Sinh viên châu Á nổi trội tại trường Mỹ

31/01/2007 19:34 GMT+7

So với sinh viên đến từ các địa phương khác, sinh viên châu Á tại Mỹ luôn chiếm thứ hạng cao tại các giảng đường đại học. Sự nổi trội này sẽ còn lớn hơn nữa nếu không vấp phải sự phân biệt đối xử của giới lãnh đạo trường.

Khi Jonathan Hu học trung học tại ngoại ô Nam California, hiếm khi nào cậu nghe ai nói tiếng Hoa. Tuy nhiên, đến lúc vào Đại học California, cậu chỉ cần sải bước từ sân trường đến lớp là có thể nghe tiếng phổ thông mọi nơi, từ khu vực cafeteria, lớp học, giảng đường, ký túc xá đến quầy bán thức ăn nhanh.

Tất nhiên không chỉ có tiếng Quan Thoại mà đủ mọi loại tiếng trên thế giới đều có thể được tìm thấy ở trường đại học. Đây chính là kết quả của các dự án xây dựng được thực hiện liên tục tại đây nhằm mang lại cơ hội đồng đều hơn cho những ai muốn bước vào cánh cổng đại học Mỹ. Hu nhận xét: "Mọi người ở đây nói tiếng Hoa như là ngôn ngữ chính của họ. Thật tuyệt. Bạn thật sự cảm thấy mình không bị lạc lõng".

Số sinh viên năm nhất người Mỹ gốc châu Á tại Berkeley đạt mức cao kỷ lục vào mùa thu năm ngoái, khoảng 46%, trong khi tổng số sinh viên châu Á là 41%. Bạn có thể tìm thấy rất nhiều nét đặc trưng của châu Á trong khuôn viên trường học. Muốn ăn điểm tâm theo kiểu Trung Quốc với xíu mại, há cảo, bánh bao ư? Chỉ cần 5 phút đi bộ.

Mặc dù người Mỹ gốc châu Á chỉ chiếm không đến 5% dân số Mỹ, nhưng sinh viên châu Á đạt 10 - 30% số sinh viên tại các trường đại học tốt nhất trên toàn quốc. Thống kê năm 2005 cho thấy, tỷ lệ sinh viên gốc Á tại Carnegie Mellon và Stanford là 24%, tại Viện Công nghệ Massachusetts (27%), Yale (14%), Princeton (13%), Harvard (18%), và Đại học California, Berkeley (46%). Con số này có thể cao hơn nhiều với các chính sách cho phép sinh viên nhập học mà không phân biệt nguồn gốc, màu da.

Thèm tô phở cay, nóng thì hãy đến quầy cafeteria Bear's Lair. Đó là chưa kể vô số câu lạc bộ xã hội của những sinh viên đến từ các nước châu Á - Thái Bình Dương trong trường. Trải qua vài ngày tại ngôi trường trên, bạn sẽ cảm thấy dần dần những ngôn ngữ lạ hoắc đó dường như bớt xa lạ. Đây là một trường đại học toàn cầu trong thời đại toàn cầu hóa. Nhưng không phải trường nào trên đất Mỹ cũng có quan điểm thoáng như Berkeley.

Jian Li, hiện là sinh viên năm nhất Đại học Yale, không may mắn như Jonathan Hu. Dù đạt được điểm tối đa cho kỳ thi SAT là 2.400 điểm nhưng Li đã bị loại khỏi danh sách sinh viên nhập học tại các trường Princeton, Harvard, Stanford, MIT và Đại học Pennsylvania. Cậu đã nộp đơn kiện trường Princeton, cho rằng mình đã bị loại chỉ vì là người châu Á. Jian Li không phải là trường hợp ngoại lệ. Vào năm 2003, Đại học Michigan đã phải hầu tòa sau 2 đơn kiện của học sinh với lý do tương tự. Lúc đó, Tòa Tối cao bang này kết luận trường có thể thiên vị đối với các trường hợp sinh viên gốc da đen và Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, nhưng việc chia "quota" như vậy là vi hiến.

Theo đánh giá của Đại học California, Los Angeles, người Mỹ gốc Á là "người khổng lồ đang ngủ say", có khả năng gây ảnh hưởng lớn đến các chính sách công cộng của bang California. Một cuộc nghiên cứu vào tháng 10.2006 do Trung tâm Cơ hội bình đẳng thực hiện cho thấy số điểm SAT của thí sinh châu Á cao hơn 140 điểm so với người da đen và 240 điểm so với người gốc Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Một kết quả khảo sát do Princeton thực hiện cho thấy lẽ ra sinh viên châu Á đã giữ 4 trong 5 vị trí hiện thuộc về người da đen và Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha.

T.M

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.