Trồng hoa trên sỏi đá

26/02/2011 18:08 GMT+7

Sau bao ngày tháng nhọc nhằn, giờ đây những bông hoa đầu tiên của Điệp nở rộ trên vùng đất ngỡ đã chết vì bom đạn chiến tranh.

Trần Ngọc Điệp (SN 1982, thôn Hà Trung, xã Gio Châu, H.Gio Linh, Quảng Trị) là chàng trai có niềm đam mê khá nữ tính là… hoa. Mùa hoa tết đã qua, nhưng "trang trại" hoa của anh vẫn còn nhiều sắc xuân lắm, bao nhiêu loài hoa cùng đua nở. Lẫn trong từng luống hoa thấp cao, Điệp chạy ra bắt tay chúng tôi rồi xuề xòa: "Nhà nông mà, lem lem một tí, anh chị thông cảm…".


Với niềm tin sẽ trồng được hoa trên vùng đất một thời đạn bom, Trần Ngọc Điệp đã thành công - Ảnh: N.Phúc

Gặp anh, ít ai nghĩ chàng trai đen nhẻm này từng là nhân viên "nhà đèn". "Năm 2003, mình được tuyển dụng làm việc tại Công ty điện lực III (Đà Nẵng), được một thời gian thì chuyển lên Lâm Đồng…", Điệp kể. Và có lẽ chính lần đi xa ấy thực sự là một bước ngoặt trong cuộc đời anh. Vốn yêu cái đẹp, anh cũng chẳng rõ mình đã "phải lòng" những loài hoa tươi tắn nơi vùng cao nguyên ấy tự bao giờ. Chỉ biết, nó đủ lớn để anh bỏ ngang công việc rồi về quê với khát khao được gieo những hạt mầm hoa nơi vùng đất sỏi đá của quê hương mình. Để chuẩn bị kiến thức, anh đã nán lại TP hoa Đà Lạt một thời gian để tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm hoa. "Mọi việc quả không đơn giản. Mấy năm đầu về quê, tôi như ăn ngủ với hoa, thậm chí không còn thời gian để yêu đương, nhưng thất bại vẫn nối thất bại. Lúc thì hoa chết, lúc thì sống nhưng nó oặt ẹo và chẳng đẹp tí nào. Nhiều người đã khuyên tôi bỏ cuộc", Điệp hồi tưởng khi đan đôi tay còn lấm đầy bùn đất vào nhau.

"Là người trẻ, nếu cứ lo sợ và cuộn tròn như ốc sên để sống thì dễ, nhưng nếu đã ước mơ thì hãy sống hết mình vì điều đó, đừng nhụt chí. Thất bại của quá khứ là cơ hội của tương lai"

Trần Ngọc Điệp

Thèm một lần được nhìn thấy hoa nở trên vùng đất đạn bom, Điệp khăn gói trở lại thành phố hoa, tìm gặp những người có kinh nghiệm ở Viện Di truyền hoa Đà Lạt để hỏi cho ra nhẽ. Rồi anh cũng ngộ ra một điều rằng, khí hậu và thổ nhưỡng ở Đà Lạt và cái xóm nhỏ quê anh quá khác biệt, thật "bất khả thi" để áp dụng rập khuôn cách trồng hoa ở thiên đường hoa với nơi gió Lào, đất cát đầy sỏi đá và nắng mưa khôn lường này.

Quá khó để tin rằng, khi trở về Điệp lại tiếp tục trồng hoa. Và càng khó tin hơn, khi với vốn liếng kiến thức ít ỏi có được, anh đã trồng thử nghiệm gần 200 loài hoa của nhiều vùng để chọn ra được 27 loài phù hợp, sống được trên đồng đất quê anh. Từ đầu năm 2009, Điệp bắt đầu mày mò cách trồng hoa cho riêng mình với nhiều kỹ thuật tân tiến như khống chế ánh sáng bằng nhà lưới, đưa vào sử dụng hệ thống phun sương để tạo độ ẩm. "Nhưng dù có áp dụng công nghệ hiện đại tới đâu thì điều quan trọng nhất vẫn là quá trình chăm sóc. Ví như đứa con mình sẽ khó phát triển bình thường nếu như ta chỉ cho ăn mà không dành một chút tình thương" - Điệp nói.

Hiện nay, ngoài những loài hoa thông thường như cúc, lay-ơn, vạn thọ…, Điệp còn trồng thành công hoa ly và hoa đồng tiền Hà Lan. Điệp khoe rằng với hơn 2.000 chậu hoa các loại, anh đã thu về hơn 200 triệu đồng trong dịp Tết Tân Mão vừa rồi. Với Điệp, cái tết đã qua hết sức ấm áp, trọn vẹn. Giờ đây anh vẫn đang miệt mài bên những chậu hoa mới với sức sống, niềm tin mãnh liệt hơn.

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.