ nghệ thuật tại tỉnh Quảng Nam. Số thợ ngày càng tăng, đến nay anh đã thu nhận và đào tạo nghề cho 70 người. Khi đi làm họ là công nhân, lúc về nhà là... nông dân. Với những công nhân khuyết tật, Trần Thu thuộc tên từng người: Lê Tiến Vỹ, Nguyễn Thế Quốc, Lương Quốc Phú, Nguyễn Minh Vũ, Lê Quang Lâm, Nguyễn Phi Phong. Cả 6 người này trong độ tuổi từ 20 đến 27, bị câm điếc bẩm sinh, liệt 2 chân và cả động kinh. Họ đã làm việc tại u Lạc từ 1 đến 10 năm, trong đó Lê Tiến Vỹ là tổ trưởng phù điêu, Nguyễn Thế Quốc tổ trưởng chân dung, lương từ 2,6 đến 3 triệu đồng/tháng. “Họ giỏi lắm! Tinh tế, tận tụy không thua người lành lặn”. Trần Thu nói.

“Còn những người khác, thu nhập bao nhiêu?”, tôi hỏi. Anh cho biết: “Học nghề thì thí công. Từ 3 tháng đến 12 tháng bắt đầu ăn lương, được bảo hiểm tai nạn. Tay nghề vững thì lương cao, tay nghề non thì lương thấp, bình quân 1,5 triệu đến 2 triệu đồng/tháng. Tuy chưa cao lắm nhưng họ có việc làm quanh năm, không phải nghỉ vì hết mùa hay chạy lụt”.

Nguyễn Viết Linh, người phụ trách kinh doanh, cũng không kém lãng mạn: “Ước muốn của chúng tôi là ngày nào đó tại quê nhà, một trung tâm gỗ nghệ thuật thật sự như tên gọi của nó thành hình với không gian đẹp dành cho những nghệ nhân làng, một phòng trưng bày hoành tráng với bộ sưu tập những tác phẩm đoạt giải”. Trần Thu xác định: “Chưa bao giờ tôi dám nghĩ sản phẩm của chúng tôi là hoàn hảo nên vẫn phải cố gắng mỗi ngày. u Lạc sẽ mở rộng sản xuất và kinh doanh trong năm mới 2009. Ly nông bất ly hương, người lao động quê tôi sẽ được mua bảo hiểm xã hội như công nhân ở thành phố, ngược lại khi đến xưởng anh em cần thực thi tốt quy định 3 không: không thuốc lá - không rượu bia - không tóc dài”.

Trần Thu tiết lộ, u Lạc đang thực hiện bộ tranh gỗ liên hoàn 6 bức làm bằng gỗ quý dày đến 10 cm, rộng 6m. Chúng được một đại gia đặt hàng, sẽ trưng bày trong một biệt thự cao cấp đang được xây dựng ở Đà Nẵng, trị giá hơn 1 tỉ đồng. Bốn bức long - lân - quy - phụng cỡ lớn được một công ty ở Gia Lai đặt trang trí trong một khu du lịch đang xây dựng. Pho tượng Quan m cao 2,7m, đường kính 1,6m sẽ được đặt tại tịnh xá Ngọc Ban - Buôn Ma Thuột. “Chưa kể nhiều đơn hàng xuất sang Anh, Mỹ... Chỉ tiếc là, sau đó, các sản phẩm của u Lạc bị các nhà buôn quốc tế dán nhãn xuất xứ Hawaii!”, Trần Thu nói.

Đặng Ngọc Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.