Rảnh vẫn không tự học !

04/10/2015 06:44 GMT+7

Theo hình thức học tín chỉ, sinh viên tự học là vấn đề quan trọng nhất. Tuy nhiên hiện nay việc tự học hầu như không được phát huy đúng hiệu quả.

Theo hình thức học tín chỉ, sinh viên tự học là vấn đề quan trọng nhất. Tuy nhiên hiện nay việc tự học hầu như không được phát huy đúng hiệu quả.

Tinh thần tự học của sinh viên rất quan trọng - Ảnh: Lê ThanhTinh thần tự học của sinh viên rất quan trọng - Ảnh: Lê Thanh
1.001 lý do
Dương Tú Anh, sinh viên (SV) năm nhất ngành khoa học ứng dụng Trường ĐH Bách khoa, TP.HCM tâm sự: “Học tín chỉ nên khối lượng kiến thức cũng bớt nặng nề chủ yếu là tự học, tự mày mò. Thế nhưng, tinh thần tự học của nhiều SV hiện nay dần bị phai mờ bởi những nhu cầu khác của cuộc sống”.
Cùng nhận định trên, Nguyễn Thị Ngọc Linh, SV năm 4 Khoa Kinh tế, Trường ĐH Nông Lâm hài hước: “Tự học của SV chẳng khác nào nghỉ hè mà phải đến lớp. Đến 85% SV trong lớp mình chỉ tìm đến tài liệu, sách vở khi kỳ thi đến, đó gọi là đối phó chứ không phải tự học. Nhiều SV cắm đầu vào game, Facebook mà quên cả đi thi nữa”.
Với hình thức đào tạo tín chỉ, SV sẽ có thêm nhiều cơ hội tự tiếp cận kiến thức trên nền tảng định hướng của giảng viên. Cũng như sẽ có cơ hội để chọn lựa cho mình một lịch học trên lớp thật phù hợp để có thời gian tự học ở nhà. Thế nhưng, cũng có “hằng hà sa số” lý do khiến SV không vận dụng tốt được khoảng thời gian tự học ở nhà.
Nguyễn Ngọc Hoàng Thạch, SV năm 4 Khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế - Luật nói: “Thời gian rảnh nhiều nhưng mình cũng không dùng nó để tự học. Nhận thấy việc học ở trường không hỗ trợ nhiều cho việc làm sau này nên mình muốn trải nghiệm bản thân ở những công việc bán thời gian”.
Còn Bùi Thị Lý, SV năm 3 Khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế - Luật nói: “Mình không dành thời gian làm việc gì khác ngoài học, thế nhưng lại không có được phương pháp học đúng đắn, đến cuối kỳ kết quả học tập cũng không cao nên mình rất nản”.
Tự học ngay cả trên lớp
Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Phó giám đốc Trung tâm huấn luyện kỹ năng sống và chăm sóc tinh thần ý tưởng Việt, chia sẻ: “Việc lơ là với vấn đề tự học xuất phát rất lớn từ ý thức. SV thường nghĩ là mình đã vất vả đèn sách 12 năm, nên quãng thời gian học ĐH, CĐ là dành để nghỉ giải lao. Hơn nữa ĐH là giai đoạn học kiến thức chuyên môn, kỹ năng để ứng dụng thiết thực cho tương lai chứ không phải học để đối phó, học cho qua môn”.
Còn thạc sĩ Hoàng Hồng Giang, giảng viên Khoa Thực phẩm - Môi trường Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, chia sẻ: “Hiện tượng chán học hay thờ ơ với môn học dẫn đến SV không có ham muốn tìm hiểu hay tự học môn học đó ở nhà, một phần là do cách dạy của giảng viên ở trên lớp không được hấp dẫn. Muốn tạo cho SV có động lực nghiên cứu, tìm hiểu về môn học thì điều đầu tiên giảng viên phải thay đổi cách dạy, lựa chọn các cách dạy thật sáng tạo và thực tế để tạo hứng thú cho SV”.
Đồng quan điểm với ông Giang, thạc sĩ Phạm Xuân Thu, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Trường CĐ Kinh tế đối ngoại nói: “Giảng viên phải định hướng cho SV môn học này thực sự cần thiết cho cuộc sống sau này. Khi nhận thức được tầm quan trọng thì không cần nhắc nhở, SV cũng sẽ tự mua sách vở hay giáo trình có liên quan về môn học để nghiên cứu. Điều này sẽ phát huy tối ưu tính tự học”.
Thạc sĩ Xuân Thu giải thích thêm: “Tự học trên lớp đồng nghĩa SV phải chủ động. Trên lớp, giảng viên chuyển tải ý chính là chủ yếu nên muốn hiểu thật sâu thì SV phải chuẩn bị kiến thức ở nhà, phải chủ động đặt vấn đề mình chưa hiểu tại lớp để giảng viên giải quyết. Hay đặt những vấn đề đã xem trước nhưng chưa hiểu để giảng viên giải quyết ngay tại lớp sẽ tạo được hiệu quả rất cao”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.