Quán cà phê phế liệu chiến tranh

16/04/2015 06:00 GMT+7

(TNO) Trên tuyến đường Lê Ngô Cát dẫn lên lăng vua Tự Đức (P.Thủy Xuân, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế), có một quán cà phê lạ được làm bằng phế liệu chiến tranh thu hút nhiều du khách và những người đứng tuổi.

(TNO) Trên tuyến đường Lê Ngô Cát dẫn lên lăng vua Tự Đức (P.Thủy Xuân, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế), có một quán cà phê lạ được làm bằng phế liệu chiến tranh thu hút nhiều du khách và những người đứng tuổi.
 
Họa sĩ Nguyễn Văn Hè (bên phải) đang trò chuyện với phóng viên về quán cà phê độc của mình - Ảnh: Bùi Ngọc Long
Bước chân vào quán, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt mọi người đó là dãy hàng rào được làm bằng dây kẽm gai với chiếc cổng là những thùng phuy được dựng chồng lên nhau. Ám ảnh của thời kỳ chiến tranh chưa xa nghe như vẫn day dứt đâu đó từ âm hưởng của những băng, đĩa nhạc cũ của Lệ Thu, Khánh Ly… Những chiếc mũ cối cũ rách, thủng mệt nhoài được móc trên hàng rào kẽm gai càng gợi thêm kí ức ám ảnh của chiến tranh.
 
Không gian bộ sưu tập các vật liệu phế liệu chiến trang tại quán cà phê của họa sĩ Nguyễn Văn Hè - Ảnh: Bùi Ngọc Long
Bên trong của không gian quán cà phê còn có một gian trưng bày bộ sưu tập gồm máy truyền tin, điện thoại, máy đánh chữ, thìa, muỗng, lon guigoz và cả thùng đựng nước... được gò từ những vỏ bom napan vốn rất thông dụng trong các gia đình VN sau chiến tranh.
Tất cả đều được làm từ phế liệu chiến tranh, nhưng công năng sử dụng của chúng đều hoàn toàn mới. Những thùng đạn được thiết kế lại để thành giá để sách, những vỏ pháo đáng được dùng làm đèn chiếu sáng, những vỏ đạn cũ biến thành những chiếc bình cắm hoa xinh xắn và những tấm ri lót đường và những két đạn được làm bàn ghế…
 
Các bạn trẻ đến với cà phê độc từ phế liệu chiến tranh của Nguyễn Văn Hè - Ảnh: Bùi Ngọc Long
Bảng hiệu của quán cũng được dùng những tấm gỗ sơn màu sẫm với những dòng chũ tiếng Anh và tiếng Việt với thông điệp: “Có đến 550 triệu khẩu súng đang lưu hành trên toàn thế giới. Tính ra cứ 12 người trên hành tinh này thì có một khẩu súng. Câu hỏi đặt ra là làm sao vũ trang (để bảo vệ) 11 người còn lại?”. Và câu trả lời là: “Yêu không chiến tranh”. Đó cũng là tên của quán cà phê độc đáo này.
 
Bình hoa làm từ vỏ quả bom - Ảnh: Bùi Ngọc Long
Chủ nhân của quán cà phệ lạ này là họa sĩ trẻ Nguyễn Văn Hè, hội viên Hội Mỹ thuật Thừa Thiên-Huế. Chia sẻ về ý tưởng ra đời quán cà phê độc này, Nguyễn Văn Hè cho biết: “Mình sinh ra ở vùng quê Phong Xuân (xã Phong Sơn, H.Phong Điền) là nơi hứng chịu nhiều hậu quả chiến tranh. Do có sở thích sưu tầm nên từ nhỏ mình đã để ý và nhặt nhạnh sưu tầm những mảnh bom, vỏ đạn, phế liệu chiến tranh. Đầu năm 2014, mình có ý định thuê một căn nhà vừa để ở vừa làm nơi sáng tác nên đã đi tìm kiếm nhiều nơi. Mãi khi đến đây, thấy không gian phù hợp lại có nhà vườn thoáng mát, không khí trong lành nên mình đã quyết định mở quán cà phê này.
Từ những vật liệu chiến tranh gom góp ở quê, Hè đã bỏ công lặn lội đi khắp các lò mua bán phế liệu để tìm mua, sưu tập thêm những vật liệu chiến tranh khác và bộ sưu tập của anh ngày một nhiều thêm. Từ những thứ mà người ta mua về chỉ có thể đập dẹp để bán làm nguyên liệu tái chế, qua bàn tay của người họa sĩ, mỗi một hiện vật đều khoác lên mình một dáng vẻ mới, tạo nên nét riêng mang lại thú vị cho khách.
 
Bảng hiệu của quán mang thông điệp Yêu không chiến tranh - Ảnh: Bùi Ngọc Long
Quán cà phê vừa là nơi để kinh doanh nhưng cũng là nơi sáng tác. Không những thế, đây cũng là nơi để Hè kéo theo công ăn việc làm cho những người em của mình từ quê vào thành phố học tập, sinh sống. Đây chính là cách mà người nghệ sĩ đã chọn để có thể vừa trang trải cuộc sống vừa theo đuổi đam mê của mình.
Chiến tranh đã qua đi hơn 40 năm, nhưng hậu quả của nó vẫn còn để lại nặng nề trên đất nước mình, nhất là ở quê tôi, vẫn còn đó những con người mang di chứng chất độc màu da cam, những nạn nhân tàn phế do bom mìn sót lại… Và thế giới từng ngày vẫn đang đối diện với chiến tranh từ Syria, Iraq, Ukraine… “Từ khi mở quán, ngày nào tôi cũng được đón những người lớn tuổi đến chia sẻ kí ức chiến tranh, có những đoàn cựu chiến binh Mỹ đến để nhớ lại những năm tháng ám ảnh mà họ đã trải qua. Mỗi người mỗi cách nhìn, mỗi cảm nhận… nhưng hầu như ai cũng có chung suy nghĩ không nên đem đến với nhau bằng đau khổ của chiến tranh mà thay vào đó là tình yêu thương. Bới vậy, slogan của quán chính là “Yêu không chiến tranh”.
Bàn ghế của quán được làm từ thùng đạn - Ảnh: Bùi Ngọc Long
Đây cũng chính là một phần của dự án mang tên Câm Lặng mà Hè đang thực hiện để gửi Quỹ Trao đổi và Phát triển văn hóa Đan Mạch - Việt Nam (CDEF) xin tài trợ.
Bên cạnh quán cà phê, với đề tài chiến tranh, họa sĩ Nguyễn Văn Hè cũng đã từng có nhiều tác phẩm đoạt nhiều giải thưởng như: tác phẩm Cảm nhận đạt giải ba Festival Mỹ thuật đương đại VN 2011 tại Hà Nội; tác phẩm Thế trận giải thưởng Triển lãm mỹ thuật trẻ VN 2013 tại Huế. Ở Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô lần thứ 5 (2008 – 2013), anh cũng đạt giải C và tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh của anh cũng đã được giải Tặng thưởng Triển lãm Mỹ thuật Bắc miền Trung tại Huế năm 2014 cùng nhiều giải thưởng của Hội Mỹ thuật Huế…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.