Tình nguyện ra Trường Sa làm việc

04/07/2012 10:46 GMT+7

Tròn một năm kể từ khi Ngô Thị Thanh (SN 1986, ở xóm Bãi, thôn Vân Hội, Phong Vân, Ba Vì, Hà Nội) viết đơn tình nguyện ra Trường Sa làm việc. Vẫn nuôi khát vọng, nhưng một cô gái ra Trường Sa làm việc không đơn giản như Thanh nghĩ.

Từ tình yêu người lính

Khi còn nhỏ, Thanh được bố là sỹ quan quân đội nghỉ hưu kể cho nghe những chuyện về người lính.

Giọng kể say sưa của bố có sức hút kỳ lạ, khiến Thanh chỉ thích tìm sách, báo về người lính, nhất là lính biên phòng, hải quân để đọc. Tốt nghiệp trung học, Thanh đăng ký dự thi Học viện Báo chí tuyên truyền để nuôi ước mơ làm nhà báo quân đội, nhưng thiếu điểm, đành phải chọn lối rẽ khác.

 Tình nguyện ra Trường Sa làm việc
Thanh bên tập ký cùng những tặng phẩm của lính đảo Trường Sa

Tốt nghiệp trung cấp, Thanh tiếp tục theo học hệ cao đẳng ngành quản trị nhân lực Đại học Lao động Xã hội. Ngoài giờ học, Thanh thường lên mạng tìm hiểu và viết nhiều về người lính.

Thanh bỗng nổi tiếng với lính đảo và có gần trăm lá thư của người lính gửi về làm quen sau bài “Viết cho người tôi yêu” viết về những người lính Trường Sa được đăng trên báo Hải Quân cuối năm 2009. Từ đó mỗi lần lên mạng thì từ khóa quen thuộc mà Thanh gõ là Trường Sa.

Tình yêu ấy cứ lớn dần và trở thành một khao khát cháy bỏng khi Thanh xem được đoạn phim tài liệu về sự hi sinh anh dũng của 64 người lính hải quân trong trận Hải chiến Trường Sa.

Thanh đã khóc, đã trăn trở nhiều ngày và lóe lên quyết định: “Ra trường sẽ viết đơn tình nguyện ra công tác ở Trường Sa!”.

Khát vọng đến Trường Sa

Tình yêu Trường Sa, khát khao đến với Trường Sa thôi thúc cô gái đất Ba Vì có mong ước được ra đó làm việc. Giữa tháng 7 - 2011, Thanh viết lá đơn tình nguyện nói rõ khao khát được cống hiến cho Trường Sa.

Gửi ước mơ, khát vọng ấy đi, Thanh chỉ biết chờ đợi. Cũng trong thời gian này, Thanh kịp hoàn thành hai tập truyện ngắn viết cho Trường Sa cùng một tập ký “Em kể anh nghe chuyện đất liền” với hơn 100 trang viết tay, 170 trang đánh máy.

Để có tư liệu, cảm xúc về Trường Sa, Thanh thường xuyên trao đổi, trò chuyện qua điện thoại với chiến sĩ hải quân tên Quỳnh, người được mệnh danh là Cuốn bách khoa sống của Trường Sa.

Ở tập ký này, Thanh đã “nhập vai” là cô gái có người yêu đang công tác ở Trường Sa để nói được những tâm tư, nguyện vọng cùng tình yêu, khát khao đến với Trường Sa.

Đặc biệt, nhiều phần trong tập ký của Thanh đã được phát trên chương trình “Tâm tình nơi biên giới hải đảo” của hệ VOV1 (Đài Tiếng nói Việt Nam). Tình yêu và khát vọng tới Trường Sa đã giúp Thanh đạt giải ba trong cuộc thi “Trường Sa trong lòng Tổ quốc” do Truyền hình KTS VTC tổ chức với truyện ngắn “Giấc mơ đến từ tương lai”.

Với Thanh, hạnh phúc nhất là tình yêu Trường Sa của mình được lan tỏa trong bạn bè, người thân. “Không viết được như mình nhưng nhiều bạn bè khi đọc được những trang viết ấy đã nhắn tin, gọi điện “Góp đá xây Trường Sa” và bắt đầu tìm hiểu về Trường Sa, biển đảo”.

Ra trường, Thanh hy vọng đúng ngày sinh nhật tròn 25 tuổi sẽ được ra Trường Sa dạy học. Giấc mộng không thành và cô đã khóc khi nhận được thông báo hiện Trường Sa không tuyển nữ, nếu có và đặc biệt lắm cũng phải là người đã có gia đình và hộ khẩu ở Khánh Hòa.

Trong thời gian tới, Thanh sẽ tiếp tục viết tiếp phần 2 của “Em kể anh nghe chuyện đất liền” bằng cách ghi lại những chuyến hành trình tưởng tượng qua từng hòn đảo, bãi đá ở Trường Sa.

Cô còn bật mí sẽ vào Khánh Hòa tìm việc và mong có ngày được ra Trường Sa. “Khi viết, mình chỉ khao khát làm được một cái gì đó cho Trường Sa, được nói thay lời của những bạn trẻ yêu Trường Sa và khát vọng được bảo vệ chủ quyền biển đảo. Xa hơn, mình mong được in tập ký này để gửi đến tất cả các đảo và điểm đảo ở Trường Sa. Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó, chỉ riêng mình thì không dễ”, Thanh cho hay.

Theo Duy Ngợi / Tiền Phong

>> Phó chủ tịch xã trẻ nhất Trường Sa
>> Trao tặng 90 huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa”
>> Thêm nước ngọt cho Trường Sa
>> Đem mưa đến Trường Sa
>> Triển lãm ảnh đầu tiên tại Trường Sa
>> Trường Sa trong trái tim sinh viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.