Thiết bị tìm trẻ lạc

10/02/2011 14:24 GMT+7

Ở trọ sát bên một siêu thị và thường nghe loa thông báo tìm trẻ lạc, một sinh viên (SV) đã nảy sinh ý tưởng nghiên cứu thiết bị giúp phụ huynh quản lý trẻ nhỏ nơi đông người.

Đó là bạn Lê Phú Đông - SV năm thứ ba khoa Điện tử Viễn thông trường ĐH Khoa học tự nhiên (thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM). Khi nghĩ ra ý tưởng trên, Đông đã rủ hai người bạn thân học cùng khoa tham gia là Lưu Vĩnh Phúc và Phạm Thái Hoa Đăng. “Hồi nhỏ, chị ruột em cũng đi lạc khiến mẹ em một phen lo sợ. Vì vậy, em thấy đề tài này rất hữu ích cho nhiều gia đình và cho cả những cô giáo giữ trẻ” - Hoa Đăng nói về lý do gia nhập nhóm nghiên cứu.

Sau khi phác thảo thiết kế bộ phát - thu tín hiệu báo động trẻ lạc, nhóm đã gửi ý tưởng này tham dự cuộc thi S-Ideas (Ý tưởng sáng tạo SV trường ĐH Khoa học tự nhiên năm 2010). Đề tài đoạt giải ba vì kỹ thuật “còn sơ sài và đơn giản” theo nhận xét của nhóm trưởng Phú Đông. Không bằng lòng với kết quả nghiên cứu đầu tay, nhóm tiếp tục tìm tòi và quyết định tận dụng, phát triển tính năng của công nghệ RFID (nhận dạng bằng sóng vô tuyến) có sẵn trên thị trường. “Sản phẩm RFID đã được ứng dụng ở Việt Nam trong việc quản lý xe, kho thực phẩm đông lạnh…

Tuy nhiên, nó chưa được dùng vào việc quản lý trẻ nhỏ nơi đông người. Ý tưởng đề tài dự thi lần này như một giải pháp mới mẻ cho vấn đề bức bối là trẻ bị thất lạc, trẻ bị bắt cóc bằng công nghệ thông minh" - Vĩnh Phúc thuyết trình ý tưởng trước Hội đồng giám khảo vòng chung kết cuộc thi “Ý tưởng Sáng tạo sinh viên” lần thứ nhất - ĐH Quốc gia TP.HCM (đề tài này đã đoạt giải nhất). 

Theo nhóm bạn trẻ, một bộ thiết bị gồm: RFID tag (máy con, có kích thước chỉ vài cen-ti-mét) được đeo trên người đứa trẻ thông qua dây chuyền, lắc, nút áo, trong các con thú bông... Trong khi đó, RFID Reader (đầu đọc) được phụ huynh giữ, có thể làm móc khóa hay móc điện thoại. Sau một thời gian nhất định, nếu không nhận được tín hiệu của máy con hoặc tín hiệu yếu dưới mức xác định nào đó, máy mẹ sẽ lập tức báo động. Tùy loại RFID sử dụng (loại Passive, Active hay Semi-passive) mà khoảng cách nhận - phát tín hiệu gần hoặc xa, bán kính dao động từ 5m đến 300m.

Theo nhóm nghiên cứu, chi phí dự trù cho một bộ sản phẩm làm thủ công (tốc độ không quá cao và cự ly ngắn) ước tính 300 ngàn - 400 ngàn đồng. Hiện các bạn trẻ này đang tìm những nhà đầu tư để biến ý tưởng thành những bộ sản phẩm tối ưu.

Đề cập đến việc SV nghiên cứu khoa học, Hoa Đăng bộc bạch: “SV hãy mạnh dạn thể hiện ý tưởng sáng tạo. Đây là lần đầu tiên mình tham gia nghiên cứu và nhận ra rằng những ý tưởng đặc sắc có khi đến từ những việc gần gũi xung quanh. Quan trọng là chúng ta biết quan sát, phát hiện...”.

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.