Vì một dòng sông Mê Kông

19/12/2010 18:27 GMT+7

Thanh niên các nước tiểu vùng Mê Kông đã đưa ra nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường sinh thái dọc dòng sông.

Chảy qua 6 quốc gia, sông Mê Kông là mối quan tâm lớn của các nước Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc và Việt Nam.

Tổ chức cuộc thi trên website

Không hẹn mà cùng chung ý tưởng, tại chương trình Hữu nghị thanh niên các nước tiểu vùng sông Mê Kông lần thứ 7 (diễn ra từ ngày 7-16.12 tại 3 nước Trung Quốc, Lào và Thái Lan), đại diện của thanh niên 6 nước đã cùng nhất trí về việc lập một website để quảng bá, tuyên truyền những vấn đề thuộc sông Mê Kông, đặc biệt là việc bảo vệ môi trường.

Nguyễn Thị Thu Hiền, sinh viên trường ĐH Ngoại thương đến từ Việt Nam cho hay: “Đây sẽ là diễn đàn chung của thanh niên 6 nước, chúng ta cùng nhau nói về dòng sông của chúng ta, trong đó có những thông tin mới nhất về đời sống của người dân bên bờ sông, sự biến đổi khí hậu, sự phát triển kinh tế, kêu gọi thanh thiếu niên có những hành động cụ thể để bảo vệ môi trường. Sinh viên sẽ tuyên truyền, quảng bá; giáo viên sẽ đưa câu chuyện của Mê Kông vào bài giảng cho học sinh, doanh nghiệp sẽ đóng góp vào sự phát triển kinh tế, đoàn thể có thể xây dựng những chương trình giao lưu…”. Một cuộc thi về môi trường được tổ chức hằng năm trên website cũng là ý tưởng được đón nhận nồng nhiệt tại các buổi thảo luận.

Chương trình Hữu nghị thanh niên các nước tiểu vùng sông Mê Kông được bắt đầu từ năm 2001 nhằm góp phần tăng cường sự hiểu biết, đoàn kết của thanh niên các nước trong khu vực, nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường và tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, du lịch, giao thông, năng lượng, y tế... Năm nay, Ủy ban Quốc gia về thanh niên VN cử 11 thành viên tham dự chương trình. Năm 2011, chương trình sẽ được tổ chức ở Việt Nam, Campuchia và Myanmar.
Trong bối cảnh sông Mê Kông đang đứng trước nhiều thách thức như: tác động xấu từ các đập thủy điện, việc biến đổi khí hậu, tài nguyên nước bị nhiễm bẩn… thì thanh niên không thể đứng ngoài thờ ơ. Cici Yang đến từ Trung Quốc cho rằng, mỗi quốc gia cần tổ chức những hoạt động tìm hiểu văn hóa, đời sống tại các tỉnh có sông Mê Kông chảy qua rồi cùng chung tay đưa ra những giải pháp cụ thể. Và tất nhiên không thể thiếu một cuộc giao lưu gặp gỡ giữa thanh niên các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mê Kông, với nội dung và hình thức tổ chức mỗi năm phải thật mới mẻ, bổ ích và thiết thực.

Sức mạnh từ những bàn tay nhỏ

Ngoài những buổi thảo luận về các vấn đề tồn tại dọc sông Mê Kông mà điều đáng quan tâm nhất là môi trường, thì việc giao lưu về văn hóa với những bài hát, điệu múa truyền thống đã giúp những bàn tay có cơ hội nắm chặt nhau hơn. Điệu múa Lam Vong của Lào, điệu Saravan của Campuchia, vũ điệu trong các lễ hội cầu mưa của Việt Nam cùng những bài hát đậm đà bản sắc dân tộc của mỗi quốc gia đã được cất lên đầy xúc động. Những bàn tay kết nối thành vòng tròn lớn cùng nhảy, cùng ca vang với một tâm thế hừng hực sức trẻ. Không còn rào cản nào về ngôn ngữ, về địa lý, về suy nghĩ. Kanjana Thongna làm việc tại một cơ quan nghiên cứu về nông nghiệp của Thái Lan xúc động: “Tôi đã có những trải nghiệm và hiểu biết hết sức thú vị về văn hóa truyền thống của nước bạn thông qua những bài hát, điệu múa, những cuộc trò chuyện. Điều này khiến chúng ta giống như được uống chung một nguồn nước, có chung một tiếng nói, một sức mạnh”.

Đó là lý do vì sao nhóm thảo luận của Kanjana Thongna, trong đó có Cao Thanh Xuân, SV khoa quốc tế trường ĐH Quốc gia Hà Nội và Nguyễn Hoàng Sơn, Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam (Việt Nam) cùng hàng chục thành viên đến từ các nước đã có một bài thuyết trình ấn tượng: “Mỗi thanh niên là một cá thể với rất nhiều nội lực. Chúng ta có thể biến cái nhỏ thành cái lớn, biến cái lớn thành cái lớn hơn và biến cái lớn hơn thành cái lớn nhất. Đó là sức mạnh mang tính toàn cầu, không có gì chúng ta không thể làm được, vì một dòng sông Mê Kông của chúng ta”.

Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.