Swing vui vẻ

09/03/2012 08:57 GMT+7

Vào tối thứ tư hằng tuần tại tầng hai một quán cà phê, giữa những chiếc bàn gỗ đặt xen kẽ ghế sofa nhung đỏ, nổi bật là một khoảng không gian rộng rãi, hoàn toàn mở cho 30 phút học nhảy swing miễn phí.

Vào tối thứ tư hằng tuần tại tầng hai một quán cà phê, giữa những chiếc bàn gỗ đặt xen kẽ ghế sofa nhung đỏ, nổi bật là một khoảng không gian rộng rãi, hoàn toàn mở cho 30 phút học nhảy swing miễn phí.

Thấy đồng nghiệp người Bắc lủi thủi giữa một thành phố mới, cô bạn năng động Sài thành rủ: “Tối thử đi học swing (*)... miễn phí xem!”.

Tự cởi bỏ mọi khuôn mẫu

“Đừng ngại nếu đây là lần đầu bạn nhảy swing!” - thầy giáo Stephane Laporte (người Pháp) nói. Trên nền nhạc jazz đầy ngẫu hứng, Stephane nhắc các học viên cố gắng nắm bắt được nhịp phách của bản nhạc.

Không như những điệu nhảy khác khi “chân nam” thường đóng vai trò quyết định, swing đòi hỏi một sự liên kết cân bằng giữa hai người nhảy; người nữ giữ được khuôn tay, trong khi người nam dẫn dắt, nhưng không được quá chi phối bạn mình. Điều cơ bản nhất của swing là sự ngẫu hứng, tự nhiên, tự do và vui vẻ. Người nhảy swing không mang giày cao gót mà dùng giày thể thao hoặc đế bệt. Trang phục của swing cũng không quá gợi cảm mà đòi hỏi sự thoải mái và giản dị. Nhất là người nhảy swing có thể “phăng” các bước nhảy tùy theo cảm giác với âm nhạc, cảm xúc với bạn nhảy hoặc cảm hứng sáng tạo của riêng mình.


Swing vui vẻ đang hoạt động mạnh tại TP.HCM - Ảnh: T.T.D 

Cộng đồng swing mở

Khởi nguồn từ cộng đồng người Mỹ gốc Phi trong khoảng thời gian từ năm 1920-1950, swing thịnh hành và phát triển ra nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên swing chỉ mới du nhập VN gần đây. Cộng đồng swing ở TP.HCM có tên Saigon Swing Cats, mở ra với nhiều quốc tịch, nhiều màu da của hơn 200 thành viên đến từ các nước như Mỹ, Pháp, Anh, Úc, Ba Lan, Hàn Quốc, Nhật, Singapore, Philippines, Việt Nam...

Giống như những cộng đồng swing khác trên thế giới, Saigon Swing Cats cũng có những bài nhảy tập thể vui nhộn như shim sham (nhảy cộng đồng phổ biến nhất), Lady Charleston (đồng diễn dành cho nữ), Jitterbug Stroll (do vũ sư người Anh Ryan Francois sáng tạo).

Giữa mỗi buổi swing, mọi người sẽ tạo thành một vòng tròn và lần lượt nhảy trong đó để đánh dấu một sự kiện đặc biệt như: mừng sinh nhật một bạn nhảy, chào đón một thành viên mới đến VN hoặc chia tay một thành viên cũ khi họ về nước... Ngoài ra còn có “chiến dịch quả cầu tuyết” (Snowball - mô phỏng hình ảnh quả cầu tuyết càng lăn càng phình ra), các cặp đôi tách ra và mời những người “đang đứng chơi” cùng vào nhảy cho đông hơn. Đó là tinh thần cởi mở và phóng khoáng rất đặc trưng của swing, cũng là điều cuốn hút ngày càng nhiều bạn trẻ tìm đến với môn nhảy còn khá mới ở VN này.

Tất Thịnh (25 tuổi) đến với swing chính vì: “Nhạc jazz, những người bạn nhảy cá tính và cảm giác vui vẻ!”. Cũng vậy, Florence (Pháp), Yoko (Nhật), Maria (Ba Lan) hay Ngọc Hiền (VN)... tập swing sau mỗi giờ tan tầm vừa để tìm hiểu cái mới, vừa để kết bạn mới, vừa để...thực hành tiếng Anh. Còn Minh Trung thì gọi swing là “điệu nhảy bình đẳng”, bởi bạn không cần phải đẹp hoặc nhảy giỏi mới được mời, nữ có thể chủ động mời nam nhảy mà không sợ... quê, hoặc nếu “ế” thì cũng có thể đứng lắc lư theo nhạc một mình mà không sợ bị ai nhìn ngó!

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.