Sôi nổi, ấn tượng

18/12/2010 23:00 GMT+7

Hôm qua 18.12, tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, hơn 700 bạn đọc trẻ là cán bộ Đoàn. Hội, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP.HCM tham dự lễ trao giải cuộc thi “Nếu tôi là Tổng biên tập Báo Thanh Niên”, do Báo Thanh Niên tổ chức. Đây là dịp để bạn đọc gần gũi hơn với tờ báo thân yêu của mình, đồng thời tìm hiểu thêm về nghề báo.

Ngày hội thú vị, xúc động

Trước khi chương trình chính thức bắt đầu, cả hội trường Nhà văn hóa Thanh niên như vỡ tung khi dàn đồng ca hàng trăm sinh viên, với sự bắt nhịp của nhà báo - nhạc sĩ Phan Bá Chức và đội văn nghệ Báo Thanh Niên, cùng hát vang bài Ngợi ca Thanh Niên - bài hát chính thức của Báo Thanh Niên.

Góp mặt trong không khí sôi động này, có các ca sĩ Đức Tuấn, Phạm Quỳnh Anh, Dương Triệu Vũ, Noo Phước Thịnh cùng các vũ công nhí, đã thực sự biến lễ trao giải thành ngày hội giao lưu đầy thú vị giữa các bạn trẻ và những người nổi tiếng. Những tiếng vỗ tay không ngớt, kèm theo những tiếng cổ vũ của các bạn sinh viên: “Hát nữa đi!” đã được các ca sĩ nhiệt tình đáp ứng.

Anh Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập Báo Thanh Niên: Sự trải nghiệm nào cũng cần chất trẻ

Có nhiều bạn trẻ luôn ấp ủ ước mơ, hoài bão và có thể thực hiện những hoài bão ấy một cách tự tin, sáng tạo, quyết liệt, đôi khi táo bạo. Hơn 150 bạn đã đến với chúng tôi như thế trong cuộc thi “Nếu tôi là Tổng biên tập Báo Thanh Niên”. Những ý tưởng trong các bản đề án nghiêm túc ấy rất đáng được chúng tôi quan tâm, trân trọng, vì sự nhìn nhận, góp ý nhằm vạch ra hướng phát triển các mặt hoạt động của tờ báo mà các ứng viên đã tin cậy.

Báo Thanh Niên sẽ ở bên cạnh để cùng các bạn trẻ triển khai thành hiện thực những ý tưởng sáng tạo về nghề báo của các bạn. Với những bạn trẻ khác dù không dự thi, chưa bộc lộ trên cương vị quản lý báo chí, chúng tôi mong các bạn sẽ hợp tác với Báo Thanh Niên trên nhiều mặt. Sự trải nghiệm nghề nghiệp nào cũng cần chất trẻ, chất lửa và chất kết nối.

Một tiết mục khác của chương trình được các bạn trẻ trông đợi, đó là phần trao giải cho các thí sinh đoạt giải cuộc thi “Nếu tôi là Tổng biên tập Báo Thanh Niên”. Trước khi trao giải, các bạn trẻ có dịp nhìn lại một ngày làm lãnh đạo tại Báo Thanh Niên của Tổng biên tập trẻ Trần Thị Duyên cùng hai Phó tổng biên tập Phạm Bá Diệp và Nguyễn Thị Kim Khuyên, qua đoạn phim ngắn do nhóm PV Thanh Niên online thực hiện vừa mới hoàn tất vào lúc 2 giờ sáng 18.12, để kịp phát tại lễ trao giải.

Tận mắt nhìn thấy sự trải nghiệm thực tế của Tổng biên tập cùng 2 thành viên trong Ban biên tập trẻ tại Báo Thanh Niên trong ngày 17.12, với một lịch làm việc dày đặc, từ việc điều hành các cuộc họp quan trọng, đến tham gia trực nội dung xuất bản của số báo ra ngày hôm sau,… nhiều bạn trẻ đều có chung một cảm xúc: ngạc nhiên và xúc động. “Thật bất ngờ và thú vị khi nhìn thấy những người bạn cùng trang lứa với mình phụ trách một tờ báo hàng đầu và cực kỳ chuyên nghiệp, hiện đại như Báo Thanh Niên. Đó thật sự là một trải nghiệm tuyệt vời. Em thật sự xúc động và hãnh diện vì những người bạn của mình…”, bạn Huỳnh Thị Trúc Phương, sinh viên trường ĐH Hồng Bàng (TP.HCM), bộc bạch.

Còn đối với ba bạn trẻ Trần Thị Duyên, Phạm Bá Diệp và Nguyễn Thị Kim Khuyên, thì ngày 17.12.2010, đó là một ngày đặc biệt, khó quên.

Giao lưu với các bạn sinh viên về sự trải nghiệm thực tế trên cương vị lãnh đạo Báo Thanh Niên trong 24 giờ, Tổng biên tập trẻ Trần Thị Duyên và 2 phó tổng biên tập cùng đúc kết kinh nghiệm: “Làm phóng viên đã khó, làm lãnh đạo cơ quan báo chí càng khó hơn. Chỉ một ngày trải nghiệm cùng các anh chị làm Báo Thanh Niên, chúng tôi hiểu được phần nào những áp lực rất lớn về thời gian, tin, bài, sức khỏe… của những người làm báo và lãnh đạo tờ báo”.

Cơ hội trải nghiệm nghề báo

Những tràng vỗ tay liên tục kèm theo những tiếng ồ lên biểu lộ sự thán phục của các bạn trẻ, khi được xem những thước phim tư liệu chiếu về những chuyến tác nghiệp đầy hiểm nguy của các nhà báo trẻ Báo Thanh Niên tại các “điểm nóng” trong nước và thế giới.

Phóng viên Hoài Nam với những màn hóa thân, để thâm nhập vào đường dây buôn lậu xuyên quốc gia, bóc trần Bí mật hành phi, đến Hãi hùng công nghệ trồng rau muống… Sự dấn thân không biết mệt mỏi của nữ phóng viên Như Lịch với những loạt phóng sự Một tuần với bệnh nhân AIDS, Một ngày… chui cống, Hành trình bán máu, Tôi làm công nhân vệ sinh bệnh viện... Cảnh tác nghiệp đến nghẹt thở giữa hai làn đạn của PV Việt Phương (Văn phòng thường trú tại Bangkok - Thái Lan) khi tham gia đưa tin về cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan vào tháng 4 - 5.2010. Hay như sự trải nghiệm kỳ thú của nhà báo Đỗ Hùng tại nhiều đất nước, vùng lãnh thổ khắp thế giới, để đưa đến cho bạn đọc những thông tin nóng hổi về những sự kiện quan trọng, điển hình như Word Cup 2010 tại Nam Phi, loạt phóng sự đắt giá Đến thủ đô bí ẩn nhất thế giới, Zimbabwe tươi đẹp và điêu tàn…

Buổi giao lưu giữa các nhà báo trẻ Báo Thanh Niên với các bạn sinh viên diễn ra sôi nổi, với những câu hỏi thẳng thắn, thực tế và những câu trả lời hết sức chân tình.

Trao giải
Tại buổi lễ, Báo Thanh Niên đã trao giải nhất, gồm một chuyến du lịch Singapore dành cho 2 người và 15 triệu đồng, cho Tổng biên tập trẻ Trần Thị Duyên (sinh viên khoa Báo chí - Truyền thông, trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM); 2 giải nhì (mỗi giải là 10 triệu đồng) cho hai Phó tổng biên tập trẻ Phạm Bá Diệp (sinh viên khoa Văn học và Ngôn ngữ, trường ĐH Khoa học xã hội &â nhân văn) và Nguyễn Thị Kim Khuyên (sinh viên trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2); 2 giải ba (mỗi giải là 5 triệu đồng) và 5 giải khuyến khích là tặng phẩm của Báo Thanh Niên.

Một bạn sinh viên đặt câu hỏi hóc búa: “Các anh chị nghĩ sao khi nhiều người thường nói vui “nhà báo nói láo ăn tiền”?”. Nhà báo Hoài Nam trả lời ngắn gọn: “Mỗi người được xã hội phân công một nghề khác nhau. Và nghề nào cũng đều có sự cám dỗ. Để tránh được nó, tôi luôn tâm niệm 4 chữ giữ, đó là giữ cho mình, giữ cho gia đình, giữ cho cơ quan và giữ cho xã hội”. Nhà báo Như Lịch bổ sung: “Hiện nay, với sự phản hồi nhanh nhạy của bạn đọc, sự chuyên nghiệp, tính kỷ luật cao của nhiều tờ báo, trong đó có Báo Thanh Niên, thì hiếm có nhà báo nào dại dột “nói láo, ăn tiền” để tự hủy hoại mình và tờ báo”.

Hâm mộ sự dấn thân của nữ nhà báo trẻ, nhiều bạn sinh viên dành nhiều câu hỏi cho nhà báo Như Lịch: “Thường nhà báo nữ chịu nhiều thiệt thòi hơn nhà báo nam. Chị có bị ảnh hưởng gì từ người yêu hoặc gia đình khi phải dấn thân với nghề báo?”. Nhà báo Như Lịch sau khi kể lại những kỷ niệm sâu sắc trong quá trình tác nghiệp đã tâm sự rằng làm nghề này giờ giấc không ổn định, ở ngoài đường nhiều hơn ở nhà. Do vậy, người yêu hoặc bạn đời phải biết cảm thông, sẻ chia với đặc thù nghề nghiệp của nhà báo nữ. “Cho đến nay, tôi vẫn còn độc thân. Nhưng các bạn hãy yên tâm, bởi tôi chỉ là cá biệt, vì đa số các đồng nghiệp nữ ở cơ quan tôi đều đã lập gia đình và có cuộc sống rất hạnh phúc”. Câu trả lời chân tình và dí dỏm của nhà báo Như Lịch đã nhận được nhiều tràng vỗ tay không ngớt của các bạn trẻ.

Bạn Thu Anh, sinh viên trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM, bày tỏ: “Qua buổi giao lưu với các anh chị PV Thanh Niên ngoài đời thực, em biết nhiều hơn về những công việc cực nhọc đầy chông gai nhưng cũng nhiều niềm vui của nghề báo. Em không ngờ là một bài báo đến tay bạn đọc, các anh chị làm báo phải dấn thân đến như vậy. Em cảm ơn Báo Thanh Niên đã tạo điều kiện cho chúng em có dịp gặp gỡ trao đổi, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm quý báu với các nhà báo trẻ như hôm nay”.

Minh Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.