Sẽ duy trì và phát triển mô hình Sàn giao dịch việc làm

17/05/2007 00:26 GMT+7

Tại phiên giao dịch đầu tiên của Sàn giao dịch việc làm lần đầu tổ chức tại TP.HCM, 3.271 người đã được giải quyết việc làm tại chỗ. Có thể coi đây là mô hình thành công trong nỗ lực bắc cầu cho hai phía "người tìm việc - việc tìm người" với mong muốn kéo giảm tình trạng thất nghiệp, xóa đói giảm nghèo tại TP.HCM cũng như trong phạm vi cả nước.

Chung quanh vấn đề này, PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thành Tâm, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐ-TB-XH) TP.HCM. Ông Tâm cho biết:

- Trong 3 ngày sàn giao dịch hoạt động, đã có hơn 22.000 người trực tiếp đến đăng ký dự tuyển và dự tuyển qua mạng. Và sau phiên giao dịch đầu tiên, hơn 3.200 người đã được các nhà tuyển dụng đồng ý ký hợp đồng lao động (LĐ). Kết quả này cũng  được coi là một bất ngờ. Từ đây, tôi có thể mạnh dạn nói rằng đây là mô hình đạt hiệu quả rất cao trong công tác quản lý LĐ, phù hợp với xu thế hội nhập, phát triển công nghệ thông tin, có thể nhân rộng ra.

* Không thể phủ nhận đó là con số khả quan. Tuy nhiên, hằng năm TP.HCM vẫn còn hơn 200.000 người thất nghiệp. Ông nghĩ gì về con số này?

- Theo khảo sát của Sở, từ nay đến năm 2010 mỗi năm TP vẫn còn khoảng 230.000 đến 240.000 người cần giải quyết việc làm. Đây là một con số đau đầu và không dễ dàng gì có thể giải quyết được ngay. Mong muốn của chúng tôi là đến cuối năm 2010, kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp 5,28% hiện nay xuống dưới 5%.

* Theo ông, những giải pháp kéo giảm đó là gì?

- Tôi có thể khái quát các giải pháp như sau: Trước hết là điều tra nắm bắt chắc nguồn LĐ, trong đó chú ý nhất là lực lượng LĐ tại các khu công nghiệp (KCN) tập trung, các vùng tái định cư, vùng nông thôn ngoại thành. Phát triển mạng lưới dạy nghề phù hợp với những quy định mới của Nhà nước, phù hợp với sự phát triển của TP để tăng nhanh tỷ lệ LĐ qua đào tạo, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế của TP. Trong đó, chúng tôi cũng sẽ có chính sách phù hợp đào tạo các loại ngành nghề để cung ứng LĐ cho lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ cao, cho các khu chế xuất và KCN. Rộng hơn nữa là đáp ứng yêu cầu phát triển của các tỉnh thành trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam. Trong quá trình giải quyết việc làm, chúng tôi cố gắng duy trì và phát triển mô hình "Sàn giao dịch việc làm" đã được Trung tâm giới thiệu việc làm TP thực hiện có kết quả trong thời gian vừa qua.

* Được biết, trên địa bàn TP hiện có hơn 50 doanh nghiệp (DN) xuất khẩu LĐ. Những DN này "làm ăn" như thế nào chưa nghe ông nói?

- Đến cuối năm 2006 TP.HCM vẫn còn hơn 45.000 hộ nghèo (thu nhập dưới 6 triệu đồng/người/năm), chiếm 3,67% tổng hộ dân. Chủ trương chung của Thành ủy, UBND TP là phải xóa nghèo bền vững. Vì vậy, công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) chúng tôi rất coi trọng. Tôi được báo cáo cho biết, trên địa bàn TP hiện có 52 DN XKLĐ bao gồm của trung ương, của các tỉnh thành và của TP. Năm 2006 các DN này đã "xuất" được hơn 16.000 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trong đó Công ty Suleco trực thuộc Sở đưa được hơn 1.000 người. Ngoài việc tuyển dụng rộng rãi dành cho mọi thành phần, Sở đã phối hợp với Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo TP và Công ty Suleco hỗ trợ từ 50- 100% chi phí ban đầu cho người nghèo và diện chính sách để những người này có điều kiện tham gia XKLĐ. Tôi nhớ, Báo Thanh Niên đã từng có bài viết về sự đổi đời, xây nhà cửa khang trang, đời sống trở nên khá giả của không ít người dân ở xã Thái Mỹ - Củ Chi sau 3 năm đi LĐ ở Hàn Quốc. Tôi từng qua Nhật Bản ghé thăm LĐ VN đang làm việc tại đây và được biết có những người sau 2-3 năm làm việc, đã tích lũy gửi về cho gia đình vài chục ngàn USD. Không ít người nghèo của TP đã thoát nghèo, thậm chí trở nên dư giả hơn trước kia rất nhiều từ XKLĐ. Có thể coi XKLĐ là một kênh thoát nghèo có hiệu quả ở TP.HCM.

Nguyên Thủy
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.