Từ đồng lúa tới SEA Games

24/04/2015 10:14 GMT+7

Nhắc đến những cặp đôi anh em trong làng thể thao, không thể không nhắc đến Quách Công Lịch và Quách Thị Lan ở xã Ngọc Liên, H.Ngọc Lặc, Thanh Hóa.

Nhắc đến những cặp đôi anh em trong làng thể thao, không thể không nhắc đến Quách Công Lịch và Quách Thị Lan ở xã Ngọc Liên, H.Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Từ những thanh niên vất vả sớm hôm với đường cày, cả hai đã trở thành những vận động viên (VĐV) sáng giá của điền kinh VN. 

2 anh em Lan và Lịch liên tiếp giành được các huy chương điền kinh trong nước và các giải quốc tế 2 anh em Lan và Lịch liên tiếp giành được các huy chương điền kinh trong nước và các giải quốc tế - Ảnh: nhân vật cung cấp
Dấu ấn của 2 anh em nhà họ Quách chính là năm 2012, tại giải Vô địch Quốc gia (VĐQG) điền kinh, Lan nổi lên với thành tích 400 m rào còn Lịch được người ta nhớ đến tên với một đôi chân cừ ở nội dung 400 m nam.
Quách Thị Lan sinh năm 1996, Quách Công Lịch hơn em 2 tuổi nhưng đến điền kinh sau Lan. Lớn lên trong một gia đình nông nghiệp nhiều khó khăn, 2 anh em Lịch và Lan đều phải sớm hôm cấy cày, trồng lúa, chăm sóc rừng keo phụ giúp bố mẹ. Lúc đầu, cả 2 đều không được bố mẹ ủng hộ theo thể thao, tuy nhiên, trước sự quyết tâm của các con, bố mẹ đành chiều theo.
Năm 2009, khi đang học lớp 9 tại Trường THPT Nội trú tỉnh Thanh Hóa, Lan được chọn đi thi điền kinh năng khiếu của tỉnh. Thương con vất vả, không biết tương lai sẽ ra sao, bố mẹ Lan một mực phản đối, các HLV của tỉnh phải về tận nhà thuyết phục, Lan mới được lên tỉnh theo điền kinh.
Còn Lịch, khi đang học lớp 11 Trường THPT Bắc Sơn thì được chọn lên tham gia đội tuyển điền kinh năng khiếu tỉnh, sau một vài lần tham gia các giải nội dung nhảy cao. Lần này, bố mẹ Lịch kịch liệt phản đối vì cho rằng nhà đã có một cô con gái theo thể thao là quá đủ, Lịch phải thi đỗ đại học vì ít nhất, 11 năm liền anh là học sinh tiên tiến. Nhưng rồi, khi nghe con trai khẩn khoản xin được sống với ước mơ, niềm yêu thích của mình, bố mẹ đành thở dài đồng ý. Ngay lập tức, Lịch ngừng học phổ thông, tạm gác lại ước mơ đại học của mình và cũng là hi vọng của cả gia đình, để theo “nghiệp” điền kinh.
Rất may mắn, sau khi lên đội tuyển năng khiếu của tỉnh, Lịch và Lan đều được ra Trường đại học Thể dục thể thao Từ Sơn (Bắc Ninh) tập huấn, 2 anh em sớm chứng tỏ được khả năng và được vào tuyển trẻ Quốc gia.
Đến bây giờ, khi nhớ lại những quãng thời gian dài tập luyện bên đường chạy đến xô đổ rào, chảy máu, bầm tím chân tay, Lịch và Lan vẫn biết ơn điền kinh, vì đã cho 2 anh em một cuộc đời thứ 2. “Nếu không có điền kinh, chắc chúng tôi vẫn đang là những thanh niên ngày đêm mải miết bên ruộng lúa, rừng keo, chân lấm tay bùn mà chưa biết tương lai ra sao”.
Nhắc đến Lan và Lịch, người ta nhớ đến những Huy chương Vàng (HCV) đầu tiên của 2 anh em trong màu áo tuyển trẻ tại giải VĐQG điền kinh 2012. Với 57 giây 36 nội dung 400 m rào, giành HCV, Lan phá kỷ lục trước đó 10 năm của VĐV Nguyễn Thanh Hoa (57 giây 97), vượt thành tích HCV SEA Games 26 và tương đương HCĐ ASIAD. Không chỉ dừng lại ở đó, cô gái 16 tuổi lúc đó tiếp tục giành thêm HCV ở nội dung 400 m. Không kém cạnh em gái, Lịch cũng giành HCV nội dung 400 m nam.
Khi sang Malaysia tập huấn, cả 2 anh em tham gia giải vô địch điền kinh Malaysia mở rộng và khiến thể thao VN nở mày nở mặt. Quách Thị Lan được HCV nội dung 400 m rào nữ và Huy chương Bạc (HCB) 400 m nữ. Quách Công Lịch giành HCB nội dung 400 m nam. ASIAD 17 vừa qua, kỳ ASIAD đầu tiên tham dự, cô gái xứ Thanh cũng mang về 1 HCB mà quý như vàng cho đoàn thể thao VN.
Hai anh em Lịch còn rất trẻ, họ vẫn không hài lòng với thành tích của chính mình, trước mắt là SEA Games 2015 đầy thử thách. Quách Thị Lan đang được đi tập huấn tại Mỹ và là VĐV duy nhất của VN được Tổng cục thể dục thể thao cùng địa phương tài trợ toàn bộ chi phí. Những ngày này của cô gái 19 tuổi bận rộn hơn, hạnh phúc hơn. Cô đang úp mở chuyện tình yêu, những kỷ niệm ngọt ngào ở VN đang là chất xúc tác để “nữ hoàng tốc độ” thể hiện mình tốt nhất ở những chặng đua sắp tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.