Sáu tuổi làm đơn... ly dị bạn gái (?!)

23/04/2011 14:17 GMT+7

Trong tuần qua, ba câu chuyện của con trẻ đã khiến dư luận bàn thảo với nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Chuyện thứ nhất: Một học sinh lớp 1 mới 6 tuổi ở Hà Nội đã viết đơn ly dị với một bạn gái học cùng lớp. huyện thứ hai: Một nữ học sinh lớp 7 ở TPHCM đã bị bạn trong lớp đánh đập nhiều lần hết sức dã man vì… ghen. Chuyện thứ ba: Một bé gái mới 12 tuổi ở Thái Bình có thai đến tháng thứ bảy gia đình mới phát hiện. Chuyện không còn là của ba con trẻ. Với góc nhìn của ba nhà giáo mà chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu ý kiến của họ, cho thấy đó hoàn toàn là chuyện của người lớn.

Không chỉ cư dân mạng, mà nhiều bậc cha mẹ, lẫn học sinh mấy ngày nay xôn xao chuyện một cậu bé 6 tuổi có tên là Đ.H, học sinh giỏi Hoa Trạng nguyên “cấp trường” làm đơn... ly dị bạn gái. Lá đơn viết nắn nót, chỉn chu, đúng “luật”. Dòng chữ “Đơn xin ly dị” viết hoa chính giữa tờ giấy. Trong đơn Đ.H viết lý do ly dị vì: “Do tôi không còn tình cảm gì với bạn G - là bạn gái của tôi trong lớp, tôi chuyển sang thích bạn M. Vì thế, tôi làm đơn này xin ly dị với bạn G chính thức từ ngày hôm nay. Bạn G không được phép nắm tay tôi nữa. Ký tên Đ.H”. Đ.H cho rằng, nếu không viết đơn ly dị thì bạn G cứ bám theo nên Đ.H không chơi được với bạn khác.

Khi không thích chơi với bạn nữa thì làm đơn ly dị. Quả là chuyện... lạ đó đây, độc nhất vô nhị. Lứa tuổi lên 6, còn rất xa mới đến tuổi “...nam thập lục” đứng về mặt tâm sinh lý, các cháu chưa biết phân biệt giới tính, làm sao có tình yêu giữa con trai và con gái để tính chuyện ly dị? Lứa tuổi này, chúng chơi với nhau nặng “quảng giao” hơn là “tâm giao”, cũng có thể chúng chơi thân bạn A hơn bạn B, song chỉ là cảm tính thôi, vì bạn A nhường nhịn, không tranh giành đồ chơi, không đánh bạn...

Nhưng tới mức tương tư “hay nhìn... thi thoảng thơm trộm vào má bạn gái... không thích chơi với bạn nữa thì làm đơn ly dị”. Mọi cung bậc diễn ra như một tình yêu đúng nghĩa khó có thể có ở một cháu bé 6 tuổi. Lứa tuổi này các cháu không có nhu cầu tình yêu nam nữ. Cá biệt trường hợp của cháu Đ.H, như cháu lý giải, cháu bắt chước “trên phim người ta làm như thế mà”. Đ.H là con trai duy nhất của anh chị N. Bố mẹ làm ở hai Cty khác nhau, lại làm việc theo ca. Bố mẹ thường về muộn, sau giờ học Đ.H ở nhà một mình thỏa thích xem đủ các loại phim ta, tàu, tây, Hàn... Các câu chuyện tình yêu trên phim, khi yêu nhau thì người ta “cho” nhau hôn hít hết mình, lúc... “hít le” nhau, người ta sẵn sàng làm đơn đưa nhau ra tòa ly dị.

Lứa tuổi của Đ.H coi người lớn là thần tượng. Xem phim và làm theo người lớn một cách vô thức là hệ quả tất yếu. Con trẻ làm gì có lý trí để phân biệt mọi hiện tượng đúng sai của người lớn. Mà mọi việc làm của người lớn, không phải lúc nào cũng là “tấm gương sáng cho con trẻ noi theo”. Khi xảy ra chuyện, người lớn “giật mình”, “bức xúc”, có hành động mang tính bạo lực. Anh N biết chuyện, cả giận mất khôn, lôi con về nhà “xé nát tờ giấy (lá đơn ly dị của con trai) và phát cho cậu con trai mấy cái vào mông”. Nhưng cháu Đ.H “không khóc mà cũng nhất định không chịu xin lỗi bố”. Cháu cho rằng “trên phim người ta làm thế” - tức là cháu làm theo người lớn, bị bố đánh thì vô lý quá!

Chuyện cháu Đ.H là  học sinh lớp 1, mới 6 tuổi đã làm đơn ly dị bạn gái quả là hy hữu “có một không hai”, đó cũng là lời cảnh tỉnh cho các thầy - cô giáo, cha mẹ học sinh, dù bận trăm công ngàn việc để kiếm sống, cần phải dành thời gian hằng ngày quản lý, giáo dục con em để chúng không cảm thấy “bị ruồng bỏ”, cô đơn trong ngôi nhà của mình.

Tuổi của các cháu rất cần tình thương, sự chăm sóc chỉ bảo ân cần của người lớn, dạy bảo hướng dẫn chúng có nhận thức đúng đắn về tình bạn cùng giới, khác giới. Ngày xưa các cụ dạy “nam nữ thụ thụ bất thân” (con trai, con gái chưa lấy nhau, chưa được cầm tay nhau). Anh chàng Lục Vân Tiên (nhân vật chính trong chuyện “Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu - tác phẩm các em được học trong nhà trường phổ thông), sau khi đánh tan bọn “Phong Lai mặt đỏ phừng phừng” cứu Kiều Nguyệt Nga. Kiều Nguyệt Nga định xuống xe tạ ơn người anh hùng.

Lục Vân Tiên vội ngăn lại “Khoan khoan ngồi đó chớ ra/ Nàng là phận gái ta là phận trai”. Đương nhiên đó là nền giáo dục đạo Khổng thời phong kiến. Ngày nay, nam nữ bình đẳng, trai gái bạn bè gặp nhau bắt tay nhau, nhưng vẫn giữ một khoảng cách cần thiết thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, người ta gọi đó là văn hoá giao tiếp, hay kỹ năng sống. Điều này cần phải được cha mẹ, thầy cô dạy bảo tỉ mỉ ngay ngày đầu khi các cháu cắp sách đến trường. Đ.H làm đơn ly dị bạn, thực ra cháu có hiểu hai chữ ly dị là gì đâu. Ly dị chỉ dành cho vợ chồng khi không còn sống hạnh phúc với nhau được nữa thì mới làm đơn ly dị. Chắc chắn Đ.H cũng đã từng nghe chuyện đơn ly dị và hiểu rằng sau viết đơn là cũng “chấm dứt” như người lớn.

Sự việc đã xảy ra, như người ta nói “mất bò mới lo làm chuồng”, “sau sự cố lá đơn, bố mẹ Đ.H chú ý đến con nhiều hơn và lắng nghe chuyện lớp, bạn bè của Đ.H nhiều hơn. Đ.H học tập tiến bộ, được chọn vào đội tuyển Hoa Trạng nguyên cấp trường - cuộc thi chỉ dành cho học sinh giỏi toàn diện môn toán và tiếng Việt. Câu chuyện may mắn cuối cùng cũng có hậu. Đây cũng là bài học không của riêng ai.   

Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.