Tha hương đi ép dẻo

22/10/2008 19:09 GMT+7

Chưa đến 6 giờ sáng, hàng trăm bạn trẻ hành nghề ép dẻo vội vã rời các khu nhà trọ. Mỗi ngày, bước chân họ phải đi qua biết bao nhiêu con đường, có khi chỉ kiếm được dăm chục ngàn đồng.

Vài người biết, cả làng biết

Nhiều người hành nghề ép dẻo dạo ở khu vực nội thành TP.HCM đều khẳng định nghề này xuất phát từ quê hương của họ - tỉnh Hưng Yên. Anh Văn (làng Tứ Mẫu, xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), với xe ép dẻo gần trường ĐH Bách khoa TP.HCM nói chắc nịch: "Nghề này xuất hiện tại TP.HCM khoảng hơn 2 năm nay. Ban đầu, chỉ có vài người biết, sau đó họ truyền cho người cùng làng, cùng xã biết. Từ đó cứ lan ra...". Anh Văn nói thêm, trước đây, người Hưng Yên chỉ cho nhau nghề cân đo điện tử dạo. Sau này, do nghề ép dẻo mới lạ hơn, thu nhập đỡ hơn nên hiện có trên 100 người đồng hương với anh Văn đã chuyển nghề. Vậy ai là người đầu tiên biết đến nghề ép dẻo dạo? Câu trả lời không rõ ràng. Chỉ biết rằng mỗi khu nhà trọ có vài người đi tiên phong trong nghề. Chẳng hạn, tại khu nhà trọ thuộc tổ 15, P.5, Q.11, TP.HCM, anh Sửu được "bình chọn" là người truyền nghề ép dẻo cho nhiều người Hưng Yên.

Một người ép dẻo dạo khác tên là Nam (quê Hưng Yên) kể: "Để có 5,5 triệu đồng mua máy móc, vợ chồng tôi phải bán hai sào đất ở quê. Bọn tôi thường dùng máy phát điện của Trung Quốc, biết là nhanh hỏng nhưng cũng phải xài vì giá rẻ. Mỗi lần hỏng tốn đến mấy trăm nghìn đồng để sửa chữa". Giá mỗi lần ép dẻo khoảng 6 ngàn đồng (ép mỏng) hoặc 8 ngàn đồng (ép dày). Cũng như nhiều người khác, anh Nam còn tranh thủ bán (hoặc sửa) những vật dụng phụ của mũ bảo hiểm. Anh Nam cho hay, trung bình mỗi ngày anh kiếm được chừng 60 - 70 ngàn đồng. Số tiền này được chi cho nhiều khoản: ăn uống, tiền xăng chạy máy phát điện, tiền trọ. Vào những ngày mưa, chiếc máy ép thường nằm buồn hiu vì ế ẩm. Anh Nam bộc bạch: "Hằng ngày, tôi xúc cơm nguội mang theo, ăn với ít mỡ và nước tương. Nếu không, ăn ngoài đường ít nhất cũng hết 10 ngàn đồng/suất, làm sao còn tiền gửi về nuôi con? Ở Sài Gòn mấy năm rồi nhưng tôi chưa biết bát phở ngon dở thế nào...".

Trong khi đó, những người ép dẻo ở trọ tại Q. Gò Vấp, Q.12... khẳng định nhiều người quê Vĩnh Phúc hoặc Thanh Hóa hành nghề này cũng rất đông, ước chừng có đến trên 200 người. Anh Phong, quê ở tỉnh Vĩnh Phúc, ép dẻo dạo trên đường Phan Văn Trị (Q. Gò Vấp) quả quyết: "Gần ba năm trước, tôi là một trong những người Vĩnh Phúc đầu tiên biết nghề này!".

"Mua được nhà hẵng hay..."

Tối thứ bảy trung tuần tháng 10.2008, chúng tôi theo chân những người ép dẻo quê Hưng Yên về khu nhà trọ trên đường Lạc Long Quân (P.5, Q.11). Khi vợ chồng chị Muốn (24 tuổi) và anh Hưng (26 tuổi) vừa đẩy đồ nghề vào căn phòng trọ rộng chừng 2 x 2,5 m, con bé lớn 6 tuổi xòe tay năn nỉ: "Mẹ ơi! Cho con 500 đồng  mua kẹo!". Chị Muốn thở hắt ra và tuôn một tràng: "Mày đấy nhé! Tiền trường mỗi tháng hết 430 ngàn đồng rồi, làm gì có tiền mà xin 500 với chả 1 ngàn nữa. Hôm nay ế khách, lại bị công an phạt 90 ngàn do đậu ở lề đường, đang rối cả ruột đây... ". Quay sang khách, chị Muốn than: "Cứ mỗi tháng, tiền thuê nhà và tiền trường cho con đã bay đứt trên 1 triệu đồng. Chỉ mong sao chúng nó chăm học, sau này có cái chữ đỡ vất vả". Chị Muốn tâm sự, cũng may ông chủ nhà trọ cảm thông với người nghèo. Nhiều năm nay, ông Trần Văn Hiệp - chủ nhà trọ không tăng giá nhà. Ông cũng "du di" cho những trường hợp đóng tiền trọ trễ hạn. Đặc biệt, chính ông là người chủ động tìm hiểu hoàn cảnh của những cặp vợ chồng "ép dẻo", hỏi thăm việc học hành của con cái họ. "Nhiều người muốn đưa con vào sống chung nhưng lo ngại con họ không đi học được, vì không có hộ khẩu hoặc KT3" - ông Hiệp nói với chúng tôi. Gần đây, ông Hiệp đã cho ba cháu bé nhập KT3 và trực tiếp tiến hành các thủ tục giúp các cháu đến trường.

Trong khu nhà trọ trên, chúng tôi gặp Lộng, vừa tròn 18 tuổi. Năm ngoái, Lộng được bố mẹ cho đi học sửa chữa ô tô. Khi Lộng chuẩn bị thi lấy bằng, bố Lộng (làm nghề cân đo điện tử) chết đột ngột vì lao lực. Trở lại TP.HCM, Lộng phải bỏ dở việc học và quay sang làm nghề ép dẻo dạo. "Em rất muốn học xong cái nghề nhưng mẹ em đang mắc nợ gần 25 triệu đồng, em không còn bụng dạ nào... Khi nào giúp mẹ trả nợ xong, em sẽ đi học lại". Hiện nhà Lộng có đến 6 thành viên "ép dẻo", gồm: Lộng và mẹ, hai chị ruột, hai anh rể.

Thường xuyên ép dẻo ở khu vực cầu Trường Đai (đoạn giáp ranh Q.12), Hùng - 17 tuổi, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc tiết lộ mỗi ngày bạn kiếm được trên 100 ngàn đồng. Gia đình Hùng có ba người làm ép dẻo, cùng ở trọ với những người đồng hương tại P.13, Q.Gò Vấp. Khi được hỏi có ý định chuyển nghề không, Hùng lạc quan: "Không đâu! Lúc nào em dành dụm đủ tiền mua nhà cho bố mẹ rồi hẵng hay!". Với Hùng, không có ngày nào là ngày nghỉ. Và một điều ít ai biết được, mỗi tháng Hùng "ép dẻo" tự nguyện gửi 200 ngàn đồng ra ngoài quê tặng một người khuyết tật, dù người này với Hùng chẳng có họ hàng máu mủ gì.

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.