Sinh viên Việt 'đá trên sân khách'

12/03/2012 09:03 GMT+7

Không chỉ năng động trên sân nhà, ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam ( SV) chủ động tìm cơ hội tham gia các hoạt động quốc tế...

Không chỉ năng động trên sân nhà, ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam ( SV) chủ động tìm cơ hội tham gia các hoạt động quốc tế...

Làm hướng dẫn viên du lịch miễn phí cho người nước ngoài (nhóm Hanoi kids), tình nguyện viên (TNV) cho các hội nghị quốc tế tại Việt Nam là cơ hội tốt cho SV Việt hòa mình vào những hoạt động đối ngoại.

Nhiều SV còn chủ động tìm cơ hội để được đá sân trên khách như học tập, tham gia hội thảo, làm TNV... ở nước ngoài để rèn khả năng ngoại ngữ, phong cách làm việc hiện đại, nâng cao hiểu biết, có thêm quan hệ...

Khi tham gia các hoạt động này, SV thường được đài thọ chi phí đi lại, ăn ở, thậm chí được đơn vị tổ chức trả tiền để chi tiêu trong những ngày ở nước bạn. Ngoài lợi ích cho bản thân, hầu hết bạn trẻ có ý thức, trách nhiệm giới thiệu hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Bùi Nguyệt Phượng (năm 2 – Học viện Ngoại giao) tham dự liên hoan thanh niên Hàn Quốc – Đông Nam Á (ĐNA) 2011 chia sẻ: “Chương trình tổ chức các hoạt động như quay clip và nhờ đó nhóm Việt Nam có cơ hội giới thiệu hình ảnh đất nước tới bạn bè ĐNA, qua đó mình cũng biết thêm về những nét đặc sắc của các nước khác. Sau chương trình, mình thấy tự tin và suy nghĩ tích cực hơn”.

Hoàng Thị Bích Ngọc (năm 4 – ĐH Ngoại thương, thành viên AIESEC Ftu) kể trong chuyến tình nguyện dạy tiếng Anh tại Thái Lan năm 2011 khi kết thúc, đại điện các em nhỏ lên tặng quà và đã quỳ xuống khiến bạn bị sốc, sau này bạn mới hiểu tinh thần tôn sư trọng đạo của người Thái.

Cảm nhận về bạn bè quốc tế, Nguyễn Sơn Tùng, SV tại Hà Nội, tham dự Diễn đàn thanh niên quốc tế lần thứ 22, chia sẻ: “ Bạn bè quốc tế vui vẻ, tự tin và hoạt bát, suy nghĩ tích cực, và đặc biệt luôn có thái độ trách nhiệm với thế giới, luôn muốn làm gì đó để xã hội tốt đẹp hơn. SV Việt Nam nên học hỏi những
điều này”

Sau mỗi lần hội thảo, tình nguyện, các bạn lại có thêm bạn mới, lập hội, nhóm trên Facebook hoặc các mạng xã hội để cùng nhau làm những việc có ích, trở thành công dân quốc tế.

Theo các bạn trẻ, công dân quốc tế không chỉ tiếng Anh giỏi mà còn phải có suy nghĩ, khả năng thích ứng, làm việc, học tập trong môi trường quốc tế. Sơn Tùng cho rằng ngoài tiếng Anh, các bạn trẻ cần trang bị kiến thức nền về văn hóa các nước để tránh những tình huống tế nhị khi hoạt động trong môi trường quốc tế.

“Phong cách làm việc chuyên nghiệp, không có giờ cao su, khả năng thích ứng nhanh với môi trường mới, bản lĩnh vững vàng để đối mặt với những cú sốc văn hóa, làm việc trên tinh thần hợp tác cùng có lợi”, Bích Ngọc chia sẻ những điều thu nhận được sau chuyến đi.

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.