Tiếp sức cho công nhân

11/05/2015 06:21 GMT+7

Chương trình Tiếp sức thanh niên công nhân diễn ra tối 9.5 tại khu công nghiệp Nội Bài (H.Sóc Sơn, Hà Nội), Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Nguyễn Đắc Vinh và đại diện các bộ, ngành đã có buổi giao lưu với thanh niên công nhân, lắng nghe họ trải lòng về cuộc sống.

Chương trình Tiếp sức thanh niên công nhân diễn ra tối 9.5 tại khu công nghiệp Nội Bài (H.Sóc Sơn, Hà Nội), Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Nguyễn Đắc Vinh và đại diện các bộ, ngành đã có buổi giao lưu với thanh niên công nhân, lắng nghe họ trải lòng về cuộc sống.

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh trả lời câu hỏi của công nhân - Ảnh: Ngọc ThắngBí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh trả lời câu hỏi của công nhân - Ảnh: Ngọc Thắng
“Tôi muốn đi học nghề, Đoàn có cách nào giúp đỡ ?”
Mở đầu phần giao lưu, Bùi Văn Tuyển, công nhân làm việc tại Công ty Zoki, chia sẻ doanh nghiệp khi tuyển dụng chỉ thông báo tuyển lao động phổ thông. Khi được chọn, công ty đào tạo ngắn hạn trong 2 tháng rồi giao việc. Nếu đi học nghề cần tới 2 năm, tốn kém tiền bạc trong khi công ty đào tạo 2 tháng đi làm đã kiếm được tiền nên nhiều người không quan tâm đến học nghề. Thế nhưng khi đi làm mới nhận thấy thiệt thòi. Người có trình độ, chỉ cần có bằng trung cấp nghề thường được đề bạt giữ vị trí tổ trưởng, quản lý, thu nhập luôn cao hơn. Tuyển hỏi: “Công nhân có nên đi học nghề để được thăng tiến, thành đạt?”.
Tôi muốn đi học nghề để chuyển đổi công việc nhưng rất khó vì không có tiền lo học phí. Đoàn có cách nào giúp đỡ?
Vũ Ngọc Ánh
Công nhân Công ty Spendex

Đáp lại suy nghĩ mộc mạc và tiếp thêm ý chí cho Tuyển, anh Nguyễn Đắc Vinh cho rằng: “Không riêng gì công nhân, học tập là quá trình liên tục suốt đời của mỗi người. Nếu có khả năng, mỗi bạn hãy nghiên cứu chọn cho mình một nghề phù hợp. Còn hiện tại với công việc ở công ty dù đã qua đào tạo cơ bản, mỗi công nhân cần chủ động học tập những kỹ năng cần cho công việc hằng ngày. Học từ những đồng nghiệp để nâng cao trình độ tay nghề, làm việc sáng tạo cho ra sản phẩm chất lượng tốt nhất, năng suất lao động cao nhất để có thu nhập cao”.
Có cùng trăn trở về học nghề, nữ công nhân Vũ Ngọc Ánh (Công ty Spendex) cho rằng lương trung bình công nhân mỗi tháng hiện chỉ trên 3 triệu đồng, để có đủ tiền trang trải cuộc sống, nhiều người chấp nhận làm việc cật lực, tăng ca. “Tôi muốn đi học nghề để chuyển đổi công việc nhưng rất khó vì không có tiền lo học phí. Đoàn có cách nào giúp đỡ?”, Ánh hỏi.
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn cho biết Đoàn đã có nhiều mô hình hỗ trợ như tặng vé tàu xe dịp tết, đám cưới tiết kiệm, miễn phí… nhưng vẫn không đáng kể so với nhu cầu thực tế của công nhân. Học nghề trang bị kế sinh nhai ổn định cuộc sống là nguyện vọng chính đáng của nhiều công nhân. “Chính phủ đang có nhiều chính sách khuyến khích thanh niên, sinh viên học nghề. Các bạn hãy liên hệ với tổ chức Đoàn, Hội tại nơi mình đang ở để được tư vấn, hỗ trợ”, anh Đắc Vinh nói.
Làm gì để bảo vệ quyền lợi cho mình ?
Công nhân đặt câu hỏi giao lưu
Công nhân đặt câu hỏi giao lưu
Công nhân Nguyễn Văn Nam trực tiếp đặt câu hỏi cho ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội: “Doanh nghiệp thực hiện không đầy đủ các chế độ bảo hiểm, công nhân phải làm những gì để bảo vệ quyền lợi cho mình theo đúng quy định của pháp luật?”.

Chính phủ đang có nhiều chính sách khuyến khích thanh niên, sinh viên học nghề. Các bạn hãy liên hệ với tổ chức Đoàn, Hội tại nơi mình đang ở để được tư vấn, hỗ trợ

Nguyễn Đắc Vinh
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là trụ cột trong toàn bộ chính sách về an sinh xã hội. Theo quy định, lao động có hợp đồng từ 3 tháng trở lên, chủ sử dụng lao động phải đóng các khoản nói trên cho người lao động. Tổ chức Công đoàn có trách nhiệm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động hoặc đại diện người lao động khởi kiện ra tòa nếu người sử dụng lao động không tuân thủ các quy định của pháp luật.
Ông Lợi nhấn mạnh: “Ngay cả khi doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn thì Công đoàn cấp trên cơ sở phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Các bạn hãy ghi nhớ để liên hệ trong trường hợp quyền lợi lao động của mình bị xâm phạm, ảnh hưởng”.
Cũng tại chương trình giao lưu, nhiều công nhân xa quê lên tiếng phản ánh bức xúc khi tham gia giao thông. Một công nhân quê ở Nghệ An bày tỏ: “Mỗi lần về quê, đặc biệt là dịp lễ, tết không đi thì không có xe, còn đi thì chịu cảnh nhồi nhét, chèn ép… Có cách nào để thông báo đến cơ quan chức năng?”.
Chia sẻ những khó khăn của công nhân, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho rằng nếu mỗi hành khách đều có ý thức phản ánh sẽ giúp cơ quan chức năng xử lý kiên quyết xe khách chở quá tải. Ông Hùng nói: “Nếu gặp trường hợp này, hãy báo trực tiếp theo số điện thoại đường dây nóng 0997175777, cụ thể về biển số xe, địa bàn xe đang đi… để can thiệp xử lý”. Ông Hùng còn nhắc thêm: “Khi nhà xe cố tình nhồi nhét, chèn ép, chặt chém giá vé nếu gọi điện sẽ nguy hiểm, các bạn chỉ cần nhắn tin tên nhà xe, biển số xe, nơi xe đang đi. Khi nhận được tin, chúng tôi sẽ chuyển ngay cho CSGT, cơ quan chức năng ở địa phương nơi xe đang di chuyển hoặc cấp giấy phép kinh doanh để xử lý”.
Tặng quà cho công nhân nghèo
Dịp này, T.Ư Đoàn tặng 30 suất quà, mỗi suất 1 triệu đồng và 35 xe đạp cho con em công nhân có hoàn cảnh khó khăn ở khu công nghiệp Nội Bài. Trong tháng 5, chuỗi ngày hội Tiếp sức thanh niên công nhân tiếp tục được diễn ra ở các khu công nghiệp, khu chế xuất ở 6 tỉnh, thành phố: Thái Nguyên, Kiên Giang, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Đắk Nông và Bình Phước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.