Tư vấn trực tuyến truyền hình: Giúp thí sinh an tâm đi thi

03/06/2015 13:00 GMT+7

(TNO) Vào lúc 14 giờ 30 ngày 3.6, T.Ư Hội Sinh viên VN, Bộ GD-ĐT, Báo Thanh Niên và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức tư vấn trực tuyến truyền hình về chương trình Tiếp sức mùa thi năm 2015 tại địa chỉ: www.thanhnien.com.vn với chủ đề Đồng hành cùng thí sinh.

(TNO) Vào lúc 14 giờ 30 ngày 3.6, T.Ư Hội Sinh viên VN, Bộ GD-ĐT, Báo Thanh Niên và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức tư vấn trực tuyến truyền hình về chương trình Tiếp sức mùa thi năm 2015 tại địa chỉ: www.thanhnien.com.vn với chủ đề Đồng hành cùng thí sinh.

Tình hình tuyển sinh năm nay có sự đổi mới đáng kể so với các năm trước. Vì vậy, chương trìnhTiếp sức mùa thi cũng sẽ có những thay đổi tương ứng. Chương trình thực hiện trên cả nước, trong đó tập trung vào 23 tỉnh, thành phố có các cụm thi THPT quốc gia.
Tham gia buổi tư vấn trực tuyến truyền hình có đại diện T.Ư Hội Sinh viên VN, Bộ GD-ĐT, Trung tâm Hỗ trợ sinh viên Hà Nội, Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM và thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu.
Các chuyên gia sẽ đề cập đến sự chuẩn bị trên nhiều phương diện để sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ thí sinh và phụ huynh về nơi ăn chốn ở, đường xá, phương tiện di chuyển thuận lợi… Tất cả đều nhằm góp phần đảm bảo cho kỳ thi diễn ra một cách an toàn, thuận lợi, tạo tâm lý tốt cho thí sinh để đạt kết quả cao nhất.
Buổi tư vấn mở cửa tự do, diễn ra tại Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM (số 3 Công trường quốc tế, Q.3, TP.HCM). Ngay từ bây giờ, bạn đọc có thể đặt câu hỏi tại ô bên dưới.
***
Phát biểu khai mạc chương trình, anh Lê Quốc Phong, Bí thư TƯ Đoàn- Chủ tịch Hội sinh viên VN cho biết, chương trình Tiếp sức mùa thi do Báo Thanh Niên phổi hợp với Bộ GD-ĐT, Tập đoàn Thiên Long tổ chức là tên quen thuộc với thí sinh từng dự thi ĐH, CĐ từ 13 năm về trước.
Anh Lê Quốc Phong, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 có nhiều đổi mới, vì vậy chương trình này đã có nhiều thay đổi cho phù hợp với những thay đổi kỳ thi. Tiếp sức mùa thi năm nay không chỉ diễn ra ở các điểm thi mà còn diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Trong đó, chương trình sẽ hỗ trợ thí sinh về di chuyển, ăn ở đi lại, đặc biệt khó khó khăn có thể đạt được kết quả cao nhất trong kỳ thi.
Đến nay theo thông tin từ các địa phương, riêng 23 tỉnh thành có trên 41 ngàn thanh niên tình nguyện cùng tham gia hoạt động này. Công việc khảo sát nhà trọ, phương án đón tiếp đặc biệt cho các thí sinh khó khăn.
"Chương trình hôm nay, chúng tôi kỳ vọng là kênh thông tin đầy đủ về các hoạt động chương trình tiếp sức mùa thi đến thí sinh, người nhà thí sinh. Từ đó, thí sinh với sự chuẩn bị tốt nhất trong ôn luyện thì còn lực lượng hỗ trợ tốt nhất cho thí sinh trong kỳ thi. Chương trình này cũng tôi cũng mong muốn hiểu rõ hơn yêu cầu của thí sinh để có thể hỗ trợ tốt hơn", anh Phong nói.
 
Toàn cảnh buổi truyền hình trực tuyến - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Các tình nguyện viên chương trình Tiếp sức mùa thi tại TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
 Tiếp tục chương trình, nhà báo Thùy Ngân, Phó ban thanh niên, giáo dục (Báo Thanh Niên) mời đại diện Hội SV Hà Nội và Trung tâm Hỗ trợ HS-SV TP.HCM thông tin những điểm lưu ý về chương trình TSMT năm nay
Anh Quách Hải Đạt, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM thông tin: Hiện tại công tác chuẩn bị đã được thực hiện đến các bước cuối, đến nay chúng tôi có 9.000 tình nguyện viên đăng ký, và sắp tới sẽ tập huấn cụ thể. Hiện cũng có đội ngũ tìm kiếm nhà trọ, kết hợp với 8 trường có tổ chức cụm thi để chuẩn bị chu đáo. Sẵn sàng đón tiếp thí sinh từ ngày 14.6. Tất cả thí sinh hãy yên tâm sẽ có tình nguyện viên tiếp đón chu đáo.
Những năm trước diễn ra 3 kỳ thi ĐH-CĐ, còn năm nay diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, nên sự khác biệt là năm nay thí sinh tập trung vào một lần thi, vào một thời điểm nhất định nên số lượng thí sinh rất lớn. Vì vậy chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị như CSGT, các chủ nhà trọ... để mọi việc diễn ra thuận lợi, có những phương án tốt nhất, an toàn nhất cho thí sinh.
Chị Chu Hồng Minh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Sinh viên Việt Nam TP. Hà Nội cho biết Hà Nội năm nay có gần 120.000 thí sinh đăng ký dự thi trong đó, số thí sinh ở Hà Nội là 83.000 và ở 5 tỉnh thành là 35.000 thí sinh. Hội đồng thi chia thành 8 cụm tương ứng với 107 hội đồng.
Về công tác chuẩn bị, lực lượng tình nguyện viên hỗ trợ tiếp sức mùa thi năm nay dự kiến có hơn 12.000 người, trong đó cấp thành phố là 2.000 tình nguyện viên và cấp cơ sở là 10.000 tình nguyện viên.
Bên cạnh đó, với quyết tâm sẵn sàng chào đón thí sinh dự thi, mọi công tác chuẩn bị đang gấp rút được hoàn thiện trước ngày 28.6. Về nhà trọ dành cho thí sinh ở xa đến dự thi, Hà Nội có đội hình tìm kiếm, khảo sát trọ và có trong tay gần 25.000 chỗ ở trong ký túc xá (KTX), rất tiện cho thí sinh trong quá trình dự thi. Bên cạnh đó là những suất ở miễn phi, giá rẻ.
"Ngoài ra, chúng tôi còn có "ngân hàng nhà trọ" và đội ngũ tình nguyện viên đang ráo riết kiểm tra lại những địa chỉ này đồng thời cập nhật thêm những địa chỉ mới. Tất cả thông tin về điểm thi, địa chỉ nhà trọ... sẽ được cập nhật trên trang tiepsucmuathi.edu.vn.
Cùng với các tỉnh thành trong cả nước, thời điểm tiếp sức mùa thi ở Hà Nội tập trung cao điểm từ 28.6 đến 5.6. Địa bàn tiếp sức tập trung vào 8 cụm thi gồm 107 hội đồng và tập trung 3 bến xe cùng 1 điểm trung chuyển trong thủ đô.
"Tuy nhiên, khác với mọi năm, với sự chuẩn bị từ trước, năm nay chúng tôi đi theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Một số chương trình như Cùng bạn đi thi, nếu như năm ngoái chỉ giới hạn cho 400 thí sinh được hưởng chế độ 1 thí sinh được 1 tình nguyện viên hỗ trợ ăn ở, đi lại miễn phí thì năm nay mô hình này mở rộng hơn. Danh sách thí sinh được hưởng chế độ này cũng được xác định cụ thể và sớm hơn. Trong đó, thí sinh từ 5 tỉnh thành dự thi ở Hà Nội gồm Hà Nam, Nam Định, Vĩnh Phúc, Hòa Bình và Bắc Ninh sẽ được ưu tiên để có được sự hỗ trợ chu đáo nhất", chị Chung Hồng Minh chia sẻ.
Ông Đỗ Thanh Duy, Trưởng phòng Quản lý thi và công nhận văn bằng Bộ GD-ĐT: Đề thi THPT quốc gia 2015 có 2 mục đích gồm xét tốt nghiệp THPT và căn cứ xét tuyển ĐH và CĐ. Đến thời điểm này, Bộ đã công bố số lượng thí sinh dự thi năm nay. Trên 1 triệu thí sinh dự thi, trong đó 28% chỉ sử dụng kết quả xét tốt nghiệp THPT.
Có em hỏi tại sao có 2 cụm thi, điều này xuất phát từ thực tế, ngoài 38 cụm thi do trường ĐH chủ trì với kết quả nhằm 2 mục đích trên. Bên cạnh đó có những thí sinh chỉ có nguyện vọng tham dự kỳ thi và sử dụng kết quả đó để xét tốt nghiệp THPT. Vì vậy ở những địa phương có các thí sinh này Bộ tổ chức cụm thi địa phương với mục đích chỉ xét tốt nghiệp THPT.
Theo quy chế, các trường có thể chọn phương án thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp 2 phương thức này. Hiện có khoảng 200 trường ĐH, CĐ công bố đề án tuyển sinh riêng, tức có hình thức xét tuyển kết quả học bạ THPT. Vì vậy, thí sinh dự thi cụm thi địa phương có thể sử dụng kết quả học bạ để xét vào các trường này.
* Bạn đọc Minh Hà (18 tuổi, Hà Nội): Những thí sinh thi tại cụm thi do Sở GDĐT chủ trì và được cấp bằng tốt nghiệp THPT năm 2015 có được tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 để xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ không? Nếu được thì sẽ phải thi những môn thi nào?
- Ông Đỗ Thanh Duy, Trưởng phòng Quản lý thi và công nhận văn bằng Bộ GD-ĐT: Thí sinh đã tốt nghiệp THPT trước 2015, năm nay muốn tham dự xét tuyển vào ĐH và CĐ phải đăng ký dự thi kỳ thi này để có kết quả xét tuyển. Tương tự, thí sinh đã tốt nghiệp năm 2015 và muốn xét tuyển vào trường ĐH, CĐ năm 2016 thì thí sinh phải dự kỳ thi của năm 2016 để có kết quả xét tuyển chứ không thể sử dụng kết quả thi từ năm 2015. Còn môn thi thì phụ thuộc vào ngành, trường em muốn thi vào.
Ông Đỗ Thanh Duy, Trưởng phòng Quản lý thi và công nhận văn bằng Bộ GD-ĐT - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
"Bí quyết" làm bài thi

Cái khó ló cái khôn
* Một phụ huynh đặt câu hỏi với Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: "Đến kỳ thi là con tôi lại bị căng thẳng. 6 giờ thi nhưng từ 4 giờ đã thức dậy khiến cha mẹ cũng thức theo. Vào phòng thi, con cũng không đủ sức khỏe để làm bài thi cho tốt. Xin các chuyên gia hãy tư vấn giúp tôi làm sao để khắc phục tình trạng này?"
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Đây là trường hợp hay gặp, một người đi thi cả nhà căng thẳng. Thật ra bước vào kỳ thi, ai cũng có những lo lắng riêng. Có bạn lo không biết mình làm bài có tốt không, có bạn lại lo không biết trên đường đi có gặp trục trặc gì không.
Với những trường hợp này, cái lo đôi lúc cũng có cái lợi bởi nó khiến chúng ta cảnh giác hơn, tập trung hơn, cẩn thận hơn cho kỳ thi. Và lo cái gì thì hãy xử lý cái đó. Lo đường đi thì trước khi đi thi, cả nhà nên cùng bàn bạc xem sáng hôm sau mình đi đường nào để không kẹt xe mà vẫn an toàn.
Lo đề thi, lo thi rớt thì bố mẹ phải làm tâm lý cho con. Hãy giúp con hiểu rằng ba mẹ luôn thương con hơn thương điểm. Ba mẹ hãy giúp con cái trút bỏ gánh nặng điểm số và trách nhiệm với người lớn.
Bên cạnh đó, hãy tận dụng cơ hội này để tăng sức ấm trong gia đình. Chẳng hạn như bố nấu mì gói cho con, 2 bố con cùng ôn bài, đi ăn sáng hay mẹ làm một ly sinh tố, dĩa trái cây để bồi dưỡng cho con... Hãy tận dụng thời gian này để 2 bên có sự kết nố, quan tâm nhau để kỳ thi cũng trở thành một kỷ niệm đáng nhớ với các thành viên trong gia đình.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tư vấn: Năm nay là một kỳ thi với hình thức mới, vì mới nên chúng ta có nhiều nỗi lo. Chúng ta cũng hay hình dung những điều chưa biết trong kỳ thi năm nay, nên các thí sinh hãy nhìn lại chính mình. Đầu tiên kỳ thi không chỉ mới với riêng mình ta mà mới với tất cả các thí sinh. Năm nay đề thi sẽ không quá khó so với các kỳ thi ĐH-CĐ như mọi năm. Còn về việc học chuẩn bị thi, các bạn nên hạn chế tưởng tượng những điều không hay, như lỡ không thi đậu thì sao, bạn bè, gia đình sẽ nhìn mình như thế nào... Thay vào đó, bạn nên tập trung vào việc học và suy nghĩ về phương pháp để học hiệu quả, trong hoàn cảnh hiện tại, "cái khó sẽ ló cái khôn" và mỗi phương pháp sẽ mang lại một hiệu quả khác nhau, nên bạn đừng nhắm mắt ôn thi mà phải tìm ra phương pháp tốt nhất cho việc học của mình.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Còn việc hay bị run, lo sợ khi vào phòng thi, thường là do thí sinh có ấn tượng đối với giám thị. Các bạn nên nhớ giám thị là người bảo vệ mình.
Tiếp theo thí sinh hay tưởng tượng đề thi khó, nên tạo cho mình sự hồi hộp, vì vậy thí sinh nên gạt chúng qua một bên, hình dung những điều tốt đẹp cho mình, tự tin về mình. Và trước đó thí sinh cũng cần chuẩn bị cho mình sức khỏe, năng lượng cho mỗi buổi thi.
Đó là những cách giúp các bạn lấy lại bình tĩnh.
Cuối cùng thạc sĩ Khắc Hiếu đưa ra một ví dụ, như kim cương và than đá khác nhau từ áp lực nén để tạo thành, vì vậy để trí óc bạn trở thành kim cương, thì bạn phải cố gắng dưới áp lực của kỳ thi này.
"Nếu không đủ tiền trang trải, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ"
* Một bạn đọc đặt câu hỏi: Em quê ở tỉnh Hà Nam, đến Hà Nội tham dự kỳ thi THPT quốc gia nhưng không biết liên hệ chỗ nào để tìm được chỗ trọ miễn phí và an toàn? Nếu em đi với người thân thì có được sắp xếp cho người thân của em chỗ ở miễn phí không vì gia đình em cũng thuộc diện khó khăn?
- Chị Chu Hồng Minh: Nếu bạn đi thi một mình, không có nghĩa bạn đơn độc. Có rất nhiều kênh để bạn có thể liên lạc với đội tiếp sức tình nguyện của chúng tôi, ví dụ thông qua các số điện thoại đường dây nóng gồm: 0462 594928, 0462 594918, 0439 369248. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của thí sinh.
Chị Chu Hồng Minh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Sinh viên Việt Nam TP.Hà Nội - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Trả lời một câu hỏi của tình nguyện viên tại hội trường "Năm nay lượng thí sinh rất lớn, nên các tình nguyện viên cần bổ sung kiến thức, kỹ năng gì thêm để đón tiếp thí sinh?", anh Quách Hải Đạt, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM cho biết, năm nay số lượng thí sinh tập trung về TP.HCM sẽ rất lớn. Trong khi đó dự kiến tình nguyện viên của TP.HCM là 9.000 chia ra thành bốn đội hình.
Anh Quách Hải Đạt, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP. HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Vào ngày 16.6, các tình nguyện viên sẽ được tập huấn chung; tiếp đó các đội hình sẽ được cập nhật thông tin cụ thể để giúp thí sinh một cách tốt nhất. Ngoài ra, các tình nguyện viên cũng cần tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết phục vụ cho việc đón tiếp, giúp đỡ thí sinh một cách tốt nhất.
Trước những thắc mắc về việc di chuyển từ bến xe đến nhà trọ hay địa điểm thi, anh Quách Hải Đạt, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP. HCM, cho biết ở TP.HCM, các tình nguyện viên sẽ túc trực ở 3 bến xe. Nếu thí sinh đi từ Bình Phước, Vũng Tàu... thì có thể đến Bến xe miền Đông; từ Tây Ninh thì đến Bến xe Tây Ninh; từ Long An thì đến Bến xe miền Tây.
Tại các bến xe này sẽ luôn có các tổ tiếp sức mùa thi túc trực từ ngày 14.6 đến 30.6. Nếu thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí trong túi không đủ tiền để đi xe về nhà trọ thì các sinh viên tình nguyện sẽ đưa thí sinh đến địa điểm mà các bạn cần đến và hoàn toàn miễn phí.
"Nếu các bạn thật sự không đủ tiền trang trải trong 4 ngày dự thi, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ tới nơi, tới chốn. Nếu tại bến xe không đủ tình nguyện viên để điều phối thì vẫn có những tuyến xe buýt hỗ trợ miễn phí cho thí sinh. Các bạn hãy tự tin bước lên xe, chúng tôi có những giải pháp giúp bạn yên tâm thi tốt", anh Quách Hải Đạt nói.
* Xin các thầy giải đáp giúp em thắc mắc như sau: Phiếu điểm đầu tiên dùng để xét tuyển Đại học lần 1, vậy 3 phiếu điểm còn lại em có thể nộp cùng một lúc vào 3 trường đại học ở kỳ xét tuyển nguyện vọng bổ sung lần 2 được không? (Minh Nam 19 tuổi, Bến Tre)
- Ông Đỗ Thanh Duy: Theo lịch thi quy định, trước ngày 25.7 sẽ công bố thí sinh trúng tuyển kỳ thi tốt nghiệp THPT. Sau đó, các cụm thi sẽ in giấy báo điểm gửi về thí sinh để thí sinh sử dụng phiếu này tham gia xét tuyển vào ĐH và CĐ. Như vậy trước ngày 1.8 thí sinh sẽ nhận được 4 giấy chứng nhận kết quả thi, trong đó nguyện vọng 1 thí sinh có 20 ngày để tham gia xét tuyển. Theo quy chế, cứ 3 ngày 1 lần trường sẽ công bố thông tin xét tuyển trên trang web để thí sinh có cơ sở cân nhắc khả năng trúng tuyển vào ngành, trường nào để nộp hồ sơ. Trong khoảng thời gian 20 ngày này, thí sinh được quyền rút hồ sơ để nộp vào ngành, trường khác khi thay đổi nguyện vọng. Cũng ngay trong nguyện vọng 1, thí sinh có thể đăng ký 4 ngành vào 1 trường và phần mềm tuyển sinh sẽ hỗ trợ xét trúng tuyển qua từng nguyện vọng.
Các trường được phép tự chủ về tuyển sinh, tổ chức các kỳ kiểm tra bổ sung như phỏng vấn, kiểm tra năng khiếu, bài viết luận, xét học bạ ở bậc phổ thông...
* Vậy các trường có tổ chức thi các môn đã tổ chức thi trong kỳ thi THPT quốc gia hay không? (Thanh Hải, 18 tuổi, Đắc Lắk)
- Ông Đỗ Thanh Duy: Về các đề án tuyển sinh riêng theo hình thức xét tuyển học bạ, các trường không được xét thí sinh có điểm trung bình học bạ dưới 6.0 (bậc ĐH) và dưới 5.5 (bậc CĐ). Tùy theo đề án tuyển sinh từng trường mà hình thức xét tuyển không giống nhau về môn học, số học kỳ, điểm số… Thông tin cụ thể, thí sinh có thể xem trên trang web của từng trường.
Phòng mất cắp, cướp giật, thí sinh không nên mang nữ trang đắt tiền
Quay lại với công tác tình nguyện viên, một bạn đọc hỏi: "Ở nhà trọ miễn phí nhưng mất đồ, vậy em xin hỏi em có thể liên lạc với ai khi sự việc tương tự xảy ra. Ngoài ra nhiều thí sinh cũng lo ngại tình trạng cướp giật tại TP.HCM, Hà Nội?". 
Về tình trạng này, anh Quách Hải Đạt thông tin: Đầu tiên phụ huynh hãy yên tâm để con em đi một mình vì tại TP.HCM đã có chúng tôi, những sinh viên, tình nguyện viên bảo đảm an toàn, thuận tiên nhất cho thí sinh. Còn phụ huynh không an tâm thì nên bố theo con trai, mẹ theo con gái để thuận lợi cho việc giới thiệu chỗ trọ miễn phí, hay nhà trọ giá rẻ. Những nhà trọ được giới thiệu là những nơi đã được đăng ký bảo đảm an toàn. Ngoài ra những nơi đông thí sinh ở sẽ có tình nguyện viên túc trực giúp thí sinh. Đăc biệt phụ huynh, thí sinh đến TP.HCM dự thi không nên mang quá nhiều tư trang có giá trị, mà mang theo kinh phí vừa đủ cho thí sinh dự thi. Những trường hợp bị mất cắp, cướp giật, điều đầu tiên các phu huynh, thí sinh liên lạc với các số điện thoại được cung cấp, các điểm tình nguyện viên... Chúng tôi sẽ giúp sức mọi việc để thí sinh có thể nhanh chóng làm các thủ tục để được dự thi.
Cũng như TP.HCM, tại Hà Nội, chị Chu Hồng Minh cho hay, công tác bảo đảm an ninh đang được tăng cường, tại Hà Nội có một đội hình bảo đảm an ninh của công an TP.Hà Nội, các sinh viên tình nguyện của học viện Cảnh sát Nhân dân. Đây là lực lượng trợ giúp các bạn lúc nào các bạn cần. Sắp tới tại Hà Nội sẽ cung cấp 8 đường dây nóng để bất cứ lúc nào cũng có thể theo sát hỗ trợ các bạn trong mọi vấn đề. Các bạn cũng nên không mang theo nữ trang đắt tiền, tài sản có giá trị vì trong hoàn cảnh quá đông người rất dễ xảy ra mất cắp, cướp giật.
Một bạn đọc Quảng Bình nhờ chương trình tư vấn cách giảm căng thẳng, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và phân bổ thời gian thế nào để ôn luyện đạt hiệu quả.
Trong khi đó, một bạn đọc ở Bình Phước cho biết mình có học lực khá và dự định thi vào Đại học Nông lâm TP.HCM, đã ôn rất kỹ nhưng thời gian gần đây bỗng dưng lúc nào cũng cảm thấy lo lắng. Thí sinh này đặt câu hỏi làm sao để vượt qua tình trạng này.
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu đã hỏi những người có mặt tại buổi tư vấn rằng nếu có một cái chậu và những vật bao gồm: cát, đá và sỏi, bạn sẽ bỏ cái gì vào trước? Và kết quả mà thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu đưa ra là bỏ đá trước, kế đó là sỏi và cát.
"Chiếc chậu này chính là quỹ thời gian của chúng ta. "Đá" là những việc cực kỳ quan trọng. Với các thí sinh bây giờ, đó là việc ôn bài, còn "sỏi", "cát" là những việc lặt vặt như lướt Facebook, chơi game, xem phim... Vì thế, hãy ưu tiên xử lý "đá" trước, tập trung giải quyết những bài học mà mình cần phải học bằng cách mỗi sáng thức dậy, bạn hãy liệt kê những việc sẽ giải quyết trong ngày. Nên lập kế hoạch ôn bài một cách cụ thể bởi có kế hoạch quản lý thời gian tốt thì sẽ không bị xao nhãng, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến chuyện ăn, ngủ, giải trí.
Bên cạnh đó, giai đoạn học thi này khiến nhiều thí sinh dễ gặp căng thẳng. Các bạn cần phải xác định mình căng thẳng, lo lắng vì nguyên nhân gì. Nếu áp lực thì hãy tâm sự với bố mẹ về áp lực mình gặp phải. Nếu căng thẳng do mệt mỏi thì hãy thay đổi nếp sinh hoạt, ăn uống. Nếu căng thẳng vì thiếu động lực thì hãy tìm cho mình một hoặc nhiều động lực.
* Em đã đăng ký cụm thi số 2 ở Sở Giáo Dục TP.HCM, giờ em muốn đổi sang cụm thi số 14 do trường ĐH Tôn Đức Thắng tổ chức có được không? Thủ tục như thế nào? (Một bạn đọc tên Hùng, ở TP.HCM).
* Em đã đăng ký dự thi 4 môn: Văn, Toán, Anh Văn, Lý, Nay em muốn thay môn Lý thành môn hóa có được không? Thủ tục ra sao? (Tuấn Minh, Phú Yên).
* Hồ sơ em đã làm và nộp nhưng em mới phát hiện có sự nhầm lẫn sai sót thì giờ em phải làm sao để kịp thời chỉnh sửa. Cụ thể là em ghi sai mã ngành, tên mã trường. Em mong thầy tư vấn giúp em (Cao Anh Nhân, Vũng Tàu)
Trả lời cho những câu hỏi nêu trên, ông Đỗ Thanh Duy nói: Đến thời điểm này việc đăng ký hồ sơ dự thi đã hoàn tất, các cụm thi đang chuẩn bị công tác tổ chức thi như xếp phòng thi, đánh số báo danh… Vì vậy, không thể đáp ứng được nguyện vọng thay đổi cụm thi và môn thi của thí sinh trong thời điểm này. Tuy nhiên, các sai sót trong quá trình khai hồ sơ về thông tin cá nhân, quy chế quy định thí sinh được chỉnh sửa vào buổi làm thủ tục dự thi ngày 30.6.
Mời các bạn xem clip buổi trực tuyến:
 
 





Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.