Tấm gương thi đua yêu nước - Kỳ 2: Giấc mơ MIT

12/06/2013 03:00 GMT+7

Cậu học sinh miền núi Ngô Phi Long, Trường THPT chuyên Sơn La vừa thêm vào “bộ sưu tập” của mình tấm huy chương vàng thứ hai trong tổng số 3 huy chương của các kỳ thi Olympic vật lý châu Á và quốc tế.

Từng giành huy chương bạc châu Á và huy chương vàng quốc tế môn vật lý khi đang là học sinh lớp 11, năm nay Ngô Phi Long tiếp tục đem về vinh quang cho đoàn Việt Nam khi vừa đoạt thêm chiếc huy chương vàng thứ hai.

Trở về sau Olympic vật lý châu Á 2013, nghỉ ngơi được vỏn vẹn một tuần, những ngày này Long lại khăn gói xuống Hà Nội để tập trung cùng đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho kỳ thi Olympic vật lý quốc tế diễn ra đầu tháng 7 tới tại Đan Mạch.

 Nguyễn Phi Long trở về với tấm huy chương vàng Olympic vật lý quốc tế
Nguyễn Phi Long trở về với tấm huy chương vàng Olympic vật lý quốc tế
- Ảnh: L.Đ.Ngọc

Tôi hỏi: “Liệu những tấm huy chương vàng đã nhận được sẽ là áp lực rất lớn đối với Long trong kỳ Olympic sắp tới?”, Long chia sẻ: “Với em, đó vừa là áp lực nhưng lại vừa là động lực. Cả hai điều đó giúp em phải quyết tâm giữ được màu sắc của tấm huy chương trong kỳ thi tới”.

Với 3 tấm huy chương liên tiếp của Long trong hơn 1 năm vừa qua và tràn trề hy vọng về một tấm huy chương sắp tới, khó có thể diễn tả được niềm vui của em, của gia đình và của ngành giáo dục ở tỉnh miền núi xa xôi. Đó là tấm huy chương đầu tiên của tỉnh Sơn La, không chỉ quý giá đối với tỉnh Sơn La quê hương Long mà còn có ý nghĩa khích lệ to lớn đối với học sinh các tỉnh miền núi phía bắc. Với bước khởi đầu quá ấn tượng của Long, từ nay trở đi việc được tham gia đội tuyển đi thi quốc tế, thậm chí gặt hái mùa vàng trong các kỳ thi này không còn là ước mơ xa vời với học sinh ở những tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nữa.

Cậu học trò giỏi khoa học tự nhiên, trong mường tượng của mọi người, sẽ rất kiệm lời và… khô khan. Thế nhưng Long để lại ấn tượng với người đối thoại là một chàng trai rất thẳng thắn nhưng cũng rất hài hước và có lối nói chuyện cuốn hút. Long cùng với gia đình ở bước ngoặt lớn đã có những lựa chọn tưởng như không… giống ai. Hết lớp 9, thi vào lớp 10, Long đỗ cùng lúc vào cả lớp chuyên vật lý của Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) và chuyên toán của Trường THPT chuyên Sơn La. Giữa một ngôi trường có bề dày truyền thống, là niềm mơ ước của những học sinh giỏi các môn khoa học tự nhiên lại ở thủ đô - với một trường tuy là trường chuyên nhưng hầu như chưa có tiếng tăm gì so với hệ thống trường chuyên của cả nước, Long và gia đình đã quyết định học tập tại quê hương.

Ngay cả khi đã quyết định rồi, bạn bè và một số người lớn quen thân vẫn tỏ ra tiếc nuối thay Long vì môi trường học tập trường chuyên lớn nhất nhì cả nước sẽ khác hẳn so với một trường chuyên của tỉnh miền núi. “Thế nhưng Long thì lại nghĩ đơn giản: học ở đâu nếu tự bản thân mình không nỗ lực thì cũng không có “phép màu” nào cả”.

Long tâm sự: “Em chưa bao giờ mặc cảm khi mình sinh sống ở miền núi. Người ta dù sinh ra ở đâu cũng như nhau, khác nhau chỉ là do sự nỗ lực phấn đấu của từng cá nhân. Có thể điều kiện học tập của các bạn miền núi không tốt bằng các bạn dưới xuôi nhưng điều đó không có nghĩa là các bạn miền núi không có tố chất để trở thành người tài giỏi”.

Một quyết định tưởng như khá… kỳ cục nữa, mong muốn trở thành một nhà vật lý nhưng Long lại đăng ký thi và học chuyên toán. Long lý giải: Trong vật lý, toán là một công cụ thiết yếu. Để làm lý tốt theo em phải có kỹ năng toán khá vững. Đó là nguyên nhân em theo đội tuyển lý em vẫn thi vào chuyên toán.

Long chia sẻ: “Mọi người thường hỏi em về bí quyết học tập, nhưng thực tế phương pháp học tập của em không hề ẩn chứa điều gì đặc biệt, cao siêu. Khi thấy hứng thú với một vấn đề nào đó, em sẽ dành thời gian để nghiên cứu thật kỹ, cho đến khi hiểu thật rõ, chứ không chịu được khi mình mới hiểu láng máng về nó. Ngoài ra, về thời gian học, mình chỉ học lúc nào tâm trí cảm thấy sảng khoái, thư thái nhất. Như thế kiến thức sẽ dễ dàng hơn mà em cũng không cảm thấy việc học là một điều gì đó nặng nề, bắt buộc”, Long nói.

Được tuyển thẳng vào ĐH, Long đã đăng ký vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội mùa tuyển sinh này. Tuy nhiên, ước mơ lớn nhất của em vẫn là đi du học tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) - một trong 5 trường ĐH đào tạo công nghệ tốt nhất nước Mỹ.

Tuệ Nguyễn

>> Tấm gương thi đua yêu nước - Ba lần truy điệu sống
>> TP.HCM phát động phong trào thi đua yêu nước
>> Phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 - 2015
>> “Cần tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước”
>> Khai mạc Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII
>> Gắn thi đua yêu nước với xây dựng con người VN thời kỳ mới
>> Thi đua yêu nước: Tận tâm và nhìn xa
>> 1.500 đại biểu dự Đại hội Thi đua yêu nước lần VIII
>> Đã có 58 tỉnh, thành và 45 bộ, ngành tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước
>> Nhân rộng các mô hình thi đua yêu nước
>> Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.