Truân chuyên khi người khuyết tật yêu

19/02/2012 11:18 GMT+7

Yêu và được yêu với không ít người khuyết tật lại là món hàng xa xỉ. Nỗi mặc cảm và những định kiến khắc nghiệt đã ngăn cản họ đến bến bờ hạnh phúc.

Yêu và được yêu với không ít người khuyết tật lại là món hàng xa xỉ. Nỗi mặc cảm và những định kiến khắc nghiệt đã ngăn cản họ đến bến bờ hạnh phúc.

 
Đôi uyên ương Trường - Hương ngập tràn hạnh phúc bên thiên thần nhỏ Minh Thư - Ảnh: T.BÌNH

Đứng trước dốc tình cao ngất, các “tay đua” không chỉ cần sức mạnh, niềm tin, sự kiên trì mà đôi khi còn cần cả sự liều lĩnh.

Muôn trùng rào cản

Đến bây giờ Hồng L. (28 tuổi) vẫn còn khắc khoải với mối tình sinh viên ngày ấy. Ngày tốt nghiệp, chàng hỏi: “Em có chịu khổ cùng anh suốt đời?”. Lần đó, lo rằng mình không có đôi chân lành lặn sẽ không mang đến hạnh phúc cho người yêu nên L. trả lời: “Đời em khổ nhiều rồi, giờ không muốn khổ thêm nữa”. Nhớ lại chuyện cũ, L. tâm sự: “Tôi đã không cho mình cơ hội để yêu anh”.

Cũng như L., nhiều chàng trai, cô gái khuyết tật đã không dám đến với tình yêu của mình. Trong lá thư gửi đến chương trình “Gửi người tôi yêu” (do Trung tâm Khuyết tật & phát triển TP.HCM tổ chức), một chàng trai đã viết: “Khánh sợ sự thật phũ phàng là Hy sẽ từ chối tấm chân tình của Khánh. Bởi yêu và được yêu đối với một người khuyết tật như Khánh có khi chỉ là tình yêu ảo ảnh mà thôi”.

Tình yêu của người khuyết tật còn chịu nhiều rào cản khác đến từ những định kiến khắc nghiệt. Bạn Mai Th. (24 tuổi) chia sẻ chuyện của mình: “Anh ấy chẳng dám công khai tình cảm nồng nàn với mình trước mọi người. Thậm chí anh còn e dè giữ khoảng cách với mình nếu đi chơi cùng bạn bè”. Và việc họ chia tay nhau, theo Th., chính là vì tình yêu không đủ lớn để giúp chàng vượt qua được rào cản tâm lý có người yêu khuyết tật.

Nhưng đáng sợ nhất chính là rào cản từ phía gia đình. Theo lời kể của anh Thành Tr. (quận 12), gia đình người yêu đã dùng những lời khó nghe nhất dành cho anh khi biết một người khuyết tật nặng như anh yêu con gái họ. Anh Tr. tâm sự: “Đến nay mình đã chịu đựng 11 năm rồi, nhưng không biết đến khi nào bọn mình mới được thành đôi”.

Phải liều mới mong đến đích

Đôi bạn Lê Văn Trường - Nguyễn Thị Thanh Hương quen nhau trong một lớp học tiếng Anh. Khi đó, Trường đã là kỹ sư CNTT, có việc làm ổn định, còn Hương vẫn còn là cô SV năm cuối. Học chung được sáu tháng, họ bắt đầu có tình cảm với nhau. Gắn bó thêm vài tháng nữa thì Trường “xin được làm người ấy của em”. Nhớ về khoảnh khắc hồi hộp đó, anh tâm sự: “Người ta tỏ tình khi chắc thắng 80%, còn mình chỉ dám chắc 50% thôi do mình là người khuyết tật”.

Ngại gia đình không chấp nhận nên đôi bạn rút vào yêu... bí mật. Đến khi biết chuyện, mẹ Hương bình thường rất thương con gái cũng lôi Hương ra đánh mắng, dùng những lời nặng nhẹ để “đuổi” chàng trai khuyết tật.

Trường chủ động chia tay Hương trong nước mắt. Nhưng họ vẫn âm thầm quan tâm đến nhau. Một năm sau đó, Trường lại nói lời yêu Hương. Lần này cô gái hỏi lại: “Anh có chắc đủ sức vượt qua khó khăn?”. “Bây giờ không có gì quan trọng bằng tình yêu của anh dành cho em” - Trường tự tin nói.

Để vượt qua sự ngăn cản của gia đình Hương, họ quyết định tự đăng ký kết hôn và tổ chức đám cưới. “Cô ấy vì yêu tôi mà dám vượt qua vòng lễ giáo, với tôi đó không chỉ là chữ tình mà còn là chữ nghĩa” - Trường bộc bạch. Sau đám cưới, đôi bạn mất thêm vài tháng năn nỉ mới được gia đình Hương tha thứ. Ba tháng trước, bé Lê Nguyễn Minh Thư đã chào đời trong niềm vui ngất ngây của đôi uyên ương “liều mạng”. Ông bố trẻ chia sẻ: “Muốn vượt qua những định kiến thì bản thân người khuyết tật cần thay đổi trước, phải tự tin hòa nhập cuộc sống”.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.